Ngày xưa, ở một vùng gần biển, có hai vợ
chồng nhà nọ, đầu tóc đã hoa râm mà vẫn hiếm hoi. Hai vợ chồng cầu khấn khắp
nơi mong có mụn con khỏi phải hiu quạnh lúc tuổi già. Thế rồi người vợ bỗng có
mang, chín tháng mười ngày đẻ ra một bọc, khi mở ra
thì không phải là người mà là
một con dê đực. Chồng bực mình bảo vợ đem ném xuống sông cho khuất mắt, nhưng
người vợ không nỡ, khuyên chồng cứ để lại nuôi.
Trong lòng phiền não, người chồng phát ốm
rồi từ giã cõi đời. Trái lại, dê thì hay ăn chóng lớn, lại biết trông gà, chăn
lợn, giúp đỡ mẹ những việc vặt trong nhà. Vì thế, mẹ dê cũng phần nào khuây
khỏa.
Một hôm dê đi chơi đâu về, tới đặt đầu vào
lòng mẹ nói:
- Mẹ ạ! Phú ông làng bên có ba cô con
gái, mẹ đi dạm cho con một cô! Mẹ dê nghe con nói không nhịn được cười, bảo:
- Mày thật là đứa không biết phận
mình. Đời nào phú ông lại gả con cho cái thứ dê như mày cơ chứ!
Nhưng dê một hai bắt mẹ mang
trầu cau đến hỏi cho bằng được. Sau cùng, thấy con vật nài hết sức, nên chiều
lòng con, mẹ đành đánh bạo đến nhà phú ông. Giáp mặt phú ông, ngần ngại mãi, bà mới
dám mở miệng ngỏ lời.
Vừa nghe nói, phú ông đã đùng đùng nổi giận, quát mắng om sòm:
- Câm mau cái con mụ này! Đồ láo! Dám vác mặt tới đây hỏi con vàng con ngọc
của ta cho con dê của mụ kia
à? Muốn tốt thì xéo ngay đi!
Nhưng theo lời con dặn, mẹ dê vẫn cứ nhẫn
nhục ngồi lại, một hai nói mãi không thôi. Cuối cùng phú ông bất đắc dĩ
bảo:
- Thôi được, ta cũng chiều lòng mụ gọi các con ta ra đây hỏi xem,
hễ đứa nào bằng lòng lấy con mụ thì
ta sẽ gả.
Nói xong, phú ông cho gọi ba cô con gái
đến trước mặt, rồi hỏi ngay con gái đầu lòng:
- Con có muốn về làm dâu nhà mụ này không?
Cô gái nguýt mẹ dê một cái rõ dài rồi hối hả đi
vào, không quên buông một câu nói vội:
- Úi dào, chồng người chả lấy, lại
lấy chồng dê! Phú ông cười ha hả. Lại hỏi đến cô con gái thứ hai:
- Còn con có ngại hắn là dê không nào?
- Thưa cha, con là người không thể
lấy được dê.
Đến lượt cô con gái thứ ba, phú ông lại
hỏi:
- Còn con nữa, con cũng thế chứ?
Nhưng cô thứ ba đã khép nép cúi đầu thưa:
- Cha mẹ đặt đâu con xin ngồi đấy!
Phú ông chưa bao giờ ngạc nhiên đến thế.
Nhưng đã chót hứa với mẹ dê,
hắn không còn biết nói năng ra sao nữa. Hắn nghĩ: - "Không cần từ chối, ta
cứ thách cưới cho rõ nặng, nhất định các vàng cũng không dám "chơi
chèo". Hắn bèn đòi mẹ dê phải đủ sính lễ một trăm trâu bò, một trăm lợn,
một mâm vàng, một mâm bạc mới được đón đâu về. Nghe nói, mẹ dê lật đật chạy về kể lại cho
con nghe và nói:
- Con ạ! Hãy từ bỏ ý định ngông cuồng
đi thôi. Phú ông tuy nói gả nhưng lại thách cao như thế, họa có vua chúa mới
biện đủ.
- Đừng lo mẹ ạ - dê con trả lời - con sẽ lo được.
Đêm hôm ấy, trong khi mẹ dê ngủ, thì dê bước ra sân trút
lốt dê thành một chàng trai trẻ. Khi chàng hô lên: - "Lấy cho ta mọi thứ
để làm sính lễ", lập tức các gia nô xuất hiện trước mặt chàng rất đông, họ
đội đến đủ số vàng bạc và dắt đến đủ số trâu, bò, lợn, rồi biến mất. Chàng trai
lại chui trở vào lốt dê, gọi mẹ dậy nhận đủ lễ vật để sửa soạn ngày mai đưa
sang cho phú ông.
Ngày rước dâu, dê bon bon đi trước, còn cô
gái út phú ông lẽo đẽo theo sau cùng với hai chị. Sau khi vào buồng làm lễ hợp
cẩn, cô gái bỗng thấy chồng mình trút lốt dê ra thành một chàng trai tuấn tú
thì vừa sợ vừa mừng. Sáng dậy chồng lại chui vào lốt dê như cũ, rồi ra nhà
ngoài. Hai người chị vợ cố nán ở lại để xem em mình ăn ở với dê ra làm sao.
Nhưng khi gặp người em, họ chả thấy em có vẻ gì là băn khoăn hối hận về việc có
chồng là dê cả. Không khỏi lấy làm ngạc nhiên, họ tỉ tê hỏi dò em cho ra sự
thực. Vợ dê kể lại cho hai chị biết mọi việc trước sau. Đêm lại, hai chị lén
trổ vách buồng của em nhìn vào quả thấy đúng như lời em nói. Họ không ngờ chồng
của em lại khôi ngô trẻ đẹp vượt xa bọn con trai trong thiên hạ. Hôm sau hai
chị khuyên em phá lốt dê đi để cho chồng không còn biến vào đâu được. Quả nhiên
từ đấy dê chấm dứt cuộc đời đội lốt dê. Còn hai người chị thì lại hối tiếc và
ghen tị với số phận may mắn của
em.
*
* *
Hơn một năm sau, một hôm chồng trao cho vợ
một con dao và một hòn đá lửa, dặn rằng:
- Tôi có một số công việc phải vượt muôn
trùng sóng nước, chưa hẹn được ngày về, cũng không thể đem nàng đi được. Nàng ở
nhà nhớ đừng đi đâu xa. Hai vật hộ thân này hãy luôn luôn mang bên người đừng
quên, có khi dùng được việc.
Rồi một sáng sớm, Dê từ biệt mẹ và vợ dong buồm ra khơi. Vợ Dê
ở nhà thức khuya dậy sớm, hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng. Nhớ lời chồng dặn, bao
giờ con dao và hòn đá cũng được giắt ở bên lưng.
Một ngày kia, hai chị đến nhà rủ em đi
trẩy hội. Vợ dê trước chối từ nhưng sau thấy hai chị dỗ mãi, bèn theo họ ra đi.
Cả ba người xuống một chiếc thuyền đậu sẵn ở bến. Thuyền băng băng rẽ sóng, chị
em cùng nhau vui vẻ chuyện trò. Qua ngày hôm sau, ba chị em lại quây quần ngắm
mây trông sóng ở đằng mũi thuyền. Nhưng đã lập mưu sẵn, hai chị thừa lúc em vô
ý bất thần đẩy em xuống biển. Vợ dê chưa kịp kêu lên thì đã bị sóng khỏa chìm
nghỉm. Còn hai chị, thi hành xong kế độc, liền hối hả cho thuyền vào bờ, rồi
giả bộ hốt hoảng báo tin rằng em mình không may sẩy chân rơi xuống nước.
Lại nói chuyện vợ dê trong khi đang vùng
vẫy cố ngoi lên khỏi mặt nước
thì bỗng có một con cá kình lao tới đớp ngay vào bụng. Sẵn dao bên mình nàng
lập tức rút ra đâm chém tứ tung. Cá kình bị thương quẫy rất dữ dội. Nhưng vì bị
thủng bụng nên chỉ một lúc sau cá đã tắt thở, nằm phơi bụng nổi lên mặt nước.
Chăng bao lâu sóng biển đánh giạt xác cá vào một hòn đảo. Vợ Dê liền cầm dao
rạch luôn bụng cá, chui ra ngoài. Đó là một hòn đảo hoang không có bóng người.
Nàng bèn chặt cây dựng lều làm thành một chỗ ở bên bãi biển. Sẵn có đá lửa,
nàng đốt củi lên sưởi, và xẻo thịt cá kình nướng ăn. Sau đó lại vào rừng hái
trái đào củ, thay cho lương thực. Cứ như thế tất cả những khó khăn trong cuộc
sống dần dần nàng đều vượt qua.
Một hôm, vợ Dê nhìn vọng ra ngoài khơi
bỗng thấy xa xa có bóng một cánh
buồm trắng. Nàng bèn buộc áo vào một cành cây phất lên làm hiệu. Con thuyền
nhận được dấu hiệu của nàng, rẽ sóng tiến vào đảo. Khi thuyền cập bến, nàng
sửng sốt thấy người trên thuyền không phải ai xa lạ chính là chồng mình. Đúng là
chàng dê sau bao ngày vượt
vời đang trên đường trở về quê hương, thấy dấu hiệu cầu cứu nên ghé vào đảo.
Hai vợ chồng ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Chỉ một lát sau, Dê đã nghe hết đầu
đuôi câu chuyện.
Khi thuyền về đến nhà, Dê giấu vợ không
cho ai biết, rồi sai người dọn một bữa cỗ linh đình nói là để cúng vợ. Chàng
cho mời làng nước và bà con họ hàng, cả gia đình nhà vợ tới dự. Hai người chị
nghe tin Dê đã về thì mừng khấp khởi, vội đến ngay. Cả hai làm bộ khóc lóc thảm
thiết trong khi bịa ra câu chuyện cái chết thảm thiết của cô em xấu số. Sau đó
chúng mấy lần liếc mắt đưa tình để cám dỗ người em rể tuấn tú mà chúng vẫn ao ước được chung tình. Dê vẫn thủng thỉnh đi từ bàn nọ
sang bàn kia, mời mọi người ăn uống no say. Đoạn Dê khoan thai bảo hai chị:
- Em xin vào nhà gọi người ra hầu hai chị!
Dê vén màn cho vợ từ trong buồng bước ra.
Nàng tươi cười chào hỏi hai chị và mọi người, làm cho ai nấy đều sửng sốt. Hai
người chị vừa thẹn vừa sợ, nhân lúc mọi người không chú ý, len lén bước ra khỏi
cổng. Nhưng chúng đi chưa được một quãng đường đã bị thần sét nhảy xuống đánh chết.
Từ đấy hai vợ
chồng Dê ăn ở với nhau sung sướng trọn đời.
Xem thêm các truyện khác tại đây:
Truyện 110. Lấy chồng dê
KHẢO DỊ
Trong Thánh Tông di thảo cũng có một chuyện Lấy chồng Dê:
Một người đàn bà ở Thanh-khê góa chồng có
hai con gái. Cô bé đã gả chồng còn cô lớn hơn hai mươi tuổi mà vẫn chưa chịu
lấy ai. Khi bà mẹ mất,
có nhiều nơi đến dạm hỏi nhưng cô đều từ chối. Cô ở với chú may vá làm thuê, kiếm ăn lần hồi. Cô thương mẹ khóc lóc ba năm, ai
cũng khen là con có hiếu. Một hôm cô từ mộ mẹ trở về nhà, tự nhiên thấy có một
con dê đi theo. Về đến nhà, dê nhảy ngay vào buồng hóa thành một chàng trai, tự
xưng mình là người của Ngọc Hoàng thượng đế bị đày xuống trần ba mươi năm. Từ
đấy chàng trai cứ sáng ra là dê tối lại là người. Ở làng ấy có một người con
trai khác từ lâu theo đuổi cô gái. Một hôm, anh ta đến rình ở buồng thấy có
tiếng trò chuyện, bèn phá cửa xông vào thì chỉ thấy con dê, anh ta thẹn quá bỏ
đi mất.
Sau đó Ngọc Hoàng thương giảm hạn, dê được
về trời. Lúc từ biệt, vợ đòi đi theo. Dê bày cho vợ câu thần chú để gọi mình
xuống mỗi lúc muốn gặp. Nhờ đó hai bên còn gặp nhau nhiều lần. Nhưng bốn tháng
sau, cô bị bệnh chết. Khi chôn, người ta thấy trong quan tài có tiếng động, mở ra chỉ thấy một con chim vàng anh.
Việt-nam còn có truyện Chàng Chuối rất phổ biến ở Miền bắc, gần như
cùng một chủ đề với chuyện trên.
Thủy thần một hôm biến thành một người đàn
ông lên bộ, rồi ăn nằm với một cô gái. Cô gái từ đấy có mang, đến kì đẻ sinh ra
một con cá chuối rất lớn. Thường ngày mẹ vẫn nuôi con trong vại nước. Lớn lên, chuối đòi lấy một trong ba
cô con gái quan họ Lý trong miền. Cũng như truyện trên cô thứ nhất và cô thứ
hai khi nghe nói chuyện lấy Chuối làm chồng đều tỏ ý dè bỉu, trừ cô thứ ba.
Thấy vậy họ Lý cũng đòi một món sính lễ lớn, vượt khả năng của nhà trai. Chuối
được mẹ thả xuống sông để về xin bố. Bố cho một quả bí, về mở ra trong có đủ mọi sính lễ mà nhà gái đã thách cùng nhiều kẻ
hầu người hạ. Cưới xong, đêm đêm Chuối cũng biến thành chàng trai ăn nằm với
vợ, ngày lại hóa cá. Một hôm Chuối trút lốt cùng vợ đi chơi hội chùa, hai chị
không ngờ đó là một chàng trai khỏe và đẹp, đâm ra mê mẩn. Em gái thú thật đấy
là chồng mình. Hai chị lúc đầu không tin, họ đến nhà em khoét vách nhìn mới rõ sự thực, và từ đó họ ghen tị
với em.
Về sau vua nghe tin đồn, vời Chuối về
triều làm đại tướng trấn giữ biên thùy. Ở đây cũng có tình tiết hai chị nhân
khi Chuối đi vắng, rủ em đi tắm và xô em ngã xuống sông, nhưng cứu thoát cho vợ
Chuối lại là Thủy thần. Chuối làm xong việc quan, trở về gặp lại vợ, giấu vợ
vào hòm, rồi mang hòm đến nhà bố vợ. Hai chị cũng giả bộ thương xót em gái xấu
số rồi tán tỉnh ve vãn Chuối, nhưng đến lúc Chuối mở hòm thì bị vạch mặt. Hai chị
cũng bị sét đánh chết như truyện trên.
Đồng bào Vĩnh-yên, Phú-thọ kể chuyện chàng
Chuối có khác ở chỗ, mẹ Chuối do ướm vào dấu chân lạ bên bờ sông mà có mang.
Sau khi ra đời, Chuối được thả trong một chậu nước đặt ở gậm giường. Một hôm có
hội mùa, Chuối biến thành chàng trai đi dự, thấy có ba cô gái đẹp mới về bảo mẹ đi hỏi. Cũng như trên, nhà gái
thách cưới quá nặng. Chuối cũng bảo mẹ thả mình xuống sông rồi cũng mang lên
một quả bí. Một tiếng nổ, quả bí vỡ tung, bao nhiêu mâm cỗ và đồ sính lễ tuôn ra nườm nượp. Ở đây không có việc Chuối được vua phong đại tướng.
Thừa lúc vắng Chuối, hai chị rủ em ra cầu rồi bất ngờ đẩy xuống sông. Nhưng
chàng Chuối đã kịp thời cứu được vợ và đẩy hai chị em xuống nước.
Gần giống với chuyện Lấy Chồng Dê và Chàng Chuối,
còn có truyện Sọ Dừa của
người Cham-pa, khá phổ biến ở miền Nam, nội Dung như sau:
Một người nọ nhà rất nghèo, một hôm cùng
con gái lên rừng hái củi. Cô gái bỗng tìm thấy ở một hòn đá một mạch nước chảy,
bèn uống và tắm thỏa thích. Nhưng khi người cha đến thì nước không còn một
giọt. Cô gái từ đấy có mang, đủ ngày tháng đẻ ra một cục thịt tròn như quả dừa.
Thằng bé bảy tháng biết nói, một năm biết tự lăn đi, ba năm biết chăn dê. Sau
đó, nó bảo mẹ đưa mình đến cung vua xin làm công việc chăn trâu. Trâu vua có ba
mươi vạn, người chăn mà thường
vẫn thất lạc, nhưng thấy Sọ Dừa cam đoan, nên vua bằng lòng thuê.
Ngày đầu tiên, công chúa bé nhất mang cơm
trưa. Công chúa thấy trâu ăn thành từng bầy rất trật tự, nhưng không thấy Sọ
Dừa. Gọi một tiếng thì Sọ Dừa từ đâu lăn ra nhận cơm. Chiều lại, đưa trâu về đủ số.
Ngày hôm sau, vua giao thêm công việc cắt
dây buộc nhà. Khi đem cơm, công chúa đứng rình thấy giữa rừng có nhà lầu, có dê
lợn và kẻ hầu người hạ. Một số người hầu thì đi chăn trâu, còn một số đi
cắt dây. Công chúa gọi lên một tiếng, tự nhiên mọi thứ biến mất, còn Sọ Dừa thì
lăn đến nhận cơm như cũ. Buổi chiều trâu về con nào con ấy dây cuốn đầy sừng.
Vua rất thán phục khi thấy quân hầu tháo được một trăm xe. Lần đưa cơm thứ ba,
công chúa cũng rình thấy giữa kẻ hầu người hạ đông đúc có một chàng trai đẹp
tựa trăng rằm. Khi gọi tên thì chàng trai biến vào lốt, lăn ra như cũ.
Hôm sau nữa hai công chúa lớn từ chối việc
đưa cơm nên công chúa em lại phải đi. Hôm ấy trời mưa gió, lúc Sọ Dừa đánh trâu
về lăn vào bếp sưởi, đụng vào chân hai công chúa lớn đang nấu ăn ở bếp bị họ
mắng chửi.
Hôm khác, vua giao thêm việc chặt tre.
Công chúa ba đưa cơm có mang theo một gói trầu do mình têm để tặng Sọ Dừa. Tre
của Sọ Dừa chặt được nhiều quá đến nỗi vua phải huy động dân các làng kéo về,
được một trăm xe. Mọi người đều tấm tắc về tài năng phi thường của Sọ Dừa.
Chăn trâu được mười lăm ngày, Sọ Dừa về
nhà giục mẹ đi hỏi cho mình
một trong ba công cháu làm vợ. Mẹ bất đắc dĩ ra đi. Vua hỏi ý kiến ba công
chúa, chỉ có công chúa ba ưng thuận. Đám cưới kéo dài một trăm ngày, một trăm
đêm, có dân các làng được vua mời về dự. Vua bảo hoàng hậu hỏi dò xem con gái
ăn nằm với Sọ Dừa như thế nào. Công chúa cho biết: sáng là Sọ Dừa, đêm là
người. Một đêm nọ công chúa đem lốt dấu đi. Sọ Dừa đành phải ra mắt mọi người. Thấy chàng đẹp trai,
ai nấy nô nức đến cung để nhìn mặt.
Sau lễ cưới nửa tháng, Sọ Dừa chuẩn bị tàu
lớn đi buôn, có vợ và hai chị vợ đi theo. Lúc tàu ra khơi, hai chị bảo em tháo
nhẫn mà Sọ Dừa tặng cho
xem rồi giả vờ làm tuột tay rơi xuống biển. Em vội nhảy xuống vớt, nhưng tàu
chạy rất nhanh, khi Sọ Dừa biết thì đã không thấy tăm dạng. Cho tàu quay về, Sọ
Dừa khóc lóc ngày đêm. Hai chị vợ nấu cơm têm trầu cho ăn, lại đến ăn nằm với
Sọ Dừa nhưng chàng vẫn nhớ vợ không nguôi.
Vợ Sọ Dừa vớt được chiếc nhẫn nhưng lại bị
chìm xuống biển sâu. Nhờ sự mầu nhiệm của chiếc nhẫn nàng trở thành một người
tí hon ẩn vào trong một vỏ trai lớn. Bị sóng đánh, trai trôi dần vào bờ. Một
cặp vợ chồng làm nghề bắt trai nghe tiếng khóc tỉ tê trong một vỏ trai, liền
nhặt lấy đưa về cất ở nhà.
Một lần hai vợ chồng đi vắng, công chúa từ
vỏ trai chui ra biến thành người lớn, quét dọn, nấu cơm nước, đoạn lại chui vào
như cũ. Một hôm họ cũng giả vờ đi nửa đường lại lộn về rình. Bắt được quả tang,
họ nhận công chúa làm con nuôi. Công chúa bảo họ mua cho mình một ít bông về
dệt thành chăn. Chăn dệt xong, công chúa bảo mẹ nuôi mang đến cung vua bán, lại
đưa nhẫn cho mẹ nuôi
đeo. Vua thấy tấm chăn giống với chăn của công chúa thứ ba dệt. Còn Sọ Dừa thì
nhận ra chiếc nhẫn, bèn theo người đàn bà về nhà. Hai vợ chồng lại tái ngộ. Sau
đó Sọ Dừa thay vua trị vì thiên hạ.
Nguồn: “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam – Nguyễn
Đổng Chi”
Comments
Post a Comment