Vào đời nhà Lê, có
ông bà Trần Cao ngày rằm tháng bảy một năm nọ theo lệ thường mang vàng hương lễ
vật tìm đến miếu Long Hải vương để làm lễ cầu phúc. Miếu này ở trên một ngọn
núi sát bờ biển có tiếng linh thiêng. Lần này hai vợ chồng lại đưa cả con trai
là Trần Sinh đi theo. Cúng xong, cả gia đình quây quần ở trước hiên miếu chuẩn
bị ngủ lại để cầu mộng. Đêm ấy, Trần Cao mộng thấy một người mặt đỏ
râu dài, oai phong lẫm liệt, mặc áo lụa, lưng thắt đai vàng, đến trước
mặt mình mà bảo rằng:
- Ta là Long Hải
vương trấn trị ở vùng này. Thấy người thành tâm ta rất vui lòng. Ta có đứa con
gái nhỏ vốn có "túc duyên" với con trai ngươi. Nay con trai ngươi
cũng đã khôn lớn, nên ta đến đây nói chuyện để cho đôi trẻ thành hôn được sớm.
Nếu người cũng bằng lòng thì cứ cho người mang sính lễ đến miếu này, ta sẽ cho
đưa dâu về nhà, không cần phải đón rước lôi thôi gì cả.
Trần Cao tỉnh dậy
cho là mối nhân duyên lạ, vừa mừng vừa sợ, vội đem việc mộng kể lại cho vợ con
biết. Nhưng mẹ con Trần Sinh không cho là việc có thực.
- Ồ! Mộng mị vô
thường ông ạ. Âm dương cách trở làm sao con thần lại kết duyên được với con người
kia chứ.
Mặc cho vợ nói, Trần
Cao vẫn tin lời thần. Trở về nhà, ông sai người giết lợn đồ xôi và sắm sanh áo
quần, trang sức cho cô dâu. v.v... y như chuẩn bị một đám cưới thật sự.
Sau đó, đến giờ hoàng đạo ông cho người nhà mang tới miếu Long Hải vương đặt
lên hương án khấn vái như lời ông dặn, xong việc, lại trở về nhà báo cho mình biết.
Quả nhiên vào khoảng
chập tối, người nhà trở về mới chừng giập bã trầu, thì mọi người đã nghe tiếng
đàn sáo nhã nhạc vang vang trước ngõ. Họ vội chạy ra xem thì đã thấy đám rước
dâu có họ hàng và kẻ hầu người hạ rộn rịp, chỉ khác một điều là không phải người
mà toàn là ếch. Ai nấy đang kinh ngạc thì kiệu hoa đã đặt trước cổng, trong kiệu
bước ra một người con gái rất đẹp trang sức lộng lẫy. Cô gái có vẻ bạo dạn đi
thẳng vào nhà, quỳ lạy ông bà Trần Cao mà thưa rằng:
- Con là Bạch
Nga Long vâng lời vương phụ về giao hôn cùng chàng Trần Sinh, xin cha mẹ ngồi
lên cho con làm lễ.
Lạy đoạn, cô gái rón
rén lui ra chào hỏi mọi người rất đon đả. Hai ông bà Trần Cao thấy con dâu xinh
xắn, lễ phép thì rất mừng, mới gọi Trần Sinh lại, hai người làm lễ gia tiên rồi
đưa nhau vào buồng. Trong lúc đó người nhà của họ Trần dọn cỗ bàn, mời họ nhà
gái ngồi lại ăn. Tuy là ếch, họ cũng ăn uống chẳng khác gì người. Đến
quá nửa đêm họ nhà gái mới từ giã ra về, chỉ còn một số là thị tỳ thì ở lại hầu
hạ cô dâu.
Sau khi lấy vợ, Trần
Sinh được bố mẹ làm nhà cho ra ở riêng. Hai vợ chồng ăn ở với nhau rất
hòa thuận. Nhưng Trần Sinh thấy người hầu của vợ toàn là ếch thì trong bụng
không vui. Mỗi lần có khách, ếch nhảy nhót đi hầu trà nước làm cho chàng đâm
ngượng với khách. Chàng chỉ muốn làm thế nào sớm tống được chúng đi cho rảnh mắt,
nhưng vì nể vợ nên không nói gì.
Một hôm, nhân đi chợ
thấy có người bán rắn, Trần Sinh mua luôn mấy con. Mang về, chàng giấu
vợ, lẳng lặng thả rắn ở gầm giường. Khi lũ thị tỳ ếch thấy rắn thì kêu la om
sòm, bỏ chạy toán loạn. Bạch Nga Long đỏ mặt khuyên chồng:
- Sao chàng lại
độc ác với chúng nó thế? Nếu chàng không muốn cho chúng nó ở nhà này hầu hạ thiếp,
thì cứ bảo cho thiếp biết để thiếp cho chúng nó về, chứ làm thế không nên!
Trần Sinh đang lúc
giận dữ, thấy vợ nói thế, quay ra mắng luôn cả vợ. Hai vợ chồng to tiếng cãi
nhau. Cơn giận đang muốn dịu đi, bỗng bốc lên bừng bừng, Trần Sinh quát:
- Nếu nàng
muốn về ta cũng không cấm.
Nghe nói thế, Bạch
Nga Long vội sai con hầu gói ghém tư trang rồi chờ đến chập tối, cả thầy lẫn
trò dắt nhau đi mất. Thấy vắng con dâu, hai ông bà Trần Cao đến nhà con hỏi
duyên cớ. Trần Sinh kể lại cho bố mẹ nghe mọi việc xảy ra và nói:
- Con không thể nào
sống mãi với một lũ ếch được!
Nghe đoạn, Trần Cao
mắng chửi con trai hết lời. Sợ Long thần giận, hai ông bà lại sai biện lễ vật rồi
ép Trần Sinh đến miếu Long Hải Vương để tạ tội. Nhưng khi đến
nơi, họ chỉ thấy mênh mông một trời một nước, chẳng còn núi non miếu mạo đâu cả.
Cho là Long thần giận dữ mới làm ra thế, cả ba người sợ hãi, bèn lủi thủi quay
về.
Lại nói chuyện Long
Hải vương khi thấy con gái trở về thì nổi giận đùng đùng, quyết tìm dịp báo thù
cha con nhà thông gia cho bõ ghét. Hôm cả nhà Trần Cao tìm đến.
Long Hải vương không những không tiếp mà còn thừa lúc họ đi vắng, sai
bộ hạ lẻn tới đốt nhà. Một ngọn lửa xanh tự nhiên bùng lên giữa nóc nhà họ Trần,
gây nên nạn cháy khủng khiếp. Xóm giềng đổ tới cứu chữa nhưng ngọn lửa đã quá
to, không thể dập tắt được. Thế là chỉ trong phút chốc tất cả tài sản của Trần
Cao đều tiêu tan. Tin rằng đó chính là sự báo thù của Long Hải vương,
ông bà Trần Cao đành gạt nước mắt đi vay mượn xóm giềng một số tiền, dựng tạm một
cái quán bán nước sống cui cút qua ngày.
Một đêm sáng trăng,
Trần Sinh mang cần ra sông câu cá. Chàng giật được lên một con ếch. Nhớ lại
chuyện vừa xảy ra cho nhà mình, chàng bực bội quẳng ếch xuống sông. Lần thứ hai
giật lên: lại một con ếch mắc vào lưỡi câu. Chàng lại ném trả lại mặt nước.
Nhưng lần thứ ba cũng lại như lần trước. Lần này chàng bắt ếch bỏ vào giỏ đem về.
Đến nhà, chàng treo giỏ lên đầu hồi rồi lên giường nằm, nhưng tiếng ếch kêu ồm ộp
làm cho chàng không tài nào ngủ được. Tức mình, Trần Sinh trỗi dậy bắt ếch ra
đánh. Càng đánh ếch lại càng kêu to. Bỗng chốc ếch tuột khỏi tay người, nhảy đi
khắp nơi. Trần Sinh vội đuổi theo để chụp bắt. Ba lần bắt ba lần hụt, nhưng đến
lần thứ tư chàng cũng chộp được. Thốt nhiên ếch trút lốt ra, hóa thành Bạch Nga
Long. Thấy vợ xuất hiện đột ngột trong cánh tay của mình, Trần Sinh thẹn thò
buông ngay ra, hai tay ôm lấy mặt không dám nhìn. Bạch Nga Long quỳ xuống, nói:
- Để cho cha mẹ
chàng khổ, đó là lỗi tại thiếp!
Nói đoạn tìm đến bố
mẹ chồng sụp lạy tạ tội. Ông bà Trần Cao đỡ dâu dậy an
ủi, mọi ưu phiền trước
đây bỗng nhiên trút sạch. Rồi Bạch Nga Long đưa vàng của mình ra tậu đất
làm nhà, dần dần cơ nghiệp của bố mẹ chồng lại được phục hồi, có phần vinh thịnh
hơn xưa. Nàng còn đón thầy về cho chồng học tập. Về sau Trần Sinh đi thi đỗ trạng
nguyên.
Hết.
KHẢO DỊ
Ở Việt-nam xưa dường
như không có tục thờ thần ếch. Nhưng theo truyền thuyết thì đời Nguyễn có Hà
Tông Quyền quê làng Cát-động (Hà-đông) đậu tiến sĩ năm 1822, người ta cho ông
là thần ếch giáng sinh2. Vì vậy những hình tượng của truyện cổ tích trên cũng
phần nào có cơ sở từ tín ngưỡng. Truyện của ta có đôi nét giống với truyện Thần
Ếch xanh trong Liêu trai chí dị:
Vùng Trường-giang
Hán-thủy dân gian thờ cúng thần Ếch. Họ rất mê tín, ếch nhái trong miền không
ai dám bắt. Ai xúc phạm thì nhà ấy có điềm gở, phải làm gà lợn cầu cúng, thần Ếch
có vui lòng tha cho thì mới tai qua nạn khỏi.
Tỉnh Hồ-bắc có người
họ Tiết có con là Côn Sinh, còn bé có người tự xưng là sứ giả thần Ếch đến nhà
nói rằng thần muốn kén chàng làm rể. Người bố không nghe nhưng về sau đi hỏi
dâu mấy đám, đều bị thần báo mộng, nên ai cũng từ chối. Một hôm Côn Sinh đi giữa
đường bỗng có sứ giả thần Ếch gọi đi. Đến một nơi thấy thần bệ vệ ngồi ở sảnh
đường rồi có một bà lão dắt một cô gái xinh ra.
Côn Sinh tỏ ý bằng
lòng. Lúc trở về chưa kịp soạn sửa thì xe hoa đã tới. Từ đấy thành vợ chồng.
Côn Sinh hay cáu: Một
hôm vợ nói nặng lời chàng chửi lại, động tới ếch nhái vợ bỏ về. Côn Sinh vẫn
không chịu xuống nước. Tiếp đó mẹ chàng bị bệnh. Người bố phải lên miếu tạ tội, mẹ mới
khỏi bệnh và vợ trở về ân ái như xưa.
Hôm khác hai vợ chồng
bất hòa, vợ lại bỏ về. Như truyện của ta, cũng có việc nhà họ Tiết bốc cháy.
Côn Sinh đến miếu trách thần Ếch rằng có giáng tai họa thì cứ giáng vào đầu
mình dừng làm tội cha mẹ. Chàng còn toan đốt miếu nhưng có người làng can mới
thôi. Đêm ấy, thần Ếch báo mộng cho xóm giềng họ Tiết bảo phải mang gỗ lát làm
nhà cho rể mình. Chẳng bao lâu nhà làm xong, vợ lại về thuận hòa hơn trước.
Cũng như truyện của
ta, có việc Côn Sinh bắt rắn nhưng ở đây chồng gói lại bảo vợ mở xem.
Vợ giận lại bỏ về, thề xin đoạn tuyệt. Người bố đánh Côn Sinh rồi xin lỗi với
thần. Ít lâu sau có tin thần Ếch gả con gái cho chủ nhà họ Viên. Nhà họ Tiết đến
rình thấy nhà họ Viên đang sắm sửa xe hoa. Côn Sinh lâm bệnh, lúc mở mắt
lại thấy vợ. Từ đó vợ về ở chung lâu dài và sinh được hai con trai.
Trong vùng ai có việc
xúc phạm tới thần Ếch thường đến cầu cứu Côn Sinh. Chàng bảo phải ăn mặc đẹp đẽ
vào tận buồng lạy tạ vợ. Nếu vợ cười thì sẽ yên ổn.
Người Ấn-độ cũng có
một truyện kể người lấy ếch trong Ma-ha-bha-ra-ta:
Một ông vua là
A-u-đi-a xin cưới con gái vua ếch là A-in. Vua ếch chỉ ra một điều kiện là
không được cho vợ trông thấy nước. Chàng rể cam kết như lời. Đến ngày cưới, cô
dâu đội lốt người phụ nữ xinh dẹp. Chàng rể rất thỏa mãn. Nhưng được ít lâu
công chúa ếch lấy lại hình dạng động vật, vì chồng đã để cho vợ trông thấy nước,
phá vỡ điều cam kết.
Xem thêm các truyện khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment