Ngày xưa ở xã Bình-quân, huyện Cẩm-giàng,
có vợ chồng một phú ông nọ sinh được mỗi một cô con gái. Cô xinh đẹp nhất làng,
tính nết lại dịu dàng, hiền hậu, nhân nhà cô có nuôi thầy cho con trai học, phú
ông cũng cho con gái theo đòi nghiên bút. Cô rất thông minh học chóng
tiến tới, chẳng bao lâu đã thông kinh sách.
Nghe tin cô đẹp người, tốt nết lại
hay chữ, bọn con trai quanh vùng cũng đã nhiều kẻ rắp ranh. Nhưng phú ông tự nhủ:
- "Con gái ta phải sánh duyên với người nào văn chương lỗi lạc, chứ về với
bọn phàm phu tục tử thì thật uổng phí xuân xanh một đời." Nghĩ vậy
có mấy đám con nhà giàu và quyền quý cho người tới dạm, ông đều lắc đầu
từ chối.
Cô gái càng lớn càng xinh, càng chăm
học, thơ phú làm ra khó có ai theo kịp. Nhưng không ngờ thật là trớ trêu. Trong
người cô mang một chứng bệnh mà thầy thuốc đành bó tay: đó là bệnh hủi.
Trước cô còn e lệ giấu kín không cho ai biết. Nhưng ngày một ngày hai, những chỗ
sưng thối lở loét bắt đầu hành hạ, cô không thể che mắt thiên hạ được nữa. Thấy
bà con làng xóm xì xào về bệnh của con gái, và cũng e ngại chứng bệnh dễ lây,
phú ông đành phải làm một ngôi nhà bên cạnh đường nhưng xa làng để cho cô ở
riêng biệt, chỉ thỉnh thoảng cho con hầu mang tới gạo muối tiền nong cho cô chi
dùng hàng ngày, không để thiếu thốn. Cứ như thế, cô gái xấu số nọ chịu nhận cuộc
sống cô đơn buồn rầu đã hơn một năm.
Một hôm có một thầy cử trẻ tuổi trên
đường đi thi hội. Vừa đi lọt vào lùm cây thì trời bỗng đổ cơn mưa, anh nhanh
chân tìm một hốc cây để ẩn nấp. Nhưng trận mưa kéo dài mãi đến tối.
Cho nên vừa ngớt hột mưa, anh phải vội vã đi tìm chỗ nghỉ trọ. Vừa hay bên cạnh
đường, anh thấy le lói có ánh đèn, bèn chạy tới gọi cổng, không biết đấy là nhà
cô gái hủi. Tiếng cô gái nói vọng ra:
- Ai đấy, hãy đi kiếm chỗ khác
mà trọ, ở đáy nhà cửa chật chội không ở được đâu!
Đứng ở ngoài cửa thầy cử ta kèo nài:
- Tôi đây. Xin làm ơn cho vào
hơ nóng một tý, kẻo vừa rồi mưa ướt hết cả.
- Xin mời khách đi nữa sẽ có chỗ
trọ, nhà tôi vắng vẻ không tiện mời vào.
- Tôi là cử nhân họ
Trần đi thi hội, vì làng xóm còn quá xa xin cho nghỉ lại một tý, nếu không tiện
thì tôi sẽ đi.
Thấy giọng có vẻ cầu khẩn, lại nghe
khách tự xưng là con nhà lễ giáo, cô gái bỗng động lòng thương, bèn ra mở cổng
mời vào. Dưới bóng đèn, cô thấy khách là một chàng trai ngoài hai
mươi tuổi, dáng người nho nhã, ăn nói lễ phép, thì không nỡ từ chối, nên tươi
cười:
- Bố mẹ đi vắng cả, chỉ
có thiếp ở nhà. Người xưa có nói "nam nữ thận trọng từ cái trao tay",
mời chàng trọ lại đây thật là bất tiện. Nhưng nay thấy chàng đi đường mệt nhọc
và ướt át, chẳng dám khăng khăng giữ lễ, vậy mời chàng cứ nghỉ lại
đây, có cần gì thiếp xin giúp đỡ.
Nói rồi đốt lửa cho khách sưởi, lại
thổi cơm mời ăn. Thầy cử thấy cô gái mặt mũi xinh đẹp, ăn nói khôn ngoan, tốt bụng,
lại có vẻ con nhà có học thì trong bụng lấy làm mến, bèn hỏi:
- Đa tạ cô chẳng nệ phiền hà, hết
lòng giúp đỡ, việc đó tôi không dám quên ơn. Tôi cũng không ngờ cô lại là kẻ
theo nghiệp sách đèn. Chẳng hay cô là con cái nhà ai, bố mẹ làm gì?
Cô gái nói thật tất cả, trừ cái bệnh
của mình. Thấy cô học giỏi, thầy cử bèn cùng cô xướng họa. Hai bên đối đáp với
nhau đến khuya. Dần dần, từ chỗ yêu mến, thầy cử đâm ra bạo dạn, lại
thấy chủ nhân một thân một mình, thầy bèn ngỏ lời đính ước kết hôn. Thương thân
tủi phận, cô gái rơi nước mắt, nói:
- Phận thiếp xấu số không đáng
là kẻ nâng khăn sửa túi cho chàng. Xin chàng hãy để tâm vào việc thi cử trước mắt,
sau này có gì cũng chưa muộn.
Thấy nàng sụt sùi, thầy cử không biết
ẩn tình, bèn bước lại khuyên dỗ. Cuối cùng không ngăn được lửa tình anh nắm lấy
tay nàng đòi cầu thân. Cô gái tuy e lệ cũng không từ chối. Hai bên coi nhau như
vợ chồng.
Sáng dậy thầy cử vội ra đi cho kịp
ngày thi. Khi hai bên từ giã, anh hẹn:
- Một lời vàng đá thề quyết
trăm năm. Xin nàng hãy chịu khó chờ. Chuyến này dù đỗ hay hỏng, tôi cũng sẽ cậy
người đưa "lục lễ" đến rước nàng làm vợ.
Sau khi thầy cử ra đi, cô gái nghĩ đến
số phận hẩm hiu thì vô cùng đau khổ. Cô tự nghĩ: - "Ta may mắn được chàng
thương tới, nhưng chàng đâu có biết ta bệnh hoạn khốn khổ thế này. Nếu chàng mà
biết thì ta còn mặt mũi nào nữa, chẳng thà chết quách còn hơn". Suốt ngày
hôm ấy, nàng vừa tưởng nhớ vừa tuyệt vọng. Trong một cơn phẫn chí đến cực độ,
cô gái bỗng dưng ngất đi, hồn lìa khỏi xác lúc nào không biết.
Sau đó mấy ngày, vợ chồng phú ông mới
hay tin; cả nhà đổ tới chỉ còn biết than khóc và an táng người bạc mệnh ở ngay
trong ngôi nhà của nàng.
Lại nói chuyện thầy cử sau khi giã từ,
đi luôn mấy ngày mới đến kinh kỳ. Hình ảnh cô gái tài hoa gặp nhau trong một
đêm đầy tình nghĩa ái ân choán hết tâm trí chàng trẻ tuổi. Vào trường thi, bài
của anh làm rất trôi chảy. Nhưng khi vào kỳ cuối, bài "văn sách" đầu
đề ra có phần hiểm hóc làm anh ngậm bút mãi. Cuối cùng cũng viết thành bài,
nhưng sau khi ra trường bước về quán trọ, anh mới nhớ là mình đã viết nhầm
mấy chỗ. Anh lắc đầu tặc lưỡi: - "Chết thật! Thế này thì còn đỗ với đạt thế
nào được nữa".
Lúc ông chủ khảo chấm đến bài của
anh thì thấy không thể đỗ được. Sắp hạ bút xuống phê chữ "liệt"
(kém), chủ khảo bỗng thấy tay mình như bị ai giữ cứng. Ông đành phải bỏ bút xuống
bàn. Bỗng ông cảm thấy buồn ngủ ríu mắt. Chợp đi một lúc, ông mơ màng
thấy có một cô gái rất xinh tiến đến trước mặt chắp tay vái lia lịa, và nói: -
"Đây là quyển thi của chồng tôi, xin ngài làm ơn rộng bút cho". Tỉnh
dậy, chủ khảo lấy làm lạ, bèn đọc lại bài văn một lần nữa thì cũng lại thấy
không thể lấy đỗ được. Toan cầm bút phê thì quản bút tự nhiên rơi xuống đất,
ông chưa kịp nhặt lên bỗng lại chợp đi, bóng cô gái lúc nãy lại hiện ra trước mặt,
một hai xin hãy vớt cho quyển văn ấy. Ông bèn hỏi: - "Nàng ở đâu ta?"
Đáp: - "Tôi là con gái họ Nguyễn, quán xã Bình-quân, huyện Cẩm-giàng...".
Thế rồi bóng cô gái lại biến đi. Chủ khảo giật mình tỉnh dậy. Ông hết sức ngạc
nhiên, miệng lẩm bẩm: - "Quái lạ, nhà thí sinh này hẳn có âm công gì đây,
nên âm hồn theo từ xa đến để báo, ta cũng không nỡ thẳng tay". Nghĩ vậy,
cuối cùng cũng lấy vớt cho đỗ.
Hôm thầy cử - bây giờ đã là quan tân
khoa - cùng các bạn đến chào chủ khảo, thì ông này lưu một mình tân khoa họ Trần
lại, đoạn hỏi anh: - "Anh đã có vợ chưa?". Anh đáp: - "Thưa
chưa". - "Thế nhà anh có làm "âm công" gì không?". Anh
lắc đầu: - "Tôi không nghe ai nói gì, chắc là chẳng có". Chủ khảo bèn
kể cho nghe về một cô gái hai lần báo mộng trong khi chấm bài, sau này ráp
"phách" mới biết đó là bài của anh, rồi nói: - "Anh đáng lý
không được đỗ vì bài "văn sách" làm kém, được đỗ cũng nhờ cô gái ấy".
Nghe đoạn, anh ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu, nhưng cũng không hiểu ra thế nào cả,
đành nói ít câu cảm ơn rồi cáo từ ra về. Lần vinh quy ấy, quan tân khoa họ Trần
nhắm người nhà phải sắm thêm cái võng thứ hai. Anh dự định khi đoàn về ngang
ngôi nhà của người yêu thì đón nàng về, luôn thể "vinh quy cùng với vu quy
một ngày". Không ngờ khi xô cổng bước vào, đã thấy một ngôi mả mới
nằm lù lù ở giữa nhà. Anh giật mình tưởng như có gáo nước lã giội vào lưng,
nghĩ rằng lần trước mình gặp phải ma. Lập tức anh cho người nhà đi dò hỏi. Người
nhà trở về báo cho anh biết đó là mả một cô gái con nhà phú ông nọ
chưa chồng, nhưng bị hủi phải ở riêng tại đây, chỉ mới mất trong vòng nửa tháng
nay. Bấm đốt ngón tay anh mới biết người yêu mất sau khi mình đi một
ngày. Sực nhớ tới câu chuyện kể của chủ khảo, anh hết sức thương cảm, miệng lẩm
bẩm: - "Như thế là hồn nàng đã theo ta đễn kinh kỳ để giúp ta khỏi bị đánh hỏng".
Sau khi công việc vinh quy đã xong,
anh tìm đến nhà phú ông kể hết mọi việc cho nghe, rồi nói:
- Mặc dù nàng đã chết, cũng xin ông
cho tôi được làm rể. Vì một ngày cũng là nghĩa.
Phú ông không ngờ lại có chuyện lạ
lùng như thế, chối từ không dám nhận. Nhưng vì quan nghè mới nói mãi,
nói mãi, cuối cùng ông đành vâng lời. Bấy giờ anh mới sắm sửa một lễ tế trọng
thể, đưa đến nhà nàng lấy danh nghĩa là chồng tế vợ. Lại thuê thợ xây bên cạnh
mả một cái tháp, trong lòng có mấy chữ: "Cô Nguyễn Thị... là vợ
của tiến sỹ họ Trần". Dân quanh vùng gọi tháp ấy là tháp Báo-ân.
Hết.
Xem thêm các truyện khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment