Một con hổ đi dạo
trong rừng, vô tình bị lọt vào bẫy. Con vật hung hăng giãy giụa, hết húc đầu đến
dùng răng gặm bẫy tìm cách chui ra, nhưng bẫy làm bằng những cây tre đực rất chắc
nên không thể làm gì được. Đương cơn nguy khốn, bỗng có một người học trò đi
qua. Thấy người học trò, hổ bèn lấy giọng ngọt ngào:
- Chào thầy tú,
làm sao thầy tú lại đi vào nơi nguy hiểm này. Chao ôi! Thầy không biết rằng bạn
bè tôi hiện đang ở khắp mọi ngả để rình mồi đấy ư? Thôi, chúng ta hãy giao ước
với nhau điều này nhé! Về phía thầy, thầy làm ơn mở nắp cho tôi ra. Về phía
tôi, tôi sẽ luôn luôn bảo hộ thầy, không để cho một con hổ nào động đến. Mặt
khác, tôi sẽ làm cho dân vùng quanh đây kính trọng thầy, tôn thờ thầy như một vị thần.
Người học trò đáp:
- Nhưng nếu ta
mở cho ngươi ra, ngươi sẽ ăn thịt ta mất! Nghe nói thế, hổ một hai xin thề và nói:
- Chao ôi! Thầy
tú! Thầy há lại không biết rằng tôi là kẻ xưa nay chưa hề nói dối! Tôi đã nói
không ăn thịt thầy thì lẽ nào vì một miếng ăn mà tôi làm sai lời. Tôi là chúa
sơn lâm có đâu lại phí mất tiếng tăm của tôi. Thầy hãy mở cho ra, suốt
đời tôi sẽ không quên ơn.
Người học trò nhẹ dạ
nọ cảm động về những lời khẩn cầu của chúa sơn lâm, và tin vào những câu thề thốt
nặng lời của nó, nên vui lòng rón tay làm phúc. Cần bẫy một khi kéo lên, hổ ta
nhanh nhẹn chui ngay ra, ngáp dài và gầm lên một tiếng làm cho người học trò giật
mình kinh hãi:
- Ôi! - người học
trò nói, ngươi hét to quá làm ta đinh tai nhức óc.
Nhưng nếu lúc nãy hổ
tỏ ra hèn hạ quỵ lụy bao nhiêu thì bây giờ lại lộ mặt hung hăng trắng trợn bấy
nhiêu. Nó đổi giọng:
- Tiếng của tao
làm mày khó chịu ư? Tao còn muốn ăn thịt mày nữa kia đấy!
- Ngươi vừa mới
giao ước thề bồi với ta chưa buông mồm, sao đã trở mặt nhanh như vậy?
Người học trò chưa kịp
dứt lời, hổ đã gầm lên:
- Tao cám ơn
lòng tốt của mày. Nhưng mày phải hiểu rằng cái bụng đói của tao thì không cần biết
phải trái gì hết. Tao nhịn đói đã mấy ngày nay và bây giờ thì cần có sức để trở
về hang cái đã. Vậy mày hãy nộp mạng cho tao đi!
Trong khi con vật phản
phúc đang tìm cách nuốt trôi lời hứa thì một vị thần Núi biết được câu chuyện.
Thương hại người học trò bị mắc lừa, thần Núi bèn hiện ra trước mặt hai bên với
trạng mạo một ông quan tòa mặt mũi dữ tợn, mắt sáng long lanh, râu
tóc trắng xóa. Thần nạt lớn:
- Chúng mày làm
gì mà cãi nhau ồn ào ở đây? Ai phải ai trái? Hãy nói ngay cho ta rõ, ta sẽ phân
xử cho.
Người học trò vội kể
lại câu chuyện vừa qua. Nhưng hổ đã chỉ vào cái bẫy mà cãi biến:
- Làm gì có
chuyện đó. Tôi đang ngủ yên lành trong kia thì bị tên này ở đâu đến quấy nhiễu.
Không những nó không cho tôi nghỉ ngơi mà còn tìm cách hại tôi. Vì thế, tôi phải
ăn thịt nó để trả thù.
Thần phán bảo:
- Đúng! Ngươi
có quyền trả thù kẻ nào dám xâm phạm chỗ ở của ngươi. Nhưng ta lại không tin rằng
đó là chỗ ở của ngươi. Vì thân hình ngươi to lớn dường vậy làm sao có thể nằm
trong một chỗ chật hẹp như kia được chứ? Bây giờ thì hai bên sẽ trở lại đúng
nguyên vị trí cũ, ta sẽ xem xét và phân xử sau.
Hổ tin rằng mình thắng
nên hí hửng chui vào bẫy. Lập tức vị thần hạ cần bẫy xuống và mắng hổ:
- Đồ khốn kiếp! Mày đã bội ước và lấy oán trả ơn đối với người đã cứu mày. Giờ
thì mày đừng có mong ai cứu cho nữa.
Và quay lại phía người
học trò, vị thần nói:
- Và đấy là một
bài học rất quý cho ngươi! Cần phải tốt và nhân hậu đối với mọi người, nhưng
trước hết phải nhớ rằng chớ có bao giờ tốt và nhân hậu đối với kẻ độc ác cả!
Hết.
KHẢO DỊ
Một truyện khác của
ta Không nên lấy oán trả ân cũng là một dị bản của truyện trên:
Một con báo bắt hai
con khỉ cáng đi chơi. Thoáng thấy bóng một con lang, khỉ quẳng cáng trèo lên
cây trốn. Báo cũng ba chân bốn cẳng chạy trốn, nhưng bị lang đuổi theo. Dọc đường
gặp một ông già, báo lạy lục xin cứu mạng. Sẵn có cái túi vải, ông già bảo báo
chui vào nằm im và thắt túi lại. Con lang tới hỏi thì ông già đáp rằng không thấy. Lang đi rồi, ông mở túi cho báo ra, nhưng báo trở mặt
đòi ăn thịt. Ông già bảo: - "Đồ bội bạc, mày nhất định lấy oán
trả ân ư?" - "Chính vì mày làm tao suýt chết ngạt nên tao
phải ăn thịt mày". Ông già đòi báo cho mình đi tìm một người phân xử, nếu
đáng chết cũng đành chịu. Báo ưng thuận. Hai bên tìm đến một cây cổ thụ, ông
già kể hết mọi sự cho cây nghe và nhờ phân xử. Cây nói: - "Con người là bạc
ác bất công. Loài chúng tao giúp cho nó nhiều công việc như làm nhà cửa, đồ
dùng, thế mà nó luôn luôn cưa chặt chúng ta rất thê thảm. Chính nó là
loài bạc ác, ăn thịt là đúng". Ông già bảo báo:
- "Nếu
không cưa chặt thì làm sao có thể làm đồ dùng. Nó nói không nghe được. Xin để
tìm một trọng tài khác". Báo ưng thuận. Gặp một con trâu già.
Trâu phán:
- "Chúng
tao lọm khọm giúp việc cho người suốt đời cho đến chết. Thế mà khi chết
nó còn lột da xẻo thịt, thật vô ơn biết bao nhiêu. Ăn thịt nó là phải".
Ông già lại bảo báo: - "Nó ngu lắm, nếu đã chết rồi thì dù có lột da xẻo
thịt phỏng có can gì. Người ta có nói "sự bất quá tam", xin để tìm một
trọng tài thứ ba". Báo lại ưng thuận. Gặp một chàng trai. Sau khi nghe cụ
già kể, chàng trai hỏi: - "Sao một cái túi bé như thế này mà báo
lại có thể chui vào nổi! Hãy làm lại tao xem thì tao mới phân xử được".
Khi báo chui vào, chàng trai thắt miệng túi lại, dùng gậy đánh chết báo và nói: - "Ông cụ cứu mày mà mày lấy oán trả ân, chết là đáng
lắm".
Đồng bào miền Nam có
truyện Sự tích chuông, trống và mõ cũng cùng một chủ đề và hình tượng,
chỉ khác ở đây mãng xà thay cho báo:
Một nho sĩ đi chơi cứu
một con lươn lạ khỏi tay bọn chăn trâu. Thấy lươn xin tha, nho sĩ đem thả sông.
Sau đó ít lâu, anh hỏng thi, trở về làng; dọc đường phải qua một con đò ngang.
Người ta cản không cho anh đi, nói rằng gần đây xuất hiện một con mãng xà khổng
lồ hay làm đắm thuyền để ăn thịt người. Anh đoán đó là con lươn lạ mà mình thả
dạo nọ. Nhưng anh lại tin rằng nó sẽ nể mình là người cứu nó, bèn tình nguyện một
mình đi qua sông. Thuyền chèo ra giữa sông, mãng xà nổi lên đòi ăn thịt. Anh kể
lại công ơn mình cứu nó ngày nào, nhưng mãng xà nhất định không tha. Chàng nho
sĩ đòi tìm trọng tài. Mãng xà cũng ưng thuận. Lần đầu gặp trâu, trâu bảo ăn thịt
là phải. Lần thứ hai gặp cá gáy cũng thế. Sau cùng gặp một cụ già, kỳ thực đó
là đức Phật Thế tôn hiện hình. Phật cho gọi cả những con vật làm trọng tài vừa
rồi lại, mắng sự vô ơn bạc nghĩa của mãng xà rồi biến mãng xà thành cái chuông, con trâu thành cái trống, cá gáy thành
cái mõ.
Truyện của Lào:
Một con hổ vô tình nằm
trên một lỗ rắn độc bị rắn cắn chết. Một thầy tu đi qua, lấy thuốc chữa cho hổ
sống lại. Nhưng sau khi sống lại, hổ đòi ăn thịt thầy tu với lý do là nó có quyền
vồ chết bất cứ ai xâm phạm chỗ ở của mình, dù làm điều thiện cũng vậy. Bò, chó
sói, khỉ, quạ, thần cây được hai bên lần lượt nhờ làm trọng tài đều hoặc vì sợ
hổ, hoặc vì ích kỷ, hoặc vốn bất bình với người, cho lẽ phải thuộc về hổ. Chỉ
có con thỏ là kẻ được nhờ làm trọng tài cuối cùng đã tìm cách cứu thầy tu và trị
thói vô ơn của hổ. Thỏ giả cách không xử nếu cả nguyên và bị không trở lại vị
trí cũ để cho mình kiểm tra. Đến nơi, hổ nằm lại vị trí cũ bị rắn cắn chết lần
thứ hai. Thỏ bảo:
- Hỡi tu sĩ, anh há
lại không biết rằng bản chất của hổ là vô ơn và hung tàn.
Anh hãy dành những
hành động tốt đối với những người tốt.
Truyện của
Căm-pu-chia:
Một người đánh cá gặp
một con cá sấu trong một cái ao cạn. Sấu nhờ chở hộ mình về chỗ có nước.
Người ấy nói: - "Xe của ta chật chội mà xác mày thì to, không chở
được!". Sấu xin buộc vào dưới xe là đủ. Được chở về một cái hồ đầy nước,
khi được thả, sấu bảo người ấy: - "Hãy lại đây cho ta ăn thịt". -
"Sao mày vô ơn bạc nghĩa nhanh thế?". - "Vì mày buộc tao quá chặt
làm tao suýt chết ngạt". Người kia đành xin trở về từ giã vợ con rồi sẽ tới
nộp mình. Đi đường gặp một con thỏ. Thấy hắn khóc lóc, thỏ hỏi duyên cớ, rồi bảo
hắn trở lại, sẽ tìm cách cứu. Đến nơi, thỏ làm trọng tài hỏi sấu: - "Vì
sao mày lại đòi ăn thịt nó?" Sấu đáp cũng như trước. Thỏ hỏi: -
"Buộc như thế nào mà chặt, hai bên hãy làm lại ta xem. Có phải buộc như thế
này không?" Sấu đáp: - "Nếu buộc như thế thì ta đã không nổi giận".
Thỏ ra hiệu cho người kia riết chặt. Sấu nói: - "Đúng, nó buộc như thế đấy!". Thỏ bảo người kia: - "Còn đợi gì mà không cho kẻ vô ơn một
bài học!". Người kia bèn dùng gậy quật chết sấu.
Hết
Xem thêm các truyện
khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment