Vào thời nhà Lê, có
một người nhờ sức khỏe và võ nghệ cao cường nên lập công to với triều đình, được
vua cho làm quan đại thần, lại được phong tước quận công. Quận công còn được
vua ban cho một làng ở Hải-dương là làng Phú- thị để hưởng lộc và bắt dân phục
dịch. Có quyền thế nghiêng trời, lại được vua tin chúa cậy, nên từ ngày về trí
sĩ, quận công rất hống hách với dân trong vùng. Ai đi qua trước cửa phải cất
nón cúi đầu hoặc xuống ngựa. Ai hơi trái ý là đòi đến nọc cổ đánh ngay, bất kể
người đó là quan hay dân. Cho nên cả một trấn chẳng ai dám ho he. Đối với dân
làng Phú-thị, quận công tuyên bố ngài sẽ rộng lượng tha cho tất cả sưu thuế,
phu phen, nhưng mọi chi phí trong gia đình ngài thì làng phải đài thọ; mọi việc
trong nhà ngài, làng phải chu toàn. Khi ngài muốn bất cứ điều gì, làng phải làm
ngay không được chậm trễ.
Không bao lâu quận
công chết đi, để lại tám cậu con trai. Tuy không làm quan như bố,
nhưng các cậu lại được "tập ấm", ngôi nhất nhị phẩm. Cho nên, trừ một
cậu Tám mới mười hai, mười ba tuổi, còn thì cả bọn đều hống hách lại có phần
hơn cả bố chúng. Chúng ra lệ bắt dân làng phải chia phiên nhau nuôi nấng và hầu
hạ. Hàng ngày chúng không ăn cơm nhà, bắt các gia đình phải cắt lượt làm cỗ cho
mình ăn, hết nhà này sang nhà khác; hễ cần ăn ở đâu thì bọn sai nhân đến cắm
đòn xóc trước cửa báo cho biết trước một ngày. Mỗi lần đến kỳ tế thần, làng phải
dọn hai cỗ thịnh soạn, phải đặt giường lèo trên thượng điện bên cạnh ngai thờ
cho chúng ngồi ăn, trong khi đó phải có ả đào múa hát đàn địch, chuốc chén
"quỳnh tương", và ở ngoài sân dân làng phải áo mão chỉnh tề,
chiêng trống rộn rịp, làm lễ tế đủ ba chầu như lễ tế thần, chúng gọi đó là
"lễ tế sống".
Dựa theo lệnh cũ của
bố chúng để lại, chúng muốn gì là mọi người phải làm, không được chậm trễ. Cho
nên cũng có lúc một cậu nào đó trong bọn chúng thấy con gái nhà ai vừa mắt, thì
cho sai nhân đến báo trước cho nhà ấy phải đi vắng cả nhà để nó đến với một
mình cô gái, muốn làm gì mặc ý. Hễ ai trái lệnh thì bầy côn quang võ sĩ của
chúng sẽ kéo tới phá phách không tiếc tay và đánh đập vô tội vạ.
Về phía dân làng thì
sự căm thù chất chứa đã lâu, nhưng chẳng ai dám động đến lông chân của chúng,
vì sợ đùi gậy của bọn côn quang thì ít, mà sợ lệnh vua thì nhiều. Tuy vậy, mối
thù ngày một chất cao như núi. Họ bảo nhau: - "Một bọn trẻ ranh tám đứa bắt
dân ta phải nuôi ăn, nuôi mặc, rồi lại nuôi dâm. Thế mà hàng năm lại phải lạy sống.
Chẳng có cái nhục nào bằng cái nhục này. Không giết chết chết chúng đi thì dân
ta không thể sống được!".
Vào dịp Tết năm
Thân, người ta rộn rịp chuẩn bị làm lễ tế thần vào hôm mùng sáu tháng giêng.
Nhưng lần này dân làng có cuộc họp kín, bàn nhau trừ khử "tám thằng
ác nghiệt". Theo lệ, sau khi tế xong, bọn ả đào lui ra ngoài, trên thượng
điện đóng cửa lại cho chúng ăn uống ở trong, chỉ để lại một vài người phục dịch.
Bọn võ sĩ ở hạ điện cũng xúm lại các mâm cỗ, ngồi chén chú chén anh với nhau.
Sau khi bọn chúng ăn xong ra về, mới đến lượt dân làng vào tiệc. Cho nên theo lời
bàn kín thì phải cố tìm cách hạ thủ cả tám đứa một cách thật êm thấm trong khi
chúng đang ăn ở trên thượng điện. Muốn khỏi xô xát sinh to chuyện, thì ở phía
ngoài phải chuốc rượu cho bọn côn quang say mềm để chúng không thể ứng cứu cho
chủ chúng được.
Mọi việc đều diễn ra
như dự định. Dân làng đã chọn hai tay lực sĩ thay vào chân những người phục dịch.
Sau khi bọn côn quang ở ngoài gục xuống vì mấy chén rượu có tẩm thuốc, thì ở
trong thượng điện, các lực sĩ bắt đầu ra tay. Vì chúng có lệ khám xét kỹ càng
những người dân vào hầu cơm nước, không ai được mang một tấc sắt trong
tay, nên các lực sĩ sau khi đã vật ngã mấy "cậu" xuống đất, chỉ dùng
mỗi người một chiếc đũa cả, lần lượt đâm chết chúng. Sắp đâm đến cậu Bảy thì đứa
em nó là cậu Tám lồm cồm bò dậy, mở cửa thượng điện chạy ra ngoài kêu
cứu. Một lực sĩ chạy đuổi theo nhanh như cắt, nắm lấy cổ nó như nắm một con
nhái và sắp quật xuống đất. Bấy giờ có một bô lão cao tuổi của làng đang ngồi ở
chiếu trên thấy vậy, động lòng trắc ẩn, bèn bước tới ngăn lại:
- Khoan, khoan. Chú
hãy khoan, nghe ta nói. Chúng ta chỉ trừng trị những thằng đại ác, còn thằng
này nó còn bé bỏng chưa làm gì nên tội. Hỡi dân làng, nghe lời ta tha cho nó.
Thần minh sẽ chứng giám tấm lòng độ lượng của chúng ta.
Một cuộc họp chớp
nhoáng để lấy ý kiến. Hầu như tất cả mọi người dân đều nghiêng về phía cụ già.
Cậu Tám được tạm tha, sẽ xử trí sau. Trong khi đó cả làng kéo vào cướp phá tan
tành dinh cơ của "tám thằng ác nghiệt".
Lại nói chuyện cậu
Tám được thoát chết, nhân lúc dân làng còn bận tíu tít về việc chia nhau những
của cải chiếm được, liền cất lẻn ra đi, bên mình có một bõ già. Hai người cứ
ngày đi đêm nghỉ, suốt năm năm ngày lên đến xứ Mường là quê hương của bõ. Số là
ngày xưa, quận công sau khi đã bình được "giặc" sông Đà, có tha tội chết
cho người đàn ông này, đưa về làng nuôi và dần dần coi như một người thầy tớ
tin cẩn. Đến bây giờ người bõ già này tự thấy là lúc phải cố sức cứu lấy giọt
máu của ân nhân để báo đền. Cho nên thằng bé được gia đình bõ già chăm sóc chu
đáo, và giữ rất kín tiếng vì sợ dân làng Phú-thị cho người đến tìm mà giết
chăng. Lớn lên cậu Tám còn học nói tiếng Mường và lại học được nghề thuốc Mường
do một "thầy mo" có những môn thuốc bí truyền và các phép
chữa bệnh thần diệu ở vùng ấy truyền cho. Không đầy mười năm nó học được mọi
phép chữa bệnh. Dần dần nó chữa cho rất nhiều người trong vùng và nổi tiếng mát
tay. Có những thứ bệnh kinh niên qua bao nhiêu thầy, tốn bao nhiêu thuốc, phải
đến tay nó mới lành. Có những con bệnh "thập tử nhất sinh" nhờ nó mới
được cứu sống. Từ đó, tiếng đồn về thầy lang Mường trẻ tuổi truyền đi khắp nơi.
Buổi ấy trong cung
có bà hoàng thái hậu mắc chứng ho, uống thuốc đã nhiều mà không khỏi. Sâm nhung
quế phụ bồi bổ như cơm bữa, nhưng bà vẫn ho rạc cả người. Nhà vua là người con
có hiếu, rất thương cảm, từng cho người tìm thầy giỏi thuốc hay, hy vọng kéo
dài tuổi thọ cho mẹ, nhưng bao nhiêu danh sư mọi miền được triệu về đều lắc đầu
bó tay. Sau cùng, các quan phụ đạo xứ Mường báo về cho biết xứ ấy có một thầy
lang trẻ tuổi nổi tiếng chữa bệnh như thần. Lập tức vua sai sứ giả triệu về, hứa
sẽ ban thưởng rất hậu nếu thuốc công hiệu. Quả nhiên chỉ một vài thứ lá của cậu
Tám, bệnh của hoàng thái hậu tự nhiên khỏi hẳn. Nhà vua hết lời khen ngợi thầy
lang Mường, và quyết định ban ơn cho thầy, hễ muốn gì sẽ cho được nấy. Bấy giờ,
cậu Tám ta mới kể lại một lượt cho vua nghe, nào là bố mình đã có công lao với
triều đình như thế nào, nào là dân làng Phú-thị đã giết chết bảy người anh của
mình ra sao, rồi được bõ già đưa lên xứ Mường nương náu, và học được nghề thuốc
như thế nào... Rồi nó xin:
- Tâu bệ hạ,
"sát nhân giả từ", chỉ xin bệ hạ cho phép kẻ hạ thần được quyền trừng
trị cả làng ấy theo ý mình.
Vua đang mang ơn nặng
nên y cho, bèn viết ngay chiếu chỉ, lại cho năm trăm quân sĩ đi theo để thi
hành mệnh lệnh.
Vào một buổi sáng
tinh sương, dân làng Phú-thị đang ngon giấc, bỗng nghe tiếng loa gọi râm ran khắp
nơi. Ai nấy giật mình lồm cồm trở dậy thì đã thấy quân sĩ đông như kiến cỏ đang
vây bọc từng nhà. Chúng trói mọi người giật cánh khỉ không sót một ai, rồi lôi
cả đoàn ra sân đình. Khi tất cả nam phụ lão ấu đều đã tề tựu, một viên quan bước
ra nâng chiếu chỉ lên đầu rồi giở ra đọc. Trong chiếu chỉ, nhà vua ra lệnh trừng
trị dân làng Phú-thị về tội giết các cậu ấm con vị quận công đã quá cố. Vậy đàn
ông đều chém ngang lưng, đàn bà một số xử giảo, một số sung làm tỳ nhà quan,
còn làng thì triệt hạ.
Đọc xong, viên quan
lui ra, rồi một người khác đứng lên, dân làng xanh cả mắt khi nhận ra đó là cậu
Tám, người mà họ tha cho tội chết ngày xưa, giờ đây đã trở về với quyền hành
ghê gớm trong tay. Nó dõng dạc tuyên bố:
- Hỡi dân làng
Phú-thị, hãy giương mắt lên mà nhìn đây! Ngày xưa chúng mày giết chết
bảy người anh ruột thịt của tao, chủ của chúng mày. Nô tỳ giết chủ, tội như thế
nào, chúng mày cũng đã biết. Bây giờ tao chỉ đòi một mạng của anh tao phải đổi
trăm mạng của chúng mày, còn thừa tao sẽ tha cho làm phúc. Lính đâu, hãy giải
chúng nó lên trên cồn cao cho ta và cứ lệnh thi hành.
Tiếng năm trăm quân
sĩ vây bọc xung quanh dạ ran như sấm. Dân làng bị lôi đi. Tiếng kêu khóc như ri
xen lẫn tiếng loa vang vang, tiếng giáo mác va vào nhau lách cách. Nhưng
khi sắp sửa khai đao, bỗng xuất hiện một viên quan cưỡi ngựa với mấy chục lính
hầu tiến vào, đòi gặp cậu Tám và sứ giả, để hỏi lại cho biết, vì sao có vụ xử tử
hàng loạt như vậy. Đó là Hoằng Tín hầu, phụng mệnh vua đi tuần tra dân tỉnh Hải-dương
vừa qua đây. Khi nghe kể rõ tình đầu, Hoằng Tín hầu thấy việc không đáng xử trí
nhẫn tâm đến thế bèn lên tiếng:
- Bản chức khâm
mạng triều đình đi tuần tra trấn này. Ta thấy trong việc này có sự lạm sát. Vậy
các ngươi phải tạm đình chỉ để ta dâng biểu về triều, đợi lệnh nhà vua lần nữa,
rồi sẽ thi hành cũng chưa muộn.
Cậu Tám không nghe,
đưa chiếu chỉ ra cho Hoằng Tín hầu và nói:
- Chiếu chỉ của
nhà vua đã cho phép trảm quyết, hầu không được can thiệp, chống lệnh của nhà
vua sẽ mắc tội "khi quân".
Hoằng Tín hầu đáp:
- Nhà vua ở nơi
lầu son gác tía, chỉ mới nghe lời xiểm nịnh của ngươi mà chưa nghe được
lời nói của dân làng. Ta đây vâng mạng khảo sát dân tình, thấy việc bất công, cần
phải thẩm vấn kỹ càng, làm sớ tâu lên đợi lệnh. Kẻ nào dám trái lệnh thì hãy
nhìn cây bảo kiếm của nhà vua đây!
Đoạn Hoằng Tín hầu
rút kiếm giơ cao gọi:
- Bớ ba quân!
Tiếng ba quân dạ
ran. Hoằng Tín hầu tiếp:
- Hãy cởi trói
cho mọi người, đợi ta thẩm vấn cho rõ ngọn ngành. Kẻ nào dám trái lệnh, ta sẽ
"tiền trảm hậu tấu".
Dân làng được cởi trói
ai nấy reo hò mừng vui như được sống lại. Cậu Tám và bọn sứ giả mặt tái như gà
cắt tiết lủi thủi kéo đi. Sau cuộc thẩm vấn, Hoằng Tín hầu dâng sớ về triều, cuối
cùng nhà vua quyết định hủy bỏ bản án giết dân cũng như triệt hạ làng Phú-thị.
Từ đó dân làng
Phú-thị mang ơn nặng Hoằng Tín hầu. Cho mãi về sau này, cứ đến ngày Tết, dòng
dõi của họ vẫn không quên cử người đến nhà thờ ông ở làng Tự-nhiên
(Hà-đông) để thắp hương kỷ niệm. Người ta gọi ông là "ông già Hoằng"
và gọi việc đến nhà thờ kỷ niệm là "Tết đền ơn".
Hết.
KHẢO DỊ
Đồng bào Mường có một
truyện có phần giống với truyện trên, chỉ khác ở kết thúc:
Một ông lang mường
Chếnh (Lang Chánh) Thanh-hóa một hôm ra lệnh bắt dân ai có con gái
trước khi về nhà chồng phải đến ở với lang ba đêm. Người nào cưới vợ, trước khi
rước dâu cũng phải đưa vợ đến ở với lang ba đêm. Căm thù chất chứa, dân bèn nổi
lên giết sạch cả nhà lang đạo "cho hết nòi dâm ác". Một người vợ lẽ của
lang vốn người mường Tró (Hòa-bình) là người ăn ở với dân tương đối tốt. Bà này
đang có thai, dân định giết cho mất nòi, may có một người đầy tớ
trung thành đưa đi trốn về quê ngoại. Sau bà ấy đẻ được một con trai, nhưng vẫn
giấu kín vì sợ dân mường Chếnh tìm đến báo thù.
Về sau dân mường Chếnh
không ai nghe ai, sinh ra đánh nhau loạn xạ. Sau đó họ cử người đi tìm người vợ
lang ở mường Tró may ra nếu đẻ con trai thì đón về làm lang. Tới nơi, người ấy
hỏi thăm không ra. Thấy có bốn đứa trẻ chơi cù: ba đứa thua mãi một đứa. Ba đứa
kia nổi giận, mắng: - "Mày là con không cha đến ở bên ngoại làm phách,
chúng tao đánh chết vô tội vạ". Biết đó là kẻ mà mình đang tìm, người ấy
bèn bế đứa bé đến tìm người mẹ và ông ngoại nó để đưa về làm lang.
Xem thêm các truyện
khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment