Ngày xưa có một ông vua một nước
láng giềng tên là Đế Bính. Vua lên ngôi giữa lúc nước nhà có giặc ngoài đột nhập
bờ cõi. Quân giặc rất đông và rất mạnh. Quân đội nhà vua chống chọi không nổi
đành chịu thất bại. Vì thế chúng tiến rất nhanh, đi đến đâu cũng như vào chỗ
không người. Chẳng bao lâu chúng đã chiếm lấy kinh thành và ruổi về phương Nam.
Vua tôi Đế Bính chỉ còn biết đem nhau chạy dài. Trong cơn nguy cập, một người
trung thần đưa vua và hoàng hậu lên thuyền kéo buồm chạy trốn ra biển khơi. Không
ngờ đoàn thuyền đi được ba ngày thì một trận bão nổi lên đánh đắm tất cả. Những
người trên thuyền đều không tránh khỏi tai nạn, trong đó có Đế Bính. Chỉ còn
hoàng hậu và hai người con gái bấu vào được một mảnh ván đành để mặc cho nước
trôi sóng giạt.
Hồi ấy ở cùng cửa Cờn xứ Nghệ có một
ngôi chùa cổ dựng trên một hòn đảo. Trong chùa có một sư ông trụ trì. Là người
quyết chí tu hành, nên sư ta tìm đến hòn đảo hẻo lánh này để rũ sạch
bụi trần, bạn cùng kinh kệ. Hôm ấy trời về chiều, sư đang đi tản bộ quanh chùa,
miệng lẩm nhẩm đọc kinh, tay lần tràng hạt. Thốt nhiên khi nhìn ra ngoài khơi,
sư trông thấy thấp thoáng có một vật gì bập bềnh trên mặt sóng. Sư cố nhìn mãi
để đoán xem nó là cái gì.
- Có thể là người đi biển bị nạn.
Sau trận bão vừa qua có biết bao nhiêu là ván và đồ đạc trôi vào bờ. Ta phải
chèo thuyền ra xem, may ra có cứu được một mạng người nào thì thật là
"phúc đẳng hà sa".
Nghĩ vậy, sư vội vàng xuống bãi, cởi
dây buộc thuyền rồi chèo ra khơi. Chỉ một chốc sau, sư đã đến gần vật lạ. Thì
ra đó là ba người đàn bà đang bám vào một mảnh ván. Lập tức, sư đỡ từng người một
lên thuyền của mình. Nhìn cách ăn mặc, sư đoán họ là những người thuộc dòng quyền quý.
Khi thuyền chèo về đến đảo, một mình
sư lần lượt vực từng người lên chùa rồi đốt lửa cho họ sưởi, lại nấu cháo cạy
miệng đổ vào. Sự chữa chạy tận tình của nhà sư không uổng. Khoảng độ canh năm,
cả ba người đàn bà dần dần tỉnh lại. Sư chăm sóc vẫn không chút ngơi tay. Đến
sáng hôm sau, cả ba người đều đã ngồi dậy được. Họ cho biết mình là
ba mẹ con, đi thuyền không may bị bão. Tuy giấu kín tung tích nhưng họ
không giấu được vẻ xinh xắn và lịch sự. Khi biết rõ ai là ân nhân của mình, ba người đàn bà cúi rạp xuống lạy tỏ ý cảm ơn. Nhà sư vui
vẻ nhường cho họ chỗ nằm trong tăng phòng, rồi lui ra ngoài nghỉ cho lại sức.
Ba ngày sau, sư vẫn hết lòng chăm
sóc ba người bị nạn. Họ đã dần dần đi lại được và ăn trả bữa. Có bao nhiêu lộc
chùa, sư đều lấy ra khoản đãi. Sư còn chèo thuyền vào đất liền để tìm những thức
ăn mà nhà chùa không có.
Mười lăm ngày trôi qua. Giờ đây sức
khỏe của họ đã trở lại bình thường. Họ chỉ hàng ngày ngồi than khóc. Nhưng về
phía nhà sư thì trong lòng không được bình thản như trước. Chưa bao giờ sư được
nhìn thấy những người đàn bà mày ngài mắt phượng xinh đẹp đến thế, lại đã từng
được gần gũi đụng chạm nên sư đâm ra thẫn thờ. Đã nhiều lần sư đọc kinh cầu
nguyện suốt buổi, cố tránh sự cám dỗ, nhưng công trình hơn ba mươi năm tu luyện
cũng không thể kìm giữ được lòng ham muốn. Vì vậy việc trả họ vào đất liền để
trao cho quan sở tại là việc dễ làm nhưng sư vẫn dùng dằng không quyết. Giữa một
ngôi chùa trơ trọi, xung quanh là trời với nước, bên cạnh lại có ba người đàn
bà yếu đuối và cô đơn, sư cho đó là một cơ hội hiếm có. Rồi một đêm kia, nhân
lúc hai cô gái ngủ say, sư bèn đến bên cạnh người thiếu phụ... Nhưng người đàn
bà đã nghiêm nét mặt lại:
- Ôi! Sao lạ thế? Anh là người
cứu sống mẹ con chúng tôi, mẹ con chúng tôi suốt đời không quên công ơn to lớn
đó. Nhưng còn việc đồi bại thì đừng có hòng! Tôi là gái có chồng và cũng biết
nhân luân đạo lý. Còn anh là một kẻ ăn chay niệm Phật, lẽ nào nói đến
chuyện sắc dục mà không thẹn miệng.
Nghe lời đầy lẽ phải, sư ta lủi thủi
đi ra. Nhưng đến khuya, sư lại mò vào, tay cầm một con dao nhọn:
- Nếu nàng không chịu, ta
sẽ giết chết cả ba mẹ con rồi vứt xác xuống biển.
Lời dọa của sư vẫn không làm cho người
thiếu phụ sợ hãi. Nàng đánh thức hai con gái dậy và nói to:
- Nếu anh cứ cố tình phạm vào
người mẹ con chúng tôi thì sẽ phải hối hận. Mẹ con chúng tôi thà chết
chứ không chịu nhục!
Thấy ba người đàn bà quyết tâm kháng cự và
toan đập đầu vào cột chùa, nhà sư đâm ra hối hận. Sư bèn ngăn họ lại rồi nói:
- Đừng làm thế! Đừng làm thế!
Chính ta mới là kẻ đáng chết. Chao ôi! Ta có ba tội đáng chết. Đi tu mà chẳng
trót đời: đó là một. Ép nài người đàn bà sa cơ lỡ vận: đó là hai. Ép nài không
được lại toan hành hung: đó là ba. Ôi! Ba tội như thế, ta đáng chết lắm!
Nói đoạn sư cầm ngược lưỡi dao đâm
thẳng lên cổ.
Thấy cái chết của ân nhân diễn ra
quá đột ngột, người đàn bà tỏ ra hết sức hối hận. Nàng gục xuống bên cái thây
ma mà than khóc:
- Ôi! Ta nhờ có anh mà sống. Thế
mà anh lại vì ta mà chết. Vậy ta còn mặt mũi nào mà sống lấy một mình nữa.
Trong một cơn xúc động đến cực điểm,
bà liền chạy ra khỏi chùa rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Thấy mẹ chết, hai cô
con gái than khóc rất thảm thiết rồi cũng nhảy xuống biển chết theo.
Mấy ngày sau, những người dân chài ở
cửa Cờn vớt được xác ba người đàn bà. Nhìn kiểu ăn mặc và nhờ những tin tức nhận
được, các quan chức cũng đoán ra đó là ba mẹ con bà hoàng hậu Đế
Bính. Cũng vào lúc ấy, những người dân địa phương còn tìm thấy xác sư ông tự tử
trong ngôi chùa trên đảo. Quan sở tại sau khi mở cuộc điều tra, dần dần cũng
vén được tấm màn bí mật bao phủ lấy câu chuyện éo le trong
ngôi chùa cổ. Về sau, để kỷ niệm những người đàn bà tiết liệt, dân chúng đã tạc
tượng ba mẹ con, lập đền thờ gọi là đền Cờn. Trong đền cũng có cả tượng
nhà sư để nhắc đến một kẻ vừa là ân nhân, vừa là nạn nhân của họ.
Hết.
KHẢO DỊ
Truyện này theo một vài bản Thần
tích khác thì có một số tình tiết không giống với truyện kể trên:
Ví dụ theo Đại Càn quốc gia
Nam-hải tứ vị ngọc phả lục thì có bốn người nhảy xuống biển: Hồng đại
nương (hoàng hậu), Hồng Mai, Hồng Hạnh (công chúa), Hồng thị (cung nữ), họ trôi
giạt vào xã Hương-cần (Nghệ-an). Sư bảo tiểu ra cứu sống. Sư cho ở phòng riêng
cấm mọi người không được vào; như thế đã được một năm rưỡi. Mẹ con thường nấu
cháo cho nhà chùa. Một hôm sư tụng niệm khuya thấy không bưng cháo lên, vào bếp
thấy mẹ con nằm ngủ, bèn bước nhẹ đến lấy cháo. Không ngờ từ đó Hồng đại nương
có mang. Sư hối hận bỏ đi mất. Mẹ thẹn nhảy xuống biển chết cùng các con và
cung nữ. Hoặc theo Tứ thánh miếu sự tích của xã Đại-trạch (Bắc-ninh)
thì sau khi ba mẹ con bíu vào được tấm ván trôi giạt vào cửa
Cờn được sư ở đấy cứu chữa nuôi dưỡng chu toàn. Ở chùa có một chú tiểu thấy
hoàng hậu đẹp bèn cưỡng dâm. Hoàng hậu xấu hổ nhảy xuống biển tự tử, hai con
cũng nhảy theo. Hòa thượng trụ trì ở chùa vì chú tiểu mà mang tiếng, cũng xấu hổ
nhảy xuống chết luôn.
Một truyện khác đậm màu sắc
huyền thoại kể về Sự tích đền Cờn như sau:
Đời Trần có một ông già làm nghề câu
cá ở cửa Cờn. Một hôm, vào ngày mồng sáu tháng sáu âm lịch, ông ra
bãi thấy có một cây gỗ lớn không biết là cây gì, bèn trèo lên, dùng cây gỗ ấy
làm thớt cắt mồi, bỗng thấy ở chỗ thớ gỗ bị dao chặt phải rỉ máu, có mùi thơm.
Ông về báo với làng. Dân làng ra xem. Bỗng thần ứng đồng lên nói: - "Ta là
hoàng hậu. Vì tránh giặc dữ mà chết, thành thần ở cõi này. Hãy lấy
cây gỗ này tạc hình bốn mẹ con ta mà thờ". Các bô lão làng nhận
lời. Cây liền từ dưới nước ngược dòng trôi thẳng đến khu dân ở. Khi dân làng
quyết định làm đền thờ thì tự nhiên trời mưa to, gỗ trên rừng trôi về rất nhiều.
Số gỗ trôi về đủ cho làng dùng vào việc dựng đền.
Xem thêm các truyện khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment