Ngày ấy vào
thời vua Lê chúa Trịnh có hai vợ chồng một người nho sinh họ Lê. Nhân ngày cuối
năm dắt nhau về thăm quê quán trong thành. Sau mấy năm đi làm ăn xa, họ có để
dành được một số bạc nhỏ đưa về định làm vốn sống ở quê nhà.
Qua bến đò Khuốt, họ đi
vào giữa làng Đa-giá thượng. Đến đây trời đã xế chiều lại lấm tấm mưa. Thấy
thế, người chồng quyết định nghỉ lại trong một cái quán bên đường.
Làng Đa-giá thượng bấy
giờ vẫn có một ổ gian phi lớn, chuyên cướp của giết người. Khách bộ hành đi qua
đây thường thường nghỉ lại vì chỉ ở đây mới có dân cư quán xá, lại có chỗ ăn
chỗ trọ tươm tất. Mà khi khách đã nghỉ lại thì kẻ nào coi chừng tay nải nằng
nặng, lại cô đơn, là đêm đến sẽ có người kéo lên núi xô xuống một cái hang sâu
và kín gần Kẽm-trống. Thế rồi những món đồ cướp sẽ tùy công lao mà chia nhau
giữa mọi huynh thứ trong làng. Chúng giữ việc đó rất kín. Có những tiếng lóng
thay cho tiếng nói thường. Từ bao lâu, hang núi thiên tạo đó như một cái giếng
sâu, là mồ chung của bao nhiêu mạng người vô tội. Thế nhưng, bề ngoài đối với
vua quan, đối với người các làng khác, chúng vẫn là những kẻ làm ăn lương
thiện.
Khi hai vợ chồng bước vào
quán, bà hàng chạy ra đỡ chiếc thúng khảo trên tay người đàn bà.
- Ông bà đến vừa đúng
dịp! Hôm nay lại đang sẵn rượu ngon và nhắm tốt.
Trời mùa đông, ăn xong
thì đã không trông rõ mặt người. Nhà hàng dọn sẵn giường chiếu để cho họ nghỉ.
Nhưng khi những cánh liếp vừa hạ xuống được một chốc thì ở ngoài đường có tiếng
hỏi vọng vào.
- Nhà hàng mai cho chúng
tôi mượn bò với nhé?
- Có!
- Bò béo bò gầy?
- Bò béo.
Bà chú quán thản nhiên
trả lời rồi dọn dẹp đi ngù. Hai vợ chồng yên tâm trèo lên giường, bỏ cái tay
nải ra gối đầu. Và rồi họ ngủ thiếp đi.
Đêm ấy vào khoảng canh
hai, trong quán đã có mấy tên lực lưỡng lẻn vào từ lúc nào. Người nho sinh họ Lê
vẫn còn mê man trong giấc mộng. Mấy chén rượu có pha thuốc mê làm anh chàng
chẳng còn biết gì trời đất. Nhưng người vợ thì vẫn tỉnh táo. Bọn cướp xông lại
ấn giẻ vào miệng người chồng và lôi đi xềnh xệch. Người vợ toan la lên thì tên
cướp thứ hai đã giơ lưỡi dao sáng loáng. Thấy hắn sắp động vào người, nàng quỳ
xuống lầm bẩm: - "Thiếp cắn rơm cắn cỏ lạy ông. Ông tha cho, thiếp xin nhớ
ơn trọn đời". Ngọn đuốc khoa vào mặt nàng. Nàng còn trẻ và rất xinh đẹp.
Tên cướp bỗng thấy động lòng. Hắn giục: - "Thế thì đi. Nhưng khôn hồn hãy
ngậm mồm lại. Hễ kêu lên thì cho chết!". Thế rồi, trong khi đi đường, tên
cướp nghĩ ra được một kế để được chung chăn gối với người đàn bà có cặp mắt rất
xinh kia. Hắn sẽ gửi nàng ở nhà một người thủ hạ tin cẩn, nhờ giấu kín cho, rồi
khi về chỉ đưa đôi hoa tai ra trình mọi người là ổn.
Từ đó tên cướp thường lui
tới chỗ ở của người vợ mới không cheo cưới của hắn. Thình thoảng hắn biếu nàng
một bộ xà tích hay mấy vuông lụa. Nàng không phải lo gì đến cái ăn cái mặc, đã
có người hầu hạ chu tất. Nhưng nhất thiết nàng không được bước ra khỏi buồng,
luôn luôn cửa đóng kín mít. Người đàn bà ấy đành nhắm mắt tuân theo như một kẻ
không hồn. Dần dần nàng hiểu rõ cách sinh nhai của lũ cường bạo.
Nhưng nàng vẫn cố nuốt
những giọt nước mắt, vui vẻ đón tiếp kẻ thù của mình để hắn thí cho chút sống
thừa. Tuy nhiên, chỉ được năm tháng là việc tên cướp giấu nàng ở đây bị bại lộ.
Ba ngày trước, xã trưởng rỉ tai bảo hắn: - "Nếu anh không hạ thủ ngay thì
đã có những người khác cho anh xuống hang cùng với con mụ ấy". Lệ làng đặt
ra ai nấy đều phải tuân theo răm rắp. Tất nhiên hắn không thể phá lệ làng. Đêm
ấy cơm xong, hắn đưa nàng lên núi. Hơn cả lần trước, lần này nàng van lạy hắn
rất thảm thiết. Nhưng bây giờ trái tim hắn không còn lay chuyển. Hắn bảo:
- Ta làm phúc cho nàng
xuống suối vàng với chồng cho có bạn!
Khi sắp đến miệng hang:
người bàn bà bỗng nhiên bỏ chạy. Nhưng hắn đã đuổi theo và bắt được ngay. Đúng
vào lúc hắn đẩy nàng xuống hang thì không ngờ nàng cũng níu chặt lấy áo hắn. Cả
hai người cùng lăn tòm vào vực sâu. May mắn làm sao nàng lại nhanh tay thả hắn
ra và bám được vào một nhánh cây mọc chìa ra ở lưng chừng. Thế rồi người đàn bà
ấy lần mò rất khó nhọc, cuối cùng lên được khỏi miệng hang. Và nàng cứ nhằm
hướng Bắc đi luôn một mạch.
Nói chuyện ngày hôm ấy xa
giá Chúa đi qua cửa Đại-hưng. Khi đội tiền vệ vừa qua cầu thì vợ của chàng nho
sinh họ Lê xấu số từ dưới gầm cầu chạy vụt lên quỳ ngay giữa đường cái. Đầu
nàng đội một lá đơn trắng. Bị quân lính xua đuổi, nàng không chịu lùi, chỉ sửa
lại vành khăn trắng, bảo họ: - "Lạy các bác, tiện thiếp oan ức tày trời
xin cho gặp chúa thượng". Thấy có tiếng ồn ào đằng trước, chúa sai dừng
kiệu, cho đòi khổ chủ đến hỏi chuyện. Nghe người đàn bà kể xong, chúa lập tức
rút bảo kiếm, sai viên thám tướng mang ngay 2000 quân mã đi gấp ngày đêm vào
Đa-giá thượng với lệnh "tiền trảm hậu tấu".
Thế rồi sau đó hai ngày,
có một thầy lang bán thuốc, vai đeo cái tay nải đỏ nặng trĩu đi qua đò Khuốt
rồi tiến vào làng. Chưa vào quán, khách đã trao tay nải cho bà hàng và giục
rượu inh ỏi. Chỉ một chốc khách đã say mềm, không còn nghe gì những tiếng trao
đổi "bò béo bò gầy" giữa chủ quán với người ngoài cổng. Chưa đến lúc
đi ngủ, khách đã bị trói giật cánh khỉ và điệu lên hang.
Nhưng lần này vừa sắp đến
hang thì một tiếng hô vang làm cho bọn cướp giật nảy mình. Từ bụi rậm xông ra
một toán lính với mã tấu sáng lòe cởi trói cho khách và trói lũ sát nhân lại.
Rồi từ bốn phía chân núi, bốn phía làng: tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ
vang trời động đất của hai ngàn quân sĩ.
Ngay hôm sau, làng Đa-giá
thượng bị triệt hạ. Nhà cửa, tre phe, cây cối đều bị san phẳng. Đất đai và
ruộng phân phát cho cả tỉnh: mỗi làng được một mảnh ruộng con, ngày nay vẫn còn
gọi là ruộng kỳ tại. Bọn cướp hết thảy bị tử hình: đàn ông đều chém ngang lưng,
đàn bà một hạng bỏ rọ trôi sông, một hạng sung làm thị tỳ ở các nhà quan. Người
ta có bắt được một quyển sổ ghi từng năm một bao nhiêu bò béo, bao nhiêu bò
gầy, bao nhiêu vàng bạc, bao nhiêu tiền và vật hạng. Một số quân sĩ được lệnh
đẵn tre làm thang xuống hang rồi thòng dây xúc hài cốt của những người vô tội
lên thiêu hóa.
Nguồn:
“Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam – Nguyễn Đổng Chi”
Xem thêm các truyện khác tại đây:
Truyện 192. Bò béo, bò gầy
Comments
Post a Comment