Ngày xưa, có
một ông lang xem mạch chữa bệnh rất giỏi. Các môn nội khoa cũng như ngoại khoa
ông đều thành thạo. Ông lại là một người chính trực. Mọi nơi tôn ông làm danh
sư, vì vậy nổi tiếng một thời.
Ở vùng ông
hồi đó có một người đàn bà ngoại tình. Thấy chồng bị cảm, mụ ta muốn nhân cơ
hội ấy giết luôn đi để có thể tự do lấy người nhân ngãi. Mụ nghĩ ra một mưu kế
giết chồng thật êm thấm là đến nhà ông lang xin ông ngầm cắt cho một chén thuốc
làm sao cho chồng uống vào không dậy được nữa. Đáp lại, mụ sẽ biếu ông một món
tiền lớn. Nghe nói thế, ông lang một mực từ chối, nói mình không bao giờ nhúng
tay vào việc thất đức, nhưng người đàn bà nọ rất kiên nhẫn, vật nài mãi cố làm
cho ông xiêu lòng. Khi thấy người đàn bà quả quyết quá, ông giả bộ nhận lời,
nhưng chỉ cắt cho một chén thuốc bổ trong đó có món hoài sơn là vị thuốc chính.
Cắt xong, ông nói dối với người đàn bà rằng chỉ về sắc một chén cho chồng uống
là chết ngay. Người vợ trở về làm theo lời dặn, sắc thuốc rót ra chén, gác lên
chạn chờ cho thuốc nguội để cho chồng uống. Không ngờ có một con rết bò qua
trên xà nhà để rơi nọc độc vào chén thuốc. Vì thế người chồng vừa uống thuốc vào
tự nhiên vật vã, chỉ được một lúc là chết.
Nghe tin con
bệnh - chồng người đàn bà nọ - ngộ nạn sau chén thuốc của mình, ông lang vô
cùng ngạc nhiên. Ngồi một mình ông ngẫm lại chén thuốc mình cắt hôm ấy hoàn
toàn không có vị gì công phạt, dù có mắc chứng bệnh hiểm nghèo đi nữa cũng
không thể chết được. Ấy thế mà lại hóa ra chết thật. Vô tình muốn cứu người
thoát chết ông lại trở thành một kẻ giết người.
Tuy không xảy
ra việc gì lôi thôi đến bản thân, nhưng lương tâm ông lang luôn luôn cắn rứt
không nguôi. Tức bực đến phẫn chí, ông bèn khóa tất cả các ô thuốc của mình
lại, rồi cầm chùm chìa khóa vứt xuống sông thề rằng: - "Tôi làm thuốc đã
bốn mươi năm nay chưa từng làm hại đến mạng người. Nay bỗng dưng con bệnh vì
tôi mà chết. Tôi nguyện trên có trời, dưới có Hà bá, nếu chùm chìa khóa này còn
trở về tay tôi thì tôi sẽ làm nghề thuốc trở lại, bằng không thì xin bỏ hẳn
nghề này". Và từ đó ông cương quyết không đụng đến ô thuốc đao cầu hay kê
đơn cho một ai nữa.
Ít lâu sau có
một người làng chài, vợ đến kỳ sinh không may nghịch không sổ được. Người chồng
thấy vậy hoảng hốt, không kể đêm khuya chạy đi mời mấy ông lang gần đấy, nhưng
không một ông nào dám bốc thuốc cả. Tình thế sản phụ rất nguy ngập. Sau cùng có
người bảo người chồng cô tìm đến nhà vị danh sư nọ, hết lời cầu khẩn may chỉ
còn có hy vọng.
Lúc đó trời
đã gần sáng, ông lang đang nằm. Người nhà cho biết ông lang không chữa bệnh
nữa. Nhưng người làng chài cố tìm đến trước cửa sổ nói vọi vào phía giường ông,
kể lể bệnh hoạn của vợ và xin thầy cứu cho. Hắn ta nói mãi. Song ông lang nào
có để ý gì đến. Lúc đó ông đã dậy, bèn gọi người nhà "múc nước để rửa
mặt". Hắn ta nghe không rõ, tưởng ông cụ bảo "múc nước đổ vào
mặt". Thế là hắn ba chân bốn cẳng chạy về nhà, múc cả gáo nước thình lình
hắt vào mặt vợ. Người sản phụ đang nằm đợi chết, bỗng bị nước lạnh dội vào mặt,
giật mình chuyển cả thân thể. Tự nhiên cái thai sổ ra một cách dễ dàng. Tất cả
mọi người trong nhà đều khoan khoái như trút được gánh nặng. Họ tấm tắc phục
tài nhà danh sư. Qua ngày hôm sau sẵn mẻ lưới bắt được con cá chép rất to,
chồng người sản phụ vội xâu lại đưa đến biếu thầy thuốc.
Khi thấy hắn
ta cảm tạ công ơn mình đã giúp cho vợ hắn mẹ tròn con vuông thì ông lang rất
lấy làm lạ. Ông bảo:
- Hơn một năm
nay tôi có làm thuốc cho ai đâu mà lại có sự lạ lùng này.
Nghe hắn kể,
ông ta vẫn chối, nhưng người làng chài nhất định không chịu mang cá về. Cuối
cùng thấy chối mãi không được. Ông lang bèn xin nhận một nửa và nói:
- Bây giờ tôi
chặt con cá làm đôi: một nửa mừng cho bác gái, một nửa tôi xin lạm nhận.
Nói rồi ông
lấy dao thớt chia con cá làm hai khúc. Nhưng khi đang chặt, ông bỗng thấy trong
ruột cá có cái gì cộm lên, moi ra được một chùm chìa khóa. Ông nhìn lại thì lạ
thay! Chính đó là chùm chìa khóa của mình ngày trước. Từ đó ông lang bỏ ý định
cũ, lại bốc thuốc chữa bệnh như xưa.
Xem thêm các truyện khác tại đây:
Truyện 191. Vận khứ hoài sơn
năng trí tử, thời lai bạch thủy khả thôi sinh
KHẢO DỊ
Truyện trên,
miền Bắc có người kể khác về chi tiết. Một ông lang nổi tiếng được vua phong
chức điều hộ. Một hôm cũng có chị đàn bà đến xin cắt một thang thuốc giết
chồng, vì "sắt cầm không đẹp". Ở đây ông lang không từ chối mà làm
trái lại, lập tức bốc một nắm hoài sơn, bảo người đàn bà mua vài con chim bồ
câu ra ràng hầm với thuốc ăn trong nửa tháng sẽ chết". Chủ ý của ông là
cắt thuốc bổ. Không ngờ hóa ra chết thật (mặc dù không có việc con rết nhả
độc). Rồi ông lang cũng khóa tất cả các ô thuốc và ném chùm chìa khóa xuống
sông với câu thề độc như trên. Phần tiếp theo sau cũng có người làng chài có vợ
khó đẻ đến cầu ông. Người làng chài nghe ông lang bảo thằng nhỏ: - "Đun
siêu nước sông pha uống" lại tưởng bảo mình làm cho vợ như vậy, bèn trở về
đun nước sông cho vợ uống thì không ngờ vợ đẻ được ngay. Đoạn kết cũng như
trên.
Ở Nghệ-an, có
một câu chuyện nội dung nói về lai lịch một vị thuốc "thôi sinh", đây
cũng là một dị bản của phần thứ hai của truyện trên:
Xưa có một
người đàn bà đến kỳ sinh, chuyển bụng đã bốn năm ngày mà thai chưa ra. Người
chồng vội vã đi tìm thầy thuốc để cắt một chén "thôi sinh". Thầy
thuốc bảo rằng: "Anh không nghe người ta nói sao, "Thai sinh như hoa,
đến kỳ thì hoa nở". Anh cứ về rồi tự nhiên nó sẽ sinh". Người chồng
trong lúc hốt hoảng nghe câu được câu mất, cứ ngỡ là thầy bảo về lấy hoa cây tự
nhiên mà ăn thay thuốc là thai sẽ ra. Bèn đi kiếm một nhánh hoa tự nhiên đem về
cho vợ ăn. Vợ vừa cầm lấy thì thai sổ liền.
Từ đấy người
ta tin rằng hoa cây tự nhiên là loài thuốc quý đối với trường hợp khó sinh, hay
sinh rồi mà rau chưa ra.
Comments
Post a Comment