Skip to main content

Truyện 75. Chó, mèo và anh chàng nghèo khổ


Ngày xưa có hai mẹ con một anh chàng nhà nghèo rớt mùng tơi. Anh chàng lang thang đi kiếm việc làm nhưng chả có ai thuê cả. Mãi sau có một chủ thuyền buôn thấy anh khỏe mạnh lại biết bơi lội mới thuê làm thủy thủ. Hắn hứa cho anh cơm một ngày ba bữa và bốn mươi quan tiền trả trước. Anh chàng mừng rỡ tưởng không có hạnh phúc nào hơn thế nữa, vội cầm ba mươi quan đem về cho mẹ tiêu, còn mười quan thì mang theo định để dành may mặc. Thuyền cất hàng, vượt biển luôn năm ngày đến một thị trấn lớn. Trên bến người mua kẻ bán chen chúc như hội. Bọn thủy thủ bảo chàng: "Ở đây thứ gì cũng buôn được. Cứ mua một ít đưa về quê nhà bán là tự khắc có lãi."
Anh chàng xưa nay không quen buôn bán nên cầm mười quan tiền trong tay chưa biết nên mua thứ hàng gì. Bỗng chốc anh thấy có một người mang ra bến một con chó bị trói toan vứt xuống sông. Lấy làm thương, anh vội ngăn lại và hỏi duyên cớ. Người ấy cho biết chó này là của chủ mình. Hôm nay chủ đi chợ mua thịt về dọn tiệc, không rõ cắt đặt thế nào để chó ăn vụng mất cả. Chủ tức giận trói chó đánh một trận thừa sống thiếu chết rồi sai đi buông sông. Nghe kể thế, anh chàng xin mua lại con chó. Người kia cười mà rằng: - Nó chỉ chuyên môn ăn vụng, anh mua về làm gì?
Chàng đáp: - Thây kệ, cứ bán cho tôi đi!
Cuối cùng anh chàng xỉa ra ba quan mua lấy con chó, cởi trói cho nó, đoạn xích lại bên chỗ mình làm việc.
Sau đó một chốc, anh lại trông thấy có một người đàn bà mang một con mèo toan vứt xuống sông. Anh chàng vội ngăn lại và hỏi duyên cớ. Khi biết tội trạng của mèo cũng chỉ là ăn vụng, anh nài nỉ để con vật lại cho mình. Thấy người đàn bà khuyên can không nên mua thứ mèo xấu nết, anh không nghe và nói: - Thây kệ! Chị cứ bán cho tôi đi!
Thế là cuối cùng mèo cũng thoát chết. Và người chủ mới của nó sau khi xỉa ra ba quan để mua, đem buộc lại gần bên con chó.
Ngồi một mình trên thuyền, thấy buồn, anh chàng bèn bỏ thuyền lên bộ đi dạo bờ sông. Bỗng chốc anh thấy có ba đứa trẻ chăn trâu bắt được một con rắn nước, toan dùng roi xử tội. Anh chàng vội chạy lại ngăn cản: - Các em đừng đánh nó, nó là rắn nước, có làm hại ai đâu?
- Mặc kệ chúng tôi - bọn trẻ đáp - Chúng tôi bắt được nó, chúng tôi đánh, ông cản làm gì
Thấy bọn chúng khăng khăng cố tình giết rắn, anh chàng lại dùng tiền để cứu con vật vô tội. Chúng đòi năm quan. Mãi sau anh mới bớt được một. Thế là tất cả số tiền mang theo đều lần lượt vợi đến hết. Mua được con rắn, anh vội thả xuống sông cho nó trở về xứ sở. Bọn thủy thủ khi nghe anh kể lại những việc mua bán của mình thì đều cười ngất, cho là một người khờ dại ít có. Anh chỉ ngồi lặng yên không nói gì cả.
Khi thuyền bắt đầu trở về, vào khoảng nửa đêm, anh đang chèo bỗng thấy con rắn nước bơi từ dưới sông bơi lên trao cho mình một viên ngọc và nói: - Cha tôi là Long Vương, cảm ơn anh đã cứu mạng tôi, cho tôi đem biếu anh một viên ngọc "băng xuyên" để mời anh xuống chơi. Mang ngọc vào mình, anh có thể đi được dưới nước cũng dễ dàng như đi trên bộ.
Anh chàng nghe nói vội buông chèo đi theo rắn nước xống Thủy phủ. Quả nhiên, anh được vua Long Vương tiếp đãi rất hậu, tống tiễn ngọc vàng châu báu rất nhiều. Sau đó anh được người của Long Vương đưa về tận nhà. Chủ thuyền thấy mất hút anh, tưởng anh đã rơi xuống nước, bèn đỗ thuyền lại, lên bộ trình với xã sở tại. Nhưng khi mọi người về đến quê hương thì họ rất lấy làm ngạc nhiên, vì anh thủy thủ trẻ tuổi đã về đến nhà ba ngày trước rồi.
Từ đó anh trở nên giàu có. Nhưng anh vẫn sống một cuộc đời bình thường với người mẹ già. Con chó, con mèo được anh cứu vẫn theo anh không rời. Về sau, anh lấy vợ. Vợ anh là một cô gái đẹp. Nàng rất thích đeo nữ trang. Thấy viên ngọc "băng xuyên" chiếu sáng một góc tủ, nàng thích lắm nên một hôm lấy trộm mang đến cho một người thợ kim hoàn bảo đánh cho mình một chiếc ngẫn. Không ngờ, người thợ kim hoàn biết là ngọc quý ít có trong thế gian, bèn đi kiếm một viên khác tương tự như thế đánh tráo vào mà cướp lấy bảo vật.
Khi biết rõ chuyện mất cắp, anh chàng thủy thủ trở nên buồn bã. Hàng ngày anh ra bờ sông mong tìm lại con rắn nước nhưng chả làm sao gặp được. Chó và mèo thấy chủ không vui, một hôm nói với chủ xin đi tìm viên ngọc.
Đường đi đến nhà người thợ kim hoàn phải qua một con sông rộng. Không có cách gì vượt qua cả, hai con vật cứ loanh quanh ở trên bờ. Về sau chúng nó tìm được vào nhà một con rái cá. Chúng kể sự tình cho rái cá nghe và nhờ nó đưa giúp qua sông. Rái cá vui lòng gọi các bạn bè của nó đứng sát vào nhau, kết thành một cái bè cho chó và mèo ngồi lên lưng, chở qua sông yên lành.
Khi đến nhà người thợ kim hoàn, mèo bảo chó: - Để tao trèo lên nóc nhà kêu lên mấy tiếng cho những con chó trong nhà xúm lại sủa. Thế là mày cứ đường hoàng theo cổng mà vào không ai biết.
Quả nhiên, bầy chó nhà của người thợ kim hoàn nghe mấy tiếng mèo kêu vội xông ra đuổi. Mèo dẫn chúng đi thật xa nên chó ta lẻn vào nấp dưới một cái hầm, vô sự.
Khi hai con vật gặp lại nhau, chúng tìm tòi khắp trong nhà. Tất cả của cải của lão thợ kim hoàn đều bỏ trong một cái rương xe, luôn luôn khóa kín, không dễ gì lọt vào được. Mèo bèn cố sức tìm tòi, chụp bắt được một con chuột. Chuột van lạy xin tha mạng. Mèo bảo nó dẫn mình đến gặp chuột chúa đàn. Mèo nói rõ cho chuột chúa biết việc mình đến đây, và nhờ hắn giúp mình lấy cho được viên ngọc, đổi lại, mèo hứa sẽ luôn luôn để ý không phạm đến tôn tộc nhà chuột ở đấy. Chuột chúa đàn vâng lời ngay: - Để tôi bảo lũ con cháu, tôi tớ trong nhà khoét chiếc rương của nó ra, tìm cho các ông.
Nhưng đến khi lọt được vào trong rương, lũ chuột tìm mãi vẫn không thấy ngọc. Chuột chúa đàn ra báo lại cho mèo biết, và nói: - Trong rương này có một cái hộp bằng bạc. Có lẽ nó giấu ngọc trong đó; cái hộp đó thì khó lòng mà gặm được.
- Vậy làm thế nào bây giờ? - Mèo hỏi.
- Chỉ có cách là chúng tôi sẽ nhờ xóm giềng hợp sức cùng chúng tôi khoét rộng lỗ thủng làm sao đưa lọt cái hộp ấy ra đây cho các ông tìm.
- Thế thì làm gấp lên đi!
Chỉ trong một đêm, cả xóm nhà chuột đã gặm nát rương, lấy được cái hộp đưa ra cho mèo. Hai con vật tìm cách phá hộp ra, quả thấy viên ngọc của chủ. Chúng vô cùng mừng rỡ.
Sau khi ra khỏi nhà người thợ kim hoàn, chó tranh mèo mang ngọc. Nhưng đến lúc sắp sửa sang sông, vì mắng nhau với một con chó khác, nên chó đã để ngọc văng xuống nước. Một con cá trông thấy ngọc sáng vội bơi tới đớp và nuốt ngay. 
Thấy chó để mất ngọc, mèo giận quá mắng chó một trận thậm tệ. Chó biết lỗi, lặng thinh, cuối cùng mếu máo: - Biết làm sao bây giờ?
Suy nghĩ một lát, mèo tìm được một kế bảo chó: - Chúng ta sẽ tìm đến một nhà thuyền chài ở vùng này xin ở với họ. Thế rồi chờ khi họ câu được con cá đã nuốt viên ngọc thì sẽ kiếm cách cướp lấy đem về.
Chó khen mưu kế hay, bèn cùng mèo tìm đến một gia đình ông chài đang đỗ thuyền lại ở bờ sông phơi lưới. Hai con vật tỏ ra rất khôn ngoan, hiền lành nên được cả nhà đối đãi tử tế.
Mấy hôm sau, ông chài đánh mẻ lưới được một con cá chày rất lớn, mổ ruột ra, thấy có viên ngọc. Chó và mèo khấp khởi mừng thầm. Trong khi cả nhà đang trao ngọc cho nhau để xem của lạ, thì mèo lẹ làng tiến lại cọ người vào chân chủ. Nhân khi chủ sơ ý, nó nhảy lên ngoạm lấy viên ngọc và lập tức cong đuôi nhảy lên bờ chạy mất. Thấy thế, chó cũng ba chân bốn cẳng chạy theo làm mấy bố con ông chài ngơ ngác chẳng hiểu vì sao.
Lần này mèo tranh chó mang ngọc. Mèo lên mặt khôn, bảo chó: - Lần trước ngậm bị rơi mất, lần này có cách rất hay là đội lên đầu. Sắp đến nhà rồi, chả sợ gì nữa.
Nó nói thế nào thì làm như thế.
Nào ngờ mới đi được một quãng đường, bấy giờ có một con quạ đang bay trên không trung, nhác thấy có cái gì lấp lánh trên đầu mèo, thình lình sà xuống đớp lấy rồi bay lên đậu trên cành cây cao. Thấy ngọc lại mất, chó đến lượt mắng chửi mèo rất dữ, rồi nói: - Ngọc rơi xuống nước còn có thể lấy được, chứ bay lên trời thì đừng có hòng. 
Mèo buồn rầu, nhưng ngẫm nghĩ một lát, nó lại bảo chó: - Đúng rồi. Tao đã nghĩ ra được một kế. 
Chó hỏi: - Kế gì?
Đáp: - Giả chết bắt quạ.
Nói xong mèo chạy xuống bờ sông uống một bụng nước đầy căng. Đoạn trở về xua chó trốn đi một chỗ, còn mình thì tới nằm dưới gốc cây phơi bụng trắng hếu giả vờ chết.
Quạ đang ngậm ngọc đậu trên ngọn cây nhìn xuống thoáng thấy có bóng con vật chết, vội vàng bay xuống toan rỉa thịt. Nhưng khi quạ vừa đáp tới thì mèo đã nhảy xổ lên vồ lấy quạ. Quạ van lạy xin trả lại viên ngọc cho mèo để được tha mạng. Mèo chỉ đợi có thế, ngoạm lấy viên ngọc, ra đi.
Lần này, cả hai con đưa ngọc về đến nhà vẹn toàn. Anh chàng thủy thủ lấy lại được món tặng vật của Long vương hết sức vui mừng. Hắn càng thêm quý mến hai con vật có tình có nghĩa.
Hết.

KHẢO DỊ
Ở Nghệ-an, có người kể truyện Con chó, con mèo và con chuột cũng có thể là một dị bản của truyện trên.
Một người nghèo nuôi một con chuột, chuột thường sang bên nhà giàu hàng xóm kiếm ăn. Người kia hỏi chuột vì sao nhà ấy giàu. Đáp: - "Nó có một nén vàng" - "Có lấy được không?" - "Được". Chuột bèn khoét hòm tha vàng về cho chủ. Người nhà giàu mất của, thấy lỗ khoét mới sai mèo đi tìm. Mèo bắt các con chuột đến đo ở lỗ khoét thì có một con vừa tầm. Tra hỏi thì nó thú tội và nhận đi lấy về trả, có chó với mèo đi theo. Chuột lấy được trao cho mèo. Đến sông mèo để rơi vàng xuống nước. Mèo nhờ con tấy (rái cá) lặn xuống tìm hộ. Được vàng rồi, đến lượt chó mang đi. Dọc đường mệt quá, chó nghỉ dưới bóng cây. Mèo nhận việc trèo cây để canh giữ. Nhưng khi chó ngủ quên, mèo trộm lấy mang về trước, giành công một mình.
Một truyện khác ở Nghệ-an cũng là một dị bản thứ hai:
Có hai anh em nghèo khổ, ăn không đủ no, sống bằng rượu kê và hàng ngày đi làm thuê. Một ngày nọ họ đào được một cái bình đẹp. Anh cầm lấy xem và nói chơi rằng: - "Trời đã cho ta, ước gì được một bữa no". Hôm ấy đi làm về tự nhiên thấy hai cỗ cơm bày sẵn, anh em ăn no. Lại ước một người vợ. Sáng hôm sau quả có cô gái tìm đến làm vợ. Rồi sau ước vàng bạc của cải và nhờ vậy trở nên giàu có. Lại nuôi được một con mèo, một con chó rất khôn.
Có chủ đất làng khác nghe tin, bèn đến trộm lấy cái bình. Mất bình, anh em buồn rầu, chó mèo thấy thế bèn xin đi tìm. Đến nơi thì cửa đóng chặt không vào được. Bắt được một con chuột to, mèo bảo nó hễ lấy được bình ra sẽ tha. Chuột tìm lần đầu không thấy, lần sau khoét rương lấy được bình cho mèo. Chó mang bình lội qua sông, một con tấy (rái cá) nổi lên đột ngột làm chó hoảng sợ để bình chìm xuống sông. Mèo giả chết nằm bên bờ sông. Một con cộc bay đến bị mèo chụp, cộc phải lặn tìm bình để chuộc mạng. Cuối cùng lại tìm thấy bình, cộc bèn đưa cho mèo về nộp chủ.
Tương tự với truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ, ta còn có truyện Con tôm vàng:
Một người nhà giàu nuôi một con mèo. Con vật hết lòng với chủ. Một hôm chủ mất một con tôm bằng vàng, bảo mèo đi tìm. Mèo bắt một con chuột ra tra gạn. Chuột cho biết có anh thợ bạc vào lấy trộm. Mèo bảo chuột cùng đi tìm. Ở đây tình tiết của truyện giống với truyện trên kia nhưng không có chó, mà chuột thì kiêm luôn cả việc đục hòm lấy tôm vàng. Cũng không có việc nhờ rái cá đưa qua sông. Việc tìm tôm vàng dưới nước được giải quyết bằng cách dọa một con cá trong khi nó lóc lên bờ, bắt nó xuống tìm. Đoạn cuối, mèo đội tôm lên đầu bị quạ tha mất và mưu kế của mèo giả chết bắt quạ y hệt như truyện đã kể.
Người Khơ-me (Khmer) có truyện Chàng Cơm Cháy rất giống với truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ của ta.
Một đứa trẻ nhà nghèo phải đi xin từng miếng cháy mà ăn, nên người ta gọi là Cơm Cháy. Cơm Cháy ở với bà. Một hôm, nó đi câu nhưng không được gì. Thần Đế Thích thương tình cho ba con cá lần lượt mắc vào lưỡi. Y như truyện của ta, khi Cơm Cháy đưa cá về thì gặp một người toan vứt xuống sông một con mèo ăn vụng của chủ. Chàng xin đổi hai con cá. Lần thứ hai cũng gặp một cảnh gần như thế, chàng đổi được một con chó. Hai con vật hàng ngày chia nhau, con đi trộm cơm, con đi trộm thịt về cho chủ.
Một hôm Cơm Cháy đem chó lên rừng lùng rùa. Bắt được hai cái trứng rất lớn, Cơm Cháy mừng lắm mang về bảo bà mượn cho mình cái nồi lớn để luộc. Không ngờ đấy là trứng của vợ Long vương đẻ ra trong một cuộc lên chơi cõi trần. Lần thứ nhất Cơm Cháy không luộc được trứng, vì người làng thấy trứng lạ không cho luộc trong làng; lần thứ hai sắp luộc thì hai trứng đã nở, có hai con rồng lật đổ nồi bò ra. Cơm Cháy bắt về bỏ vào chậu. Sáng mai thấy lớn đầy cả chậu. Đem bỏ vào vại sáng mai thấy lớn đầy cả vại, lại phải bỏ ra ao. Đến ngày thứ bảy hai con vật to lớn không thể tưởng tượng được. Cơm Cháy không đủ thức ăn mà nuôi nữa. Nhưng hai con của Long vương (Naga) ấy đã rủ Cơm Cháy về nhà chúng. Truyện còn kể, trước khi gặp bố mẹ, hai anh em còn kéo chân mẹ đang tắm và tỷ thí với cha để sau đó được nhận là con. Để trả ơn, Long vương cho Cơm Cháy một viên ngọc ước.
Cơm Cháy trở về bắt bà đi hỏi con gái vua làm vợ. Vua thách làm một nhà vàng, một cầu bạc. Cơm Cháy nhờ ngọc, có đủ mọi thứ cần thiết. Cuối cùng chàng lấy được công chúa một cách dễ dàng.
Nghe tin ở Khơ-me (Khmer) có nhà vàng cầu bạc, vua Xiêm đem quân sang cướp. Cơm Cháy xin đi dẹp, và chàng đã làm cho quân địch tan tác không còn mảnh giáp. Một tên tù binh giặc vào hầu ở nhà Cơm Cháy đã nhân lúc chàng sơ hở, đánh cắp lấy ngọc trốn về nước, nộp lên vua. Cơm Cháy bảo mèo và chó đi tìm hộ. Từ đây câu chuyện gần giống với truyện của ta.
Đại thể mèo cũng ra lệnh cho chúa chuột bảo quân lính của mình thi nhau gặm tủ sắt vua Xiêm trong có viên ngọc. Chúng gặm hăng quá nên con nào con ấy gãy cả răng, (thành ra bây giờ giống chuột chỉ còn mấy chiếc răng cửa). Được ngọc, chó giành mèo mang về, nhưng lại để rơi xuống nước lọt vào bụng cá. Mèo đến bờ sông chộp một con rái cá và bắt nó đi tìm. Rái cá tra tìm được ngay. Chó lại tranh mèo mang đi. Gặp diều, chó sủa ầm ỹ nên đánh rơi, viên ngọc lọt vào tay diều. Mèo lại phải dùng kế: bắt một con rắn hổ mang buộc nó phải mổ chết một con bò. Thấy có bò chết, diều sà xuống rỉa nhưng mèo đã rình sẵn, chộp lấy diều và bắt nó phải nhả viên ngọc. Chó lại giành mèo mang ngọc, nhưng lại đánh mất lần thứ ba. Lần này nhờ mưu mèo đưa mật biếu kiến chúa để kiến tung quân đi tìm.
Được ngọc trở lại, Cơm Cháy làm cho kẻ thù tan tác, và sau khi thắng lợi, được vua nhường ngôi.
Phần nhiều các dân tộc ở Tây-nguyên đều có truyện trên nhưng mỗi dân tộc kể một khác.
Truyện của đồng bào Ca-tu thì con thuồng luồng thay cho con rắn. Anh chàng nghèo khổ trong truyện cứu được con thuồng luồng con vua Thủy tề bị đá đè phải lưng. Lúc vua Thủy tề trả ơn, nhờ thuồng luồng mách, anh xin vua quyển sách ước. Có quyển sách màu nhiệm, anh ước ra gạo, ước một con chó giữ nhà và một con mèo bắt chuột.
Lão chủ làng tình cờ đến nhà anh lục được quyển sách ước bèn đánh cắp. Mất sách, anh sai chó và mèo đi tìm. Cũng như các truyện trên, đến nơi, mèo buộc chuột phải tìm sách ước. Tìm thấy rồi hai con vật mang về, nhưng chó lội sông để cho sách ước trôi, bị cá nuốt vào bụng. Hai con vật lại đến nhà thuyền chài, xin ruột cá để lục tìm. Cuối cùng cũng lấy được sách ước đưa về cho chủ.
Đoạn sau là cuộc chiến đấu giữa chủ làng và nhân vật chính. Nhờ có sách ước, anh bắn chết chủ làng và đồng bọn.
Truyện của đồng bào Ja-rai (Djarai):
Y Rít kết bạn với một con rắn mà anh cứu khi nó sa vào bẫy của một con hổ. Rắn là con vua Thủy tề. Rắn cũng rủ anh về thủy phủ, và dặn anh cố xin cho được chiếc quạt thần mà chủ nhân của nó là một cô gái xinh đẹp. Nhờ quạt thần, anh trở nên giàu có, có vợ đẹp tức là nữ thần quạt.
Trong thời gian Ý Rít đi vắng, có vừa Ý Oéc đưa quân đến cướp của cải, kể cả quạt thần và bắt vợ anh. Y Rít trở về quyết đi tìm, có cả mèo và chó cùng đi. Dọc đường, mèo và chó rủ được chuột bạch và nhím đi theo. Nhờ có con ốc - mà anh cướp được ở tay một con lợn thần - hút cạn nước biển, anh tới nơi ở của Y Oéc. Trước hết chuột bạch nhận công việc đi dò xét. Sau đó Y Rít chia việc: nhím đào hầm, chuột đục thủng hòm sắt để lấy quạt thần. Trong khi đó thì chó và mèo cố đùa giỡn để đánh lạc hướng Y Oéc.
Được quạt, Y Rít vượt biển cạn về nhà. Xong, anh bảo ốc trả lại nước cho biển. Rồi anh dùng quạt quạt lên: vợ anh và của cải lại trở về, cả kẻ thù của anh và của cải của y cũng bị gió đưa tới. Hắn bị anh chém làm ba khúc và chiếm lấy mọi của cải.
Anh chàng nghèo khổ nhân vật chính trong truyện của đồng bào Ba-na (Bahnar) cũng là Y Rít. Rít ở với bà. Nhân đi chợ, anh mua được con mèo gầy, một con rắn bị đánh gần chết và một con chó ghẻ. Cả mấy con được Rít nuôi dưỡng, chúng kết bạn với anh. Anh muốn có rìu và rựa. Chó và rắn đi lấy nhưng không kết quả, chỉ có mèo là thành công. Được rìu và rựa, lại nhờ chó chỉ cho một cây mai, Rít chặt về. Trong cây có một cô gái hàng ngày hiện ra nấu cơm, cho lợn gà ăn và dọn dẹp nhà cửa, sau trở thành vợ Rít.
Đồng bào Ba-na (Bahnar) còn có một truyện khác là Bót Hét có thể xem là một dạng kết hợp giữa truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ với truyện Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán của ta:
Ông Hét lần lượt dỗ các em bé nín khóc, được bố mẹ chúng cho mác, cuốc và dao. Ông lại dùng những vật này lần lượt đổi lấy một con mèo, một con chó và một con trăn đều sắp sửa bị giết vì tội ăn vụng và trộm. Những con vật ấy đi theo ông làm bạn. Nhưng con trăn là con vua Thủy tề, nó đưa Hét xuống thăm thủy phủ và được vua tặng một chiếc nhẫn thần. Từ đó ông giàu có, lấy được vợ, sống rất sung sướng.
Nhưng một hôm vợ Hét để cho tên cướp lấy mất nhẫn quý. Thấy chủ buồn, chó mèo tình nguyện đi tìm. Được thần linh chỉ cho chỗ ở của tên cướp ngoài hải đảo, chó mèo tìm cách ra đấy. Đến nơi, mèo bắt một con chuột đi tìm, chuột lấy đuôi quệt vào miệng tên cướp, tên cướp há miệng trong có giấu chiếc nhẫn, mèo lập tức lấy được đưa về. Dọc đường nhẫn cũng rơi xuống nước và nhờ sự giúp đỡ của chim bói cá, mèo lấy lại được nhận quý đưa về cho chủ.
Theo Truyện cổ Ba-na, tập II, đã dẫn. Giống với truyện Ba-na, người Nga cũng có truyện Chiếc nhẫn thần. Nhân vật chính cũng cứư được một con chó, một con mèo và một con rắn. Con rắn đưa anh ta xuống một vương quốc dưới đất và xui anh xin vua cha cho một chiếc nhẫn thần. Có nhẫn, anh bảo mẹ đi hỏi con vua, và nhờ nhẫn, anh có đủ mọi món mà vua thách cưới. Nhưng công chúa không ưa anh, tìm cách lấy trộm nhẫn thần rồi ước cho anh mất hết cả, còn mình thì ước đến xứ sở nhà chuột. Chó và mèo nhận nhiệm vụ đi tìm. Mèo bắt vua chuột phải tìm cho ra. Chuột dùng đuôi ngoáy vào mũi công chúa chiếm được nhẫn. Nhưng Dã Tràng một hôm bắn chết một con rắn vợ ngoại tình, được rắn chồng tặng một viên ngọc, ngậm nó có thể nghe được tiếng loài vật (nhưng nếu để đàn bà ngậm thì ngọc sẽ tan ra nước). Một hôm, anh được đàn quạ mách chỗ có con nai chết; anh quên để bộ lòng cho quạ, bị quạ chửi, anh bắn nó, nó cắp lấy mũi tên có đề tên anh cắm vào xác một công chúa chết trôi. Vì thế anh bị bắt vào ngục. Ở trong ngục có lần Dã Tràng nghe bầy kiến gọi nhau chuẩn bị chạy lụt. Anh báo cho vua biết tin ấy kịp thời và nhờ đó giảm bớt thiệt hại cho dân. Vua hỏi chuyện anh, rồi đòi xem viên ngọc, nhưng khi ngọc quý lọt vào tay, vua chiếm đoạt luôn.
Thấy chủ than thở với vợ, chó và mèo nghe chuyện bèn tình nguyện đi tìm ngọc. Ban đầu mèo vào cung dùng đuôi ngoáy mũi vua đang ngủ, vua hắt hơi, viên ngọc ngậm trong mồm văng ra, mèo cướp lấy mang trở về, chó đòi mang thay nhưng chó tham ăn làm rơi ngọc xuống sông rồi về trước vu cáo mèo với chủ. Trong khi đó thì mèo ở lại, giúp việc cho ông chài và cuối cùng tìm được ngọc ở trong ruột cá. Được lại viên ngọc quý, Dã Tràng thưởng cho mèo, hắt hủi chó (thành ra bây giờ người ta cho mèo ăn vào đĩa bát, còn với chó thì đổ cơm xuống đất cho ăn).
Nhưng về sau ngọc tan ra nước vì vợ Dã Tràng đòi ngậm. Dã Tràng tiếc quá đi thơ thẩn ra biển rồi chết hóa thành con dã tràng hàng ngày cứ vo cát như kiểu viên ngọc.
Nội dung truyện Chàng Sơn của đồng bào Mường cũng tương tự với truyện vừa kể, nhưng ở đây chỉ có mèo mà không có chó, và phần cuối diễn biến cũng có những xáo trộn và thay đổi:
Chàng Sơn nhờ cặp vợ chồng rắn trắng cho nước bọt làm tiên thuốc nên sống sung túc. Một hôm anh định bắn chết một con rắn đen để cứu rắn trắng. Không ngờ bắn nhầm phải con rắn trắng vợ. Rắn trắng chồng trước toan báo thù, nhưng sau biết ý định tốt của Sơn, bèn tặng Sơn một viên ngọc nghe được tiếng loài vật.
Một hôm, vì quên để dành bộ lòng cho quạ nên chàng Sơn bị quạ báo thù bằng cách sai chuột đến lấy trộm viên ngọc của anh. Chuột đã thành công nhờ mưu ngoáy đuôi vào mũi Sơn, khiến Sơn hắt hơi làm văng viên ngọc ngậm ở miệng lúc ngủ. 
Mèo giúp Sơn đi tìm viên ngọc. Mèo tóm lấy chuột, buộc chuột phải khai sự thật. Khai xong, chuột còn bày cho mèo kế "giả chết bắt quạ". Quạ thấy mèo nằm chết, tưởng có món bở, sà xuống định mổ. Không ngờ mèo chộp được quạ, giành lấy viên ngọc, rồi đưa cho chủ. Quạ giận lắm, một hôm nhân cắp được mũi tên có khắc tên của Sơn, bèn cắm vào xác chết trôi sông. Sơn do đó bị hạ ngục. Nhưng nhờ có ngọc, Sơn đã tìm thấy ấn ngọc của vua bị mất, nên được tha và được vua gả công chúa.
Ở truyện In-đô-nê-xi-a (Indonesia) thì không phải mèo với chó mà là mèo với chuột, trong đó công lao tìm nhẫn chủ yếu là của chuột.
Có hai anh em Khi-na và Ma-da cứu hai con rắn, được rắn rủ về nhà chơi và được bố rắn tiếp đãi hậu hĩ. Do hai con rắn mách, họ xin được bố rắn một chiếc nhẫn, hễ đeo vào tay thì có phép sờ vào vật gì đều biến thành vàng. Bị một người lái buôn đánh tráo mất nhẫn, hai anh em bèn nhờ một con mèo nhà đi tìm. Mèo rủ chuột cùng đi. Nhờ có chuột khoét hòm nên tìm được nhẫn mang về, nhưng mèo lại đánh rơi xuống biển, nhờ có chuột lặn xuống lấy lên. Lần thứ hai, mèo đánh rơi nhẫn xuống kẽ nứt dưới đất. Lại nhờ có chuột đào lỗ lấy lên. Nhưng lần này được nhẫn, chuột một mình mang về cho chủ.
Người Miến-điện (Myanmar) cũng có truyện Những con vật biết ơn cũng là loại dị bản của truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ, nhưng ở đây một mình mèo cáng đáng công việc tìm nhẫn, còn chó thì làm việc khác.
Có bốn chàng trẻ tuổi theo học một ông thầy. Một hôm họ xin thầy giảng cho biết hậu quả của việc ăn ở tốt và tình thương đối với loài vật. Thầy kể cho họ một câu chuyện như sau:
Có bốn người đều giàu có khôn ngoan, cùng kết bạn và hứa sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Ít lâu sau, một trong ba người chết đi để lại một đứa con. Mẹ thấy con còn trẻ người non dạ, bèn bảo con đi học khôn với ba người bạn của bố.
Anh chàng đi dọc đường thấy có một người dắt một con chó, hỏi mua, người kia đòi một trăm đồng, anh không mặc cả, mặc dầu con chó gầy gò. Mua xong cho người dắt về cho mẹ. Cũng vậy, hôm khác anh mua một con mèo, rồi một con ích-nơ-môngđều với giá mỗi con một trăm đồng, trả ngay không kỳ kèo, và đều bảo đưa về cho mẹ.
Chó và mèo được mẹ anh chăm sóc tử tế. Còn con vật kia bà không dám nuôi trong nhà, cho ở một góc vườn. Bà sợ nó quá, trở nên ốm o gầy mòn. Một hôm, một người Bà-la-môn coi về phần hồn của bà đến quyên giáo, thấy vậy, hỏi lý do và khi biết sự thật, bảo bà thả con thú vào rừng. Bà thả nhưng đặt bên cạnh nó một vại thức ăn có rưới dầu béo. Con vật thấy mẹ con người ấy đối với mình tốt nên mang đến tặng người con một cái nhẫn ngọc có phép cầu được ướt thấy.
Được nhẫn, anh chàng ước một lâu đài bảy tầng làm cho vua và mọi người ngạc nhiên. Vua gả công chúa cho chàng.
Lấy nhau được ít lâu, một người Bà-la-môn coi về phần hồn của công chúa đến chơi vào dịp anh đi vắng. Hắn gặng hỏi về tình yêu giữa hai vợ chồng và nói nếu quả là yêu nhau thì sao chồng lại không cho vợ đeo nhẫn. Sau đó, nghe công chúa cầu xin, anh chàng nhẹ dạ tháo nhẫn đeo cho vợ, chỉ dặn chớ trao cho bất kỳ một người nào khác. Hôm khác, người Bà-la-môn lại đến xin công chúa cho y ngắm cái nhẫn chỉ trong chốc lát. Nhưng khi có nhẫn trong tay, hắn lập tức hóa thành quạ bay đến một hòn đảo giữa biển, ở trong một tòa lâu đài bảy tầng.
Mất nhẫn, chồng buồn nhưng không trách vợ. Mèo tìm cách lấy lại nhẫn cho chủ. Ở đây, cách làm của mèo đặc biệt hơn các truyện khác: mèo chờ một hôm có các nàng tiên xuống tắm ở hồ, cởi chuỗi ngọc để trên bờ, bèn trộm lấy giấu đi, buộc các nàng tiên phải làm một con đường ra đảo mới chịu trả. Đến nơi, thấy tên Bà-la-môn đang ngủ say, mèo tháo lấy nhẫn cắp về cho chủ, trong khi đó tên tên Bà-la-môn rơi xuống biển chết.
Ít lâu sau bỗng có một bọn cướp xông vào toan giết chết hai vợ chồng anh để chiếm lấy chiếc nhẫn thần. Nhưng nhờ có con chó cắn cổ tên tướng cướp làm cho bọn đồng đảng thất kinh, chạy tán loạn, cứu được chủ vô sự. Sau đó cả ba con tranh công. Việc đưa đến công chúa Thu-đam-ma Sa-ri xử. Công chúa phán: Công của chó là hơn cả vì nó bảo vệ được tính mạng của chủ, nhưng không coi nhẹ công của hai con vật kia.
Người Miến-điện (Myanmar) còn có truyện Hai người đầy tớ trung thành
cũng là dị bản của truyện trên nhưng tình tiết lại khác:
Một bà góa nghèo sinh nhai bằng nghề bán bánh kẹo, đẻ được một trai đặt tên là Lười. Một hôm, Lười nằm nhà thấy có người dắt chó và mèo đi quẳng sông vì tội ăn vụng cơm vua. Thương hại, Lười lấy trộm một đấu gạo ra đổi. Mẹ về thấy hết gạo kêu trời. Lười hứa tìm cách đi làm nuôi mẹ. Ở đây, mèo và chó lại tình nguyện đi tìm một viên ngọc đỏ dưới đáy biển có phép cầu được ước thấy. Chúng xuống thế giới dưới ấy ban đầu tìm không thấy, nhưng lại bắt được con chuột, chuột xin tha chết để đi tìm hộ. Cuối cùng cũng biết được ngọc nằm trong miệng nhà vua. Chuột cũng thò đuôi ngoáy vào mũi vua cho vua hắt hơi để ngọc văng ra. Chuột mang ngọc đến cho mèo và mèo được chó cõng lên thế giới trần gian.
Được ngọc, Lười xin mẹ hỏi công chúa cho mình. Ở đây cũng có tình tiết nhà vua hứa gả cho với điều kiện là phải có một cầu vàng một cầu bạc trước khi mặt trời mọc, nhưng lại không có đoạn cuối với tình tiết công chúa phản lại chồng như truyện trên1.
Người Chi-lê (Chili) có truyện Lâu đài và hoa huệ:
Có hai ông bà già nuôi cháu mồ côi, một hôm sai cháu đi bán hoa quả. Như truyện của ta, ba lần cháu đổi lấy một con chó, một con mèo và một con rắn bị trẻ đánh. Lần cuối cùng anh thả rắn ra rồi vì sợ ông bà mắng, bỏ đi tìm rắn. Đến một cái giếng thấy nàng công chúa tự xưng là con rắn nọ biến thành. Nàng biếu anh một quả trứng bé có thể cầu được ước thấy. Đem về anh ước một tòa lâu đài, và được như nguyện. Thấy anh giàu có quá sức vua kính phục gả con gái cho anh làm vợ. Nhưng vợ anh vốn có tư tình với một hắc nô, tên này xúi nàng hãy tìm cho ra bùa phép của chồng. Công chúa quả làm cho anh phải phun ra mọi bí mật và chiếm được trứng thần. Được trứng, vợ anh làm biến mất lâu đài để sống với hắc nô. Thấy mất lâu đài vua bắt anh hạ ngục, bảo trong ba ngày phải tìm lại bằng được nếu không sẽ trị tội. Mèo tìm vào nhà ngục được anh giao cho việc đi tìm lâu đài cùng với chó. Hai con đi mãi tới một đồn toàn lính chuột. Lại tới một đồn khác toàn lính mèo, chẳng ai biết lâu đài ở đâu. Lại một đồn nữa toàn lính khỉ, hỏi thì có con biết và nó dẫn đến nơi. Mèo dùng đuôi ngoáy vào mũi công chúa đang ngủ làm cho nàng hắt hơi văng trứng ra. Chó ngậm lấy mang về. Ở đây chó cũng làm rơi vật quý xuống nước sau nhờ mua được con cá nuốt quả trứng nên lại tìm lại được.
Được trứng anh chàng cho vua thấy tội lỗi của công chúa và hắc nô. Anh nhờ trứng giải chúng về nộp vua còn mình thì đi tìm công chúa rắn. Cuối cùng hai người lấy nhau.
Người Xác-tơ (Sartes) ở Trung Á có truyện Chàng đánh cá trở thành vua phần nào giống chuyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ (ở đoạn cuối) và truyện Bốn anh tài (ở đoạn giữa).
Hai cha con một người đánh cá, một hôm câu được một con cá vàng. Không nghe lời can của cha, người con đem dâng vua, được vua cho làm cận thần. Bọn quan triều đình không ưa anh đánh cá, xui vua bắt anh đi tìm một chậu thủy tinh để "có thể ngắm cá từ mọi phía". Anh hẹn bốn mươi ngày. Về nhà bị cha mắng, nhưng rồi cha cũng bảo đến nhà cô nhờ cô giúp. Cô anh là một mụ phù thủy. Cô nuốt cháu vào bụng rồi nhả ra thành quả cây để cho lũ con mình khỏi ăn thịt. Sau đó, đợi khi lũ con ngủ say cô lén thức đứa thứ hai dậy, bảo nó đưa anh đến nhà người bà con để xin chậu. Được chậu đưa về, vua khen anh và thăng chức. Bọn quan trong triều đình lại xui vua bắt anh đi tìm một cái giường vàng để "nằm ngắm cá". Cũng như lần trước, anh lại đến nhờ cô. Được giường mang về, vua cho anh làm quan đầu triều. Bọn quan ghen ghét lại xui vua bắt anh đi tìm một công chúa đẹp nhất thế giới để chia sẻ hạnh phúc với vua trong việc nằm giường ngắm cá. Cô anh lại sai con mình đưa anh đi tìm. Dọc đường anh gặp một chàng khỏe hai tay cầm hai cây lớn ném như ném cầu. Anh tỷ thí với hắn, nhấc bổng hắn lên rồi ném xuống đất mạnh đến nỗi hắn ngập đến thắt lưng. Thấy hắn xin tha, anh kéo lên cho đi theo. Lần lượt gặp người thứ hai tài ăn, tay cầm một cái gương, hễ có vật nào đi qua rọi gương vào là bị quay chín rồi chui tọt vào mồm hắn, ăn bao nhiêu cũng không đủ no. Người thứ ba tài uống cạn nước sông, anh đều thắng họ trong những cuộc đấu và rủ họ đi theo.
Cả bốn người đến một hòn núi cắm đầy đầu lâu, trên đỉnh có một cái trống lớn. Anh bảo người thứ nhất đánh trống. Tiếng trống làm rung trời chuyển đất, làm chết chim chóc thú vật. Một bà già bước ra bảo muốn tìm công chúa phải thực hiện ba điều: một là biến ngàn cân sắt thành bột với cái búa gỗ. Anh sai người thứ nhất làm xong ngay. Hai là, nuốt một đống rác rưởi và giẻ rách đầy một sân. Người bạn đường thứ hai giúp anh ngốn hết. Ba là, chui vào một cái lò khổng lồ mà bà lão đã đun nóng trong bốn mươi ngày. Người bạn đường thứ ba nốc cạn nước sông phun vào, cả bọn vào tắm ở trong vô sự, lại giục bà lão đun thêm kẻo rét. Cuối cùng, bà lão trao cho anh một cái hoa thần có thể cầu được ước thấy.
Sau khi chia tay với những người bạn đường, anh cứu một con mèo, một con chó và cho chúng đi theo. Từ đây truyện phát triển gần giống với truyện Miến- điện kể trên. Khi đi tới gần nước của công chúa, anh đặt hoa vào miệng ước có lâu đài nhà cửa, thành lũy, có người hầu kẻ hạ như một vương quốc. Anh chọn một số người đóng vai sứ giả đến yêu cầu vua nước ấy nếu muốn yên ổn hãy gả công chúa cho mình. Vua đòi sính lễ là một tòa lâu đài lơ lửng giữa không trung. Nhờ có bông hoa nhiệm màu, anh làm được ngay. Vua đành phải gả nhưng buộc anh nán lại vài tuần.
Có một hoàng tử con vua nước láng giềng vốn cũng muốn lấy công chúa, nay được tin này, bèn rao trong nước ai có cách gì bắt công chúa về sẽ trọng thưởng. Một mụ già xin đi. Mụ đến trước lâu đài làm bộ đói khát, được anh cho ăn uống và nghỉ lại. Rồi mụ làm quen với công chúa, bảo công chúa hỏi chồng làm cách gì mà có tòa lâu đài lạ như thế. Công chúa nghe lời, cuối cùng trộm hoa thần đưa cho mụ xem. Được hoa, lập tức mụ ước chuyển lâu đài về nước hoàng tử, bỏ anh chàng cùng chó và mèo lại.
Thấy chủ than thở, chó và mèo xin đi tìm. Mèo vào thành khi mọi người còn đang ngủ. Nó dùng đuôi ngoáy vào mũi làm mụ già hắt hơi văng bông hoa ngậm trong mồm ra. Mèo chộp lấy mang về. Ở đây cũng có tình tiết mèo đánh rơi hoa xuống sông, nhờ có chó kêu gọi vua loài nhái và vua loài cá bảo thần dân của nọ đi tìm. Một con cá đã vô tình nuốt hoa thần, bèn nhả ra trả cho chó. Hai con lại mang về cho chủ. Chàng đánh cá lại ước cho lâu đài trở về chỗ cũ. Anh giết mụ già, giết luôn cả hoàng tử và đưa công chúa về cho vua mình. Nhưng công chúa chỉ biết anh là chồng mà không chịu lấy vua. Câu chuyện kết thúc bằng tình tiết: công chúa có một cây roi thần, khi vua ra đón, liền dùng roi biến vua thành một con lừa đực. Lừa đực vừa trông thấy một con lừa cái thì đuổi theo ngay. Còn công chúa và chàng đánh cá thì trèo lên ngai vàng.
Một truyện ở đảo Cor-xơ (Corse) cũng có diễn biến phần nào giống với truyện vừa kể nhưng đã loại bỏ nhiều tình tiết rườm rà. Ở đây công lao lấy lại vật mầu nhiệm là của chuột.
Một mẹ một con nuôi một gà mái, mỗi ngày nó đẻ cho một trứng. Con là Jô- van-ni, mỗi ngày kiếm củi bán ở chợ vừa đủ tiền mua bánh về ăn với trứng làm thức ăn. Họ cứ sống như thế. Một hôm gặp ngày hội, con bàn bán quách con gà. - "Thế thì ăn bằng gì?" mẹ hỏi - "Con sẽ làm bó củi rõ to là có thức ăn". Bèn đưa gà ra chợ bán cho một mục sư. Mục sư mua, nhờ anh mang về hộ. Dọc đường anh nghĩ: - "Ta nuôi gà mà chẳng được ăn, bèn cắt lấy cái đầu. Tự nhiên trong cổ gà thòi ra một chiếc nhẫn. Anh đeo và ngón tay, nhẫn bỗng nói: - "Sai tôi đi!". Anh biết là nhẫn màu nhiệm. Sau khi đưa gà cho nhà mục sư, anh về nhà sai nhẫn dọn một bữa ăn, rồi lại sai làm một cái nhà đẹp trước cung vua, có đủ tiện nghi sang trọng. Công chúa nhìn sang, lấy làm ngạc nhiên, bảo vua cha mời chủ nhà ấy sang thết đãi, Jô-van-ni bắt nhẫn soạn một bữa thịnh soạn để đáp lễ. Công chúa yêu anh, hai bên lấy nhau sung sướng.
Mục sư về hỏi đầy tớ mới biết gà đã mất vật quý bèn đem một hòm đầy nhẫn ngọc vừa đi vừa rao: - "Nhẫn cũ đổi nhẫn mới không?". Công chúa không biết chiếc nhẫn của chồng là mầu nhiệm bèn đổi quách. Trong khi ấy chồng cùng vua đi săn vắng. Mục sư được nhẫn, sai nhẫn làm biến mất nhà của Jô-van-ni. Anh chàng này cất công đi tìm. Gặp một bà già, anh hỏi chỗ ở của mục sư. Bà già không biết, giới thiệu anh với một người chị. Người này biết được mục sư hiện đang ở giữa biển. Người đó lại cho anh một con mèo, bảo mèo bắt chuột mới có cách lấy lại nhẫn thần. Anh bắt được vua chuột dọa nếu không tìm được nhẫn sẽ cho mèo ăn thịt. Vua chuột cho hội họp toàn dân lại. Thiếu mặt một con chuột cái què. Khi tìm được con này, nó xin một cuộn chỉ và một quả bầu. Nó buộc một đầu sợi chỉ vào cây ở đất liền, một đầu vào bầu. Đoạn, ngồi vào quả bầu rơi ra biển. Đến nơi nó nấp đưới giường mục sư. Đến tối, mục sư bỏ nhẫn vào mũi. Chuột cũng dùng đuôi ngoáy, mục sư hắt hơi, nhẫn văng ra. Chuột bèn tha ngay lên quả bầu và kéo sợi chỉ để trở về. Về đến nơi đưa cho vua chuột. Vua chuột trả lại cho Jô-van-ni. Jô-van-ni cho phép chuột được tự do cư trú (vì vậy ngày nay chuột có mặt ở khắp nơi).
Jô-van-ni tìm vợ và bố vợ, trả lại con mèo cho bà già, đoạn về tìm lại mẹ, đưa mẹ về sống với nhau sung sướng.
Có một loạt truyện cũng có thể coi là dị bản của truyện Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ, tuy rằng các nhân vật chó và mèo đã được thay thế bằng những con vật khác. Một vài truyện tiêu biểu:
Truyện của người Ca-ma-ôn, ở gần núi Hy-mã-lạp (Himalaya):
Một nàng tiên trở thành vợ một hoàng tử bị vua cha đuổi, một hôm đến gội đầu ở con sông gần một thành phố. Con vua xứ ấy sau đó đi tắm bắt được sợi tóc dài của nàng. Hắn nói với vua cha rằng mình muốn lấy một người có tóc như thế. Vua sai quân đi bắt nàng tiên về. Hoàng tử chồng nàng tiên tìm đến cung vua, có mang theo một con nhái và một con rắn - những con vật chịu ơn - một con dưới dạng một bà-la-môn, một con dưới dạng một phó cạo. Để trừ khử anh, vua ra lệnh cho anh phải lấy cho được một cái nhẫn mà vua sai người hầu quẳng xuống sông, nếu không sẽ bị bắn vào đầu. Người phó cạo trở lại hình nhái nhảy xuống gọi vua nhái cùng lũ nhái rồi huy động cả vua và triều thần, cuối cùng tìm được chiếc nhẫn. Vua toan đánh nhau với chồng nàng tiên nhưng bị người bà-la- môn trở lại hình rắn, cắn chết.
Truyện của người Ý (Italia):
Một ông vua già theo lời xúi giục ra lệnh cho Li-vơ-rét-tô phải đi bắt công chúa Ba-li-san-dra về cho mình. Dọc đường, theo lời dặn của một con ngựa thần, anh đã cứu được một con cá và một con chim ưng. Anh bắt được công chúa, nhưng trước khi lấy ông vua già, công chúa bắt anh phải mang về một cái nhẫn mà mình đánh rơi ở sông và đi tìm một lọ nước thần có phép hồi sinh. Nhờ cá và chim ưng, anh đã lấy được hai thứ trên. Ba-li-san-dra giết anh, cắt ra làm nhiều mảnh quẳng vào chảo. Đoạn nhúng tất cả vào lọ nước hồi sinh. Tự nhiên, anh chàng trở dậy đẹp và khỏe hơn trước. Thấy vậy, ông vua già nhờ công chúa làm cho mình trẻ và khỏe lại. Công chúa giết và quẳng xác xuống hố, sau đó lấy Li- vơ-rét-tô.

Xem thêm các truyện khác tại đây:
-----


Comments

BÀI ĐĂNG ĐƯỢC XEM NHIỀU

List of Vietnamese fairy tales

Vietnamese  fairy tales includes many stories as Tam and Cam; So Dua; Hundred – knot- bamboo tree... which were spread in folk. Each stories has  its own meaning. I think I can not translate exactly each word into english but I will try my best to convey its meaning to you. Hope you like them!

The Tale of the Hundred - knot Bamboo tree

Once upon a time, there had a boy who was poor, had no field. Therefore, he found the way to work for a landlord. He was healthy, worked hard and great in working so the landlord wanted him to work for him long time without any pay. One day, he called the boy to come. "You are honest and healthy. If you agree to work for me in three years without pay, I will let you marry with my only daughter after that." The boy agreed. He believed completely. He worked very hard, help the landlord turn richer that he could build more houses, buy more fields and cattles. Then, time passed. Three years nearly crossed, the boy always remembered his master's promise while his master, the landlord didn't want to do his promise. He in secret had found another boy for his daughter, a son of another landlord in that area. Therefore, what he need was a reason to refuse the boy. One day, he called the boy to come. "You have worked very hard for three years, waken early, slept late....

Bài 14: Danh từ đếm được số ít và số nhiều và quy tắc thêm chuyển từ danh từ đếm được số ít sang số nhiều.

      Như chúng ta đã biết danh từ thường phân thành nhiều loại nhưng về mặt ngữ pháp bạn chỉ cần biết danh từ gồm hai loại: danh từ đếm được và danh từ không đếm được. Về cơ bản mình sẽ nói qua một chút về danh từ đếm được và danh từ không đếm được vì bài này chủ yếu xoay quanh danh từ đếm được. Về bản chất danh từ đếm được là những từ bạn có thể kiểm soát nó bằng mặt số lượng tức là bạn có thể đếm 1, 2, 3 cái gì đó và nó có sự phân biệt giữa số ít (một) và số nhiều (hơn một) của loại từ này trong ngữ pháp của câu. Ví dụ: I have  bananas và  I have  a banana  có sự khác biệt rõ ràng, bạn có nhận thất mạo từ  “a”  ở trước banana không? Thêm nữa Bananas  are  yellow và a banana  is  yellow bạn có nhận thấy động từ đi kèm có sự khác biệt không; danh từ số nhiều sẽ tương đương vói ư chỉ ngữ they và danh từ số ít sẽ tương đương vói it. Cơ bản là thế. Còn về danh không đếm được thì bạn phải cân, đo, đong như những...

Thuong Luong

Thuong Luong was common name of creatures which are in people’s imagines. They are distant relatives of dragons. While dragons are worshiped as gods, the gods ruled rivers and sea and the gods can make rains, Thuong Luong is not respected as dragons that the creatures are too amorous, combative, wild, and have bad behaviors. All most of them like to harm people.

Thanh Giong

Once  upon a time, a woman was old but she had not given birth a child. One day, when she went to her field, she saw a stranger footsore on the ground. The big footsore made her surprise and said: “omg, this footsore is so big” the she put her foot into the footsore. More 9 months later, she gave birth to a little boy named Giong. The boy was extraordinary that he was over three years old but had not spoken. He only knew lying and smiling. vietnamesefairytales.blogspot.com That year, the enemies they were known An planed to attack the country of the boy. They were merciless. Wherever they had gone, houses were ruined, fields were fired, people were killed. The sight behind them is mess of corpse and blood and ashes.The King was worry he forced his servants to look for person who could fight against the enemies.  One day, a servent went to Giong’s village while the woman was holding the boy in her arms, she said sadly that: “Giong, I wonder that when you hav...

Thach Sanh and Ly Thong Chapter 1

Chap 1:  fight with huge snake  Once upon a time, a woodcutter and  his wife were over sixty years old but they had had not any children. Although they were sad, they still did good thing and hoped God would give them one child. At last, their kindness had come to King of heaven who requested his son to fly down and reincarnate to be the old couple’son. They had just enjoyed the happiness for a short time. Then, the old man died, before his son was born. Vietnamesefairytales.blogspot.com After that, the woman gave birth to a beautiful, strength boy. She named him Thach Sach. The poor boy grew up with no father then his mother also left after few years living with him. They only left him an ax and a pair of shorts. Day by day, he went to forest, cut tree, split them then took to market to get money. When he was thirteen, king of heaven forced his servants down to teach him magic and martial arts. Then they was back heaven, Thach Sanh continued living alone in...

Wishing pearl

De was a young boy. His parent was servants of a landlord. Every morning, De led landlord’s cattle to meadow and brought them back at nightfall. De used to be excited in playing with his fellows and when he was in his game he didn’t care anything. Many times the cattle he herded ate rice on field and the owners used to beat him pained but he still left cattle and joined in his fellows. One normal day, he and his fellows had a swimming competition. An award was given to the winner that he couldn’t refuse. Therefore, he participated in the competition and left his cattle on a wild hill. They swam and dived in water until noon and when they walked on ground, a cow had disappeared. The cow belonged to no one but his master. Children separated to find the cow but the cow seemed to vanish they couldn’t find it. Sun was going to down, children made their ways to home they left De staying at there. Day stayed at there alone crying. After that, he fell in sleep. Latter, he was woken up b...

So dua - Coconut boy

Once upon a time, there in a village had a couple who worked as servants for a landlord. Although they were over fifty years old, they had ever not had a child. They were sad about that, but they had never given up to dream about a child. One day, it's a very hot day, when the wife was working in the field and felt very thirsty. She seeked for water, but she didn't see any but a little water in a skull which was in a hole beside an ancient tree. She had no choice but to drink it. Right the moment she drank, the feeling of cold water running from her throat to her stomach made her felt very comfortable. As a magic, she was pregnant after that short time. Then, the husband died before he got the happiness looking his child be born. After nine months and ten days, the wife gave birth a son but he didn't look like any child on the world. He had no feet, no leg, and even no body. He just had a head with full of eyes, nose, ear, hair and mouth on it. He didn't ugly but was ...

Bài 1.5: Cách sử dụng at, on, in cho thời gian, ngày, tháng, năm, mùa.

Chào các bạn! Bởi vì mình có hay dich truyện và một vài thứ linh tinh khác nên thường bắt gặp ngày, tháng năm. Thật ra khôngkhó để sử dụng đúng nhưng mỗi lần cần đến mình lại phải tra lại tra cứu. Điều đó rất mất thời gian nên hôm nay mình viết một bài liên quan đến at, on, in + thời gian để giúp bạn nào chưa biết và giúp chính mình nhớ được cách sử dụng của các giới từ at, on, in và dạng thời gian được theo sau giới từ đó.