Ngày xưa, ở
làng Hoa-viên, bây giờ thuộc tỉnh Hà-tĩnh, có một anh chàng tên là Hai. Lúc còn
trẻ, cha mất sớm, anh chàng mặc sức chơi bời, mẹ không
thể ngăn cản nổi. Hàng ngày ra đồng, anh lên một mô đất cao cùng với chúng bạn
tập nhảy, tập vật.
Trong nhà có nuôi một
con trâu đực dữ, hay chọi, hay lồng. Vì thế đứa ở đi cày thường bị gãy cày. Một
hôm Hai đi đâu về. Người mẹ trách con: - Mày hay nghịch hay
ngợm, suốt ngày đi mất biệt không làm được việc gì.
Hắn trả lời: - Được mai con
sẽ đi cày cho.
Qua ngày mai, Hai
vác cày đánh trâu ra đồng. Vừa cày được một vạt đất trâu quen mui tha cày chạy.
Anh chàng giận quá vứt cày, chạy vượt lên trước trâu, nắm lấy sừng. Trâu nổi
xung húc luôn vào người. Anh chàng thuận tay thoi cho mấy cái, trâu ngã lăn
quay xuống đất.
Thấy trâu chết, hắn
không hoảng hốt; sẵn dao bên lưng bèn xả trâu làm bốn quày. Đoạn, hắn gọi người
làng nhờ khiêng hai quày về cho mẹ mình, còn hai quày nữa buộc vào đòn quảy đi.
Khi người mẹ thấy kết quả việc đi cày của con như thế thì giận lắm, vội
thuê một người đuổi theo để đánh cho con một trận. Hai đang đi, bỗng thấy một
người đuổi phía sau, vẻ hung hăng muốn gây sự, liền đặt gánh xuống vào bụi bẻ một
cây lớn, xắn ống tay áo và nói: - "Muốn nếm thử một cây này thì cứ việc lại
đây!". Thấy thế, người kia sợ quá, lủi một mạch.
Hai cứ hướng về
phương Bắc đi miết. Lúc nào đói bụng thì xẻo thịt nướng ăn. Miếng thịt cuối
cùng vừa hết thì chàng đã ngao du ở tỉnh thành Nghệ-an. Chàng đi lang thang khắp
nơi; cuối cùng vào dinh quan bố đánh bạo xin làm thuê. Thấy chàng khỏe mạnh, vợ
quan bố nhận cho vào làm. Chàng vỗ bụng xin ăn. Vợ quan bố đưa cho một rá cơm
nguội. Chàng ngồi một chốc ngốn hết rá cơm. Thấy hắn ăn quá tợn, vợ quan bố
phàn nàn: - Ăn dữ như thế, chả biết làm việc có ra gì không?
Hai không nói gì cả
chỉ hỏi: - Bây giờ bà bảo làm việc gì
- Đi gánh cho
tôi ít gánh nước!
- Trong nhà có
cái gì để gánh nước không?
Vợ quan bố chỉ một
dãy vò và bảo: - Đó, chọn lấy một đôi mà đi!
Hai
bĩu môi: - Nhỏ quá! Gánh mất công.
- Thế thì có
đôi cong, chỉ sợ anh gánh không nổi.
- Cũng còn nhỏ
- hắn đáp.
Vợ quan bố hơi ngạc
nhiên, chỉ vào một đôi chum:- Anh có gánh được cái này không?
- Cũng
còn bé.
Thấy vợ quan bố ngơ
ngác, anh chàng bảo: - Bà ra bến mua cho một đôi song lớn, một cây
mét già và chọn trong nhà cho tôi một đôi chum kiệu. Có như thế gánh mới
phỉ sức.
Hôm đó ở tỉnh
có mở hội lớn. Anh chàng gánh hai chum kiệu nước về, thấy có đám vật
bèn đặt gánh, đứng lại xem. Giữa khi ấy có một đô vật vô địch, từ sáng đến chiều
đã hạ luôn một lúc mười mấy người. Hắn đang múa tay thách thức tất cả
mọi đô vật khác với một vẻ kiêu ngạo. Thấy anh chàng gánh được đôi chum kiệu đầy
nước, lại có dáng mạnh khỏe, mọi người giục vào đấu. Ban đầu Hai chối từ, sau
vì nhiều người nói vào mãi, đành nhận lời, nhưng chàng bắt đối phương phải làm
giấy cam đoan: sống hay, chết bỏ.
Mới lượn được vài
vòng, Hai đã nhảy vào quật ngã đối phương xuống đất rồi nắm hai chân hắn quẳng
ra ngoài vòng. Đoạn anh chàng vỗ đùi nhảy lên nóc nhà. Khi người ta nhìn lại
người kia thì hắn đã sặc máu mà chết.
Ở Sông Lam gần bến
đò Lách hồi đó có một con thuồng luồng rất lớn. Mỗi lần có thuyền bè đi qua, nó
thường cuộn mình gây thành sóng gió dữ dội làm cho thuyền đắm; bao nhiêu mạng
người chìm xuống nước đều không thoát được miệng nó. Bởi thế khúc sông ấy vắng
bóng thuyền bè qua lại. Triều đình cũng bó tay. Cuối cùng nhà vua sai yết thị
cho mọi miền, hễ ai có cách gì giết được con thủy quái thì sẽ phong cho quan tước.
Hai nghe tin liền ra
mắt quan trên, xin tự mình đi diệt trừ con vật. Chàng chỉ xin quan rèn cho mình
ba cái khuy sắt và chín chiếc dao găm. Khi đã có những vật cần thiết, chàng sai
nối ba dây song tốt, mỗi dây song buộc vào một khuy. Khuy ấy buộc vào người,
hai cái ở hai nách: một cái đằng sau lưng. Đoạn chàng buộc thắt lưng
vào người, giắt chín lưỡi dao quanh bụng. Trước khi xuống nước, chàng trao đầu
dây song cho những người trên thuyền, dặn họ hễ thấy đầu dây giật giật thì kéo
lên ngay. Chàng lại dặn họ nấu cho một nồi nước sẵn sàng để tắm.
Hai xuống nước đi
mãi đến tận đáy sông mà không thấy thuồng luồng. Chàng len lỏi tìm khắp các vực.
Cuối cùng bắt gặp con thủy quái đang nằm lù lù một đống trong một cái hang. Thấy
động, thuồng luồng xông ra há miệng rất to toan vồ chàng. Chàng tránh rất lẹ lại
nhảy lên lưng, giơ dao đâm vào cạnh sườn. Con vật đau quá tức tối cuộn đi cuộn
lại nhưng chàng vẫn bám sát không rời. Những người trên bờ chỉ trông thấy nước
ùn ùn sủi lên, sóng từ bên này cuộn sang bên kia, đập dồn dập như ngày có bão
táp.
Mãi đến trưa, Hai đã
đâm được 6, 7 con dao vào thân thuồng luồng. Chàng giật dây cho họ kéo lên. Người
chàng và khố của chàng đầy nhớt con quái vật. Phảng phất một mùi tanh lợm mửa.
Chàng bảo họ: -Tôi còn phải lấy thêm dao xuống đâm cho kỳ chết hẳn mới thôi!
Lần này, thuồng luồng
đã bị thương nên sức lực yếu ớt. Hai đâm bồi cho mấy nhát vào bụng nó, con quái
vật giãy giụa chết, máu lênh láng đỏ cả mặt sông. Hai sung sướng chặt thủ
cấp quái vật đưa lên khỏi mặt nước. Chàng nhớ mấy người bạn kỳ cọ rất kỹ cho hết
máu và nhớt của thuồng luồng dính vào người. Không ngờ nhớt độc của thuồng luồng
đã lọt vào hai lỗ mũi chàng, không có cách gì làm cho sạch được. Nhớt độc lại từ
chỗ đó thẫm dần lên óc. Cuối cùng, Hai bị thối óc mà chết.
Mọi người rất thương
chàng. Người ta lập đền thờ gọi là đền Đại vương Hai. Miếng đất chàng luyện tập
hồi nhỏ nay vẫn còn: người ta gọi là hòn mô Đại vương, hoặc cũng gọi là hòn mô
Cầu Hàn.
Hết.
KHẢO DỊ
Người Phú-thọ cũng
có một truyện ông Hộ giết thuồng luồng gần như là dị bản của truyện trên:
Con sông Thao, nơi
có vực Dậu-dương, chỗ vùng kẻ Nung, Phú-thọ, ngày xưa có một con thuồng luồng
chuyên môn làm sóng to đắm thuyền để ăn thịt người. Quan trên cũng yết thị tặng
thưởng cho người nào giết được quái vật, nếu chẳng may mà chết thì dân sẽ lập
miếu thờ, luôn năm hương khói. Rao đã
lâu mà không ai dám nhận. Mãi về sau có một ông Hộ người to khỏe đến xin dân Kẻ Nung
đánh cho hai con dao bầu to và sắc. Dao rèn xong, ông cầm hai tay hai dao cởi
trần lội xuống sông. Thuồng luồng lao tới nuốt vào bụng. Trong bụng con quái vật,
ông Hộ dùng dao xé dạ dày chui ra rồi rạch nó làm ba khúc. Thuồng luồng chết
xác trôi lên bãi, nhưng sau đó người ta mổ bụng quái vật thì ông Hộ
cũng đã hết sống. Để biết ơn người ta lập miếu thờ ông ở nhiều nơi.
Trong Truyền
thuyết Hùng Vương có kể thêm rằng: mỗi năm thuồng luồng bắt dân vùng
Dậu-dương phải khấn cho nó một mạng người thì nó sẽ để cho mọi người và thuyền
bè qua lại yên ổn. Thấy vậy, ông Hộ quyết chí liều mình tiêu diệt con quái vật.
Ông bèn nói với dân năm đó đem mình nộp cho thuồng luồng để nhân thể giết chết
nó. Thế rồi ông sắm dao nhảy xuống nước cho thuồng luồng nuốt, rồi rạch bụng
nó, như trên vừa kể.
Xem thêm các truyện
khác tại đây:
-----