Ngày xưa có một ông
vua sai một viên quan đi dò la khắp nước tìm người tài giỏi. Viên quan ấy đã đi
nhiều nơi, đến đâu cũng đưa ra những câu đố oái oăm để hút mọi người, nhưng
tuy mất nhiều công mà chưa thấy có người nào thật lỗi lạc.
Một hôm, viên quan
đi qua một cánh đồng làng kia, chợt thấy bên vệ đường có hai cha con nhà nọ
đang làm ruộng: cha đánh trâu cày, con đập đất. Ông bèn dừng ngựa lại hỏi: " Này
ông lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?"
Người cha đứng ngẩn
ra chưa biết trả lời thế nào thì đứa con chừng bảy tám tuổi nhanh miệng hỏi vặn
lại quan rằng: "Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời
được ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha
tôi cày một ngày được mấy đường."
Viên quan nghe hỏi lại
như thế thì há hốc mồm sửng sốt, không biết đáp sao cho ổn. Ông thầm nghĩ bụng
nhất định nhân tài ở đây rồi, chả phải tìm đâu nữa mất công. Quan bèn hỏi tên họ
làng xã quê quán của hai cha con rồi phi ngựa một mạch về tâu vua.
Nghe nói, vua lấy
làm mừng lắm. Nhưng để biết đích xác hơn nữa, vua bèn sai ban cho làng ấy ba
thúng gạo nếp vài ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy
đẻ thành chín con, hẹn năm sau đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội.
Khi dân làng nhận được
lệnh vua ai ấy đều tưng hửng và lo lắng, không thể hiểu thế là thế nào. Bao
nhiêu cuộc họp làng, bao nhiêu lời bàn tán, vẫn không nghĩ ra được cách gì giải
quyết cả. Từ trên xuống dưới mọi người đều coi là một tai vạ. Việc đến tai em
bé con người thợ cày. Em liền bảo cha: "Chả mấy khi được lộc vua
ban, bố cứ thưa với làng ngả thịt hai trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người
ăn một trận cho sướng miệng. Còn một trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm
phí tổn cho bố con ta trẩy kinh lo liệu việc đó."
"Đã ăn thịt còn
lo liệu thế nào? Mày đừng có làm dại mà bay đầu đi đó con ạ!"
Nhưng đứa con quả quyết: "Cha
cứ mặc con lo liệu, thế nào cũng xong xuôi."
Người cha vội ra
đình trình bày câu chuyện. Cả làng nghe nói vẫn còn ngờ vực, bắt cha con phải làm
giấy cam đoan, mới dám ngả trâu đánh chén. Sau đó mấy hôm, hai cha
con khăn gói tìm đường tiến kinh. Đến hoàng cung, con bảo cha đứng đợi ở ngoài,
còn mình thì nhân lúc mấy tên lính canh vô ý, lẻn vào sân rồng khóc
um lên. Vua sai lính điệu vào phán hỏi: "Thằng bé kia mày có việc gì?
Sao lại đến đây mà khóc?".
"Tâu đức vua -
em bé vờ vĩnh đáp - mẹ con chết sớm mà cha con thì không chịu đẻ em
bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha
con cho con được nhờ".
Nghe nói, vua và các
triều thần đều bật cười. Vua lại phán: " Mày muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho bố mày, chứ bố mày là giống đực
làm sao mà đẻ được!"
Em bé bỗng tươi tỉnh: "Thế
sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín
con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được kia chứ!"
Vua cười bảo: "Ta
thử đấy thôi mà? Thế làng chúng mày không biết đem trâu ấy ra ngả thịt mà ăn với
nhau à?"
"Tâu đức vua,
làng chúng con sau khi nhận được trâu và gạo nếp biết là lộc của đức vua, cho
nên đã làm cỗ ăn mừng với nhau rồi."
Vua và đình thần chịu
thằng bé là thông minh lỗi lạc, nhưng vua vẫn còn muốn thử cho đến cùng. Qua
hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở nhà công quán, bỗng có sứ nhà vua mang tới
một con chim sẻ và lệnh chỉ bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé bảo cha
lấy cho mình một cái kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo: "Ông cầm lấy
cái này về tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim."
Vua nghe nói, từ đó
mới phục hẳn.
Lập tức vua cho gọi
cả cha con vào ban thưởng rất hậu.
Hồi đó, có một nước
láng giềng lăm le muốn chiếm bờ cõi của nhà vua. Để dò xem bên này có nhân tài
hay không, họ mới sai sứ đưa sang một cái vỏ con ốc vặn rất dài, rỗng hai
đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc.
Sau khi nghe sứ thần
trình bày mục đích cuộc đi sứ, vua quan đưa mắt nhìn nhau. Không trả lời được
câu đố oái oăm ấy tức là tỏ ra thua kém và phải thừa nhận sự lép vế của mình đối
với nước láng giềng. Các đại thần đều vò đầu suy nghĩ. Có người dùng miệng hút
mong cho sợi chỉ lọt qua, có người bôi sáp vào sợi chỉ cho cứng để
cho dễ xâu. v.v... nhưng tất cả mọi cách đều vô hiệu. Bao nhiêu các ông trạng,
các nhà thông thái triệu vào đều lắc đầu bó tay. Cuối cùng, triều đình đành tìm
cách mời sứ thần tạm nghỉ ở công quán để có thì giờ đi hỏi ý kiến em bé thông
minh ngày nọ.
Một viên quan mang dụ
chỉ của vua đến nhà em bé vào lúc em còn đùa nghịch ở sau nhà. Nghe quan trình
bày ngọn ngành câu đố của sứ giả ngoại quốc, em bé không đáp, chỉ hát lên một câu:
Tang tính tang! Tính
tình tang!
Bắt con kiến càng buộc
chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà
bưng,
Bên thời bôi mỡ, kiến
mừng kiến sang
Tang tình tang...
Rồi bảo: - Không cần
tôi phải về triều làm gì. Cứ theo cách đó là xâu được ngay!".
Viên quan sung sướng
lật đật trở về tâu vua. Vua và các triều thần nghe nói như mở cờ trong bụng. Quả
nhiên con kiến càng đã xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc hộ cho nhà vua
trước con mắt kính phục của sứ giả nước láng giềng.
Rồi đó, vua phong
cho em bé làm trạng nguyên. Vua sai xây dinh thự ở một bên hoàng cung cho em ở
để tiện hỏi han.
Hết.
KHẢO DỊ
Một là truyện Trạng của
đồng bào Cham-pa:
Một ông vua chỉ sinh
có một nàng công chúa, ra lệnh cho các quan đi tìm người tài giỏi để kén làm
phò mã. Cũng như truyện của ta, gặp một người cày ruộng, quan hỏi: - "Từ
sáng tới giờ được bao nhiêu đường cày?". Người ấy không trả lời được bị
quan đánh, rồi đi. Con người cày ruộng biết chuyện vội đuổi theo quan, hỏt vặn
lại: - "Từ lúc ra đi đến nay các quan đã qua bao nhiêu làng, bao nhiêu
cánh đồng và gặp bao nhiêu người?", - "Ngựa quan phi được bao nhiêu
nước đại, nước tiểu?". Các quan không không trả lời được, bị em bé đánh trả.
Các quan về tâu vua,
vua sai bắt em ấy phải nộp một sợi dây bằng tro dài 20 sải, "nếu không có
thì chém ba họ". Em bé bảo mẹ bện rơm thành dây khoanh vào chum cho thò
hai đầu dây ra ngoài đốt cháy tất cả rồi mang đến cho vua. Vua lại sai đưa một
con chim én cho em, bảo dọn mười món khác nhau mỗi món một đĩa. Em bé
bảo mẹ đưa tới cho vua một cái kim nhỏ nhờ đánh cho một cây dao làm thịt chim.
Vua phục tài nhưng
còn thử nữa. Từ đây trở xuống truyện khác với truyện của ta. Ví dụ vua bảo làm
một bánh biết nói. Em bé bèn nằm khoanh trên mâm, úp lồng bàn lại ngoài dán giấy,
bảo mẹ bưng lên cho vua. Hay là vua đố: - "Gai cam không ai
vót mà sao lại nhọn?". Em bé hỏi lại. - "Cây chuối không ai
bào mà sao lại trơn?". Tiếp đó vua bắt một con chim bỏ vào tay hỏi:
- "Đố ngươi, ta muốn nắm con chim hay là thả?". Em chạy đến ngưỡng cửa,
hỏi lại: - "Đố bệ hạ tôi muốn vào hay ra?". Vua ép lấy công chúa
nhưng em không lấy, phải thả cho về.
Phần cuối, ngoài những
lời đối đáp mưu trí khác của Trạng chọi lại những cuộc đố của vua và đại thần
còn có việc Trạng đi tìm vợ. v.v... Trong phần này có chỗ giống với truyện Con
vợ khôn lấy thằng chồng dại, như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu và truyện Người
đàn bà bị vu oan.
Người Nùng cũng có một
truyện Chiếc áo lông chim giống với cả hai truyện Ai mua hành
tôi và Em bé thông minh của ta. Ở đây thông minh không phải là một
em bé mà là người vợ đẹp của một anh nông dân. Anh có bức chân dung của vợ hàng
ngày mang đi theo để ngắm. Một hôm bức chân dung bị gió bay mất, một tên chúa
nhặt được đưa lên cho vua. Cả triều đình họp nhau để bàn cách chiếm lấy người
đàn bà đẹp vẽ trong đó. Vua phái quan hỏi anh nông dân đang cày: - "Cày được
bao nhiêu luống, không trả lời được thì phải nộp vợ, v.v...". Vợ anh gà
cho anh hỏi lại quan. - "Ngựa ông chạy được bao nhiêu bước?". Vua lại ra lệnh phải sơn đen ba quả đồi. Vợ anh bảo anh đốt cháy trụi cây
cối ba quả đồi đó. Vua lại ra lệnh xe một sợi dây bằng kiến. Vợ anh bảo bôi mật
cho kiến bâu đầy dây. Vua lại ra lệnh bện một sợi dây thừng bằng tro. Vợ anh lấy
giẻ bện dây đặt lên đá rồi đốt cháy.
Vua không đố nữa,
sai lính bắt cóc người đàn bà về cung. Từ đây truyện chuyển hướng. Trước khi
đi, vợ giao cho chồng lúa và táo tiên dặn trỉa lúa và trồng táo. Khi nào thu hoạch
lúa đem cho chim ăn rồi xin mỗi con một cái lông làm thành một cái áo rồi gánh
táo đi bán. Chồng làm theo lời, mặc áo lông chim và gánh táo đến cung vua. Người
đàn bà đang câm bỗng nói được vì nghe tiếng rao của chồng. Vua cho gọi vào, và
nghe lời người bán táo, vua đổi áo mình lấy cái áo lông chim mặc vào định bụng
làm cho người đàn bà vui cười nhưng chó dữ trong cung tưởng ai lạ xông ra cắn chết.
Người Tày cũng kể
như trên nhưng có thêm một đoạn đầu có mô-típ giống với truyện Tú Uyên.
Một anh chàng nhà
nghèo thường đi làm thuê kiếm ăn. Anh có con chó khôn đi theo chủ khi làm việc.
Một hôm chó bới ở bụi, anh tới nhìn thấy một quả trứng lạ, bèn đem về bỏ vào
chĩnh. Từ đấy mỗi khi đi làm về lại thấy có cơm canh sẵn sàng. Một hôm lén về
rình, anh bắt gặp một cô gái từ quả trứng chui ra làm công việc nội trợ. Anh
ném vỡ chĩnh và trứng làm cho cô gái không có chỗ biến hình. Cô gái từ
đấy là vợ anh, sau khi cho cô nuốt đũa cả và đũa con để làm xương, v.v... gọi
là nàng Kháy (Kháy = trứng). Thấy vợ đẹp, anh cũng bỏ công ăn việc làm, vợ phải
vẽ chân dung như truyện trên.
Về đoạn kết, ở đây vợ
ra đi giao cho anh không phải táo mà là hạt giống cam và cũng dặn làm
áo lông chim lông thú rồi gánh cam đến cung vua. Anh làm theo. Con chó theo anh
và nhờ có chó anh mới vượt được sông rộng. Nhưng khi đến bờ bên kia thì chó tắt
thở vì mệt quá. Lại đến lượt một đàn ong từ miệng chó bay ra đưa anh đi. Nhờ có
ong báo tin, nàng Kháy biết chồng tới, từ đấy mới mở miệng nói cười. Trước đó
vua đã cho nàng một thanh gươm và cho phép được giết ai tùy ý; khi vua thay đổi
áo mũ cho người bán cam thì lập tức nàng Kháy ra lệnh chém chết.
Người Tày còn có
truyện Lai lịch ông Sấm:
Xưa có một người đàn
bà đẻ ra một người con trai không tay chân, toan bỏ cho chết, nhưng người làng
bảo cứ nuôi. Đứa bé rất thông minh. Một hôm bố đi bừa về bảo con: - "Có một
vị thần hỏi mỗi ngày bừa được bao nhiêu đường, bố không biết làm sao mà trả lời"
- "Ông ta còn đấy nữa không?", con hỏi - "Đi rồi" -
"Nếu có đến hỏi nữa thì gọi con ngay". Mai thần lại đến hỏi như trước.
Hôm sau nữa, bố mang con theo, thần lại đến hỏi, con đáp: - "Tôi hỏi ông
thế này nếu ông trả lời được thì tôi sẽ trả lời câu hỏi của ông: Tại sao trời không cho tôi làm đất,
đá, cỏ, cây, mà lại bắt làm một người không tay không chân, thế thì tôi làm sao
mà sống? Ai nuôi tôi?". Thần ta không trả lời được, bèn bay về kể chuyện ấy
với Trời. Trời bảo thần đưa đứa bé lên xem.
Đến nơi, Trời sai lấy
khuôn dân bỏ dứa bé vào đúc, khi tháo khuôn thì thiếu mất chân. Lại bỏ vào
khuôn quan thì thấy mất đầu. Lại bỏ vào khuôn vua thì thiếu tay. Trời bực mình
bảo mang loại khuôn riêng của Trời ra đúc. Lần này thì thành công nhưng đứa bé
bây giờ lại có quyền phép như Trời. Nó mới đuổi Trời đi chiếm lấy ngai vàng. Từ
độ ấy, ông Trời cũ phiêu bạt đó đây.
Nhưng ông Trời mới vụng
về không biết cách cai quản trần gian, nên mưa nắng nóng rét không phải thì,
làm cho hạ giới mất mùa. Trời cũ thấy vậy giận, giẫm chân quát: -
"Cái thằng không tay không chân không biết cách cai quản làm tội
dân!". Mỗi lần như thế hạ giới thấy có đá rơi và có tiếng sấm
sét. Từ đó mới có ông Sấm.
Về truyện này, người
Lào và người Thái kể có khác về chi tiết. Người Lào kể: một vị thần Bơ- ra-ma đầu
thai thành một đứa bé chân tay ngắn ngủn. Thần In-đơ-ra muốn cải tạo lại bèn
mang lên trời giao cho Ngọc Hoàng (Then). Ngọc Hoàng đúc khuôn đồng không
thành. Lại đúc khuôn bạc, rồi vàng, rồi thủy tinh, đều không thành. Ngọc Hoàng
trả lại. In-đơ-ra bèn đúc khuôn kim cương hóa ra tốt đẹp như In-đơ-ra. Mừng lắm
bèn cho đầu thai vào lòng nàng Ma- li-ka 10 năm mới đẻ đặt tên là
Ra-pha-na-xu-an. Lên ba hắn đã học hết khoa học. Hắn đòi vua một nước nọ phải gả
công chúa cũng mới lên ba. Ông vua này thấy hắn hỗn xược, cũng đành phải gả nhưng
xin thiên thần cho mình một đứa trai khác để chế ngự hắn.
Giống với truyện Nhật-bản,
người Bun-ga-ri (Bulgarie) cũng có truyện Tại sao phải kính trọng người
già? Ở đây cũng có một ông vua tàn bạo hạ lệnh giết người già. Chỉ còn sót lại
một người bố của một quý tộc giấu ở một nơi bí mật. Vua có con ngựa quý bất
kham, theo lời mụ phù thủy, vua bắt các quý tộc phải nộp dây thòng lọng
bằng cát mới thuần được. Nhờ người bố bày mưu "tâu với vua xin một cái làm
mẫu", nên vua đình chỉ lệnh ấy. Sau đó gặp đại hạn kho lẫm trống rỗng, vua
ra lệnh tìm cho được hạt giống, nếu không sẽ xử tử. Nhờ người bố bày mưu bảo
nông dân đi đào các tổ kiến nên kiếm được hạt giống. Vua khen, hỏi: - "Ai
bầy?" - "Nếu tôi nói thật, bệ hạ sẽ giết tôi mất". - "Ta sẽ
không chạm đến sợi tóc của ngươi".
Khi biết sự thật,
vua bãi lệnh giết người già, lại bắt dân không được coi thường người già; ra đường
phải nhường họ đi trước.
Ba truyện trên đều
có nguồn gốc từ Ấn-độ. Trong Đại tạng kinh có kể: xưa có một nước tên
là Khí-lão (loại bỏ người già). Một viên quan có hiếu cũng đào lỗ cho bố trốn
tránh, có một vị thần bắt ông vua nước ấy phải giải đáp các câu hỏi, nếu không
trả lời được thì trong bảy ngày sẽ phá tan tành cả nước.
Cũng như trên, ông
vua ấy nhờ có bố viên quan mà giải đáp được: lần đầu chỉ đúng hai con rắn đực
cái, lần thứ hai chỉ đúng gốc và ngọn của khúc gỗ. Và cũng nhờ đó cái lệnh đuổi
người già bị bãi bỏ.
Trong Tập bảo
tàng kinh có đến hai truyện cũng một chủ đề như trên nhưng ở đây lại dùng
kinh điển tôn giáo để giải đáp một số các câu đố, v.v....
Một loạt truyện khác
tuy hình tượng không giống với các truyện trên nhưng lại cùng một chủ đề, tức
là dùng thông minh để biện bạch giúp những người bị phân xử bất công. Sau đây
là một vài truyện:
Truyện Mã-lai
(Malaysia):
Một người mượn búa của
người khác. Khi người này đòi, hắn nói búa đã bị mối ăn mất. Vua sai hoẵng Pơ-lăng-đốc
xử. Hoẵng dội nước ướt lông rồi lăn lên trên tro. Vua hỏi: - "Sao lại bẩn
thế?" - "Tôi đi tắm thấy biển nổi lửa, tôi phải dập cho tắt nên lông
đầy tro". - "làm sao lại có biển nổi lửa được nhỉ?". Người kia
nói theo: - "Tôi chưa từng thấy bao giờ". Hoẵng liền đáp: -
"Đúng thế. Cũng giống như búa sắt vậy, tôi chưa từng thấy mối ăn bao giờ".
Vua bắt người kia phải bồi.
Truyện Ấn-độ:
Một tên trộm bắt trộm
một con ngựa đang buộc ở cây, người ta đưa nó ra quan tòa chồn, hắn đổ cho cây
ăn mất ngựa. Quan tòa nói: - "Đêm qua biển nổi lửa ta phải ôm từng ôm rạ
quẳng vào lửa để dập tắt, nay ta mệt không xử được hãy để đến mai". Tên trộm
nói: - "Làm sao ngài lại làm tắt lửa bằng rạ được?" - "Thế thì
làm sao lại có cây nuốt ngựa được".
Truyện Ấn-độ (vùng
Păng-jáp (Pendjab)):
Một con ngựa con mới
đẻ trong đêm. Sáng ra thấy nó đứng ở gần một cái máy ép dầu, chủ máy này
nhận là của mình. Vua xử cho hắn được. Chủ ngựa cầu cứu với chồn. Chồn đến trước
vua làm bộ ngã hai ba lần, ngất đi. Vua hỏi lý do. Đáp:
- "Đêm qua biển
bốc lửa, tôi phải múc nước dội để dập tắt nên mệt quá!" - "Mày nói gì
lạ lùng vậy. Làm gì có biển bốc lửa". - "Cũng vậy thôi! Làm gì có máy
ép dầu đẻ ra ngựa".
Truyện Căm-pu-chia:
Có hai người đặt bẫy
thú: một người đặt dưới đất, một người đặt trên cây. Sáng dậy người sau đi thăm
trước, thấy bẫy người trước được một con hươu, còn của mình không có gì cả. Bèn
bắt hươu bỏ vào bẫy của mình. Việc đưa lên quan, quan xử cho người có
bẫy trên cây được. Thỏ bày giúp người đặt bẫy dưới đất nói với quan rằng vì thấy
một đàn cá leo lên cây hái quả ăn, nên đến hầu chậm. Quan đập bàn: - "Nói
không thể tin được. Đời thuở nào có cá trèo cây". - "Vậy thì, thỏ
đáp, đời thuở nào có hươu trèo cây chui vào bẫy".
Xem thêm các truyện
khác tại đây:
Truyện 63. Em bé
thông minh
-----