Ngày xưa có một con sáo nói được tiếng
người và hiểu được ý người. Từ lâu, sáo làm bạn với một bác nông dân rất nghèo.
Hôm ấy, bác đi cày bắt được sáo ta bị thương nằm nép trong bụi lúa, bèn đưa về
chăm sóc, dần dần dạy sáo học, sáo biết đủ mọi thứ. Đối với sáo bác rất tận
tình; mỗi khi có miếng ăn đều dành phần cho sáo. Bác bảo sáo: - "Tao già rồi
mà không có con nên tao nhận mày làm con!". Sáo được tự do muốn đi đâu mặc
ý, không bị nhốt trong lồng. Nhưng sáo rất quyến luyến bác, không muốn rời.
Xem thêm các truyện khác tại đây:
Gần đấy có phú trưởng giả giàu nứt đố
đổ vách. Nhà hắn tiền ròng bạc chảy đến nỗi thỉnh thoảng hắn lại đem vàng
ra phơi nói là cho đỡ ẩm. Một hôm sáo bay qua nhà phú trường giả gặp
kỳ hắn đang phơi vàng. Sáo biết là của quý vội sà xuống cắp lấy mấy thoi
đưa về cho bố nuôi. Từ đấy bác nông dân sống dễ chịu hơn trước.
Phú trưởng giả từ ngày mất vàng
không biết nghi cho ai được, vì hắn phơi tận trên nóc nhà lại nghiêm cấm không
cho một ai tới gần, nên hắn đành nín lặng. Nhưng hắn vẫn để tâm rình mò quyết
tìm cho ra. Một hôm khác, hắn lại phơi vàng. Sáo bay qua trông thấy lại sà xuống
lấy, nhưng không may bị phú trưởng giả nhanh tay chộp được. Lập tức hắn tra khảo
sáo để mong tìm lại những vàng đã mất lần trước. Hắn hỏi sáo: - Mày
ở nhà nào?
Sáo đáp: - Tôi ở trên rừng.
- Ai dạy mày trộm vàng của tao?
- Chả ai dạy cả.
- Mày trộm về cho ai?
- Tôi quẳng lên rừng.
Tức tối vì không tìm ra được manh mối,
phú trưởng giả liền sai gia nhân vặt lông sáo cho kỳ trụi để cho sáo chết một
cách đau đớn. Nhưng mới nhổ được mấy cái lông thì sáo đã giả bộ chết, nằm ngay
đơ, cánh sã ra, không cựa quậy. Phú trưởng giả sai vứt sáo ra ngoài bụi
tre. Chỉ một chốc sau sáo đã đứng dậy và gượng lần về nhà.
Mấy tháng sau, ở một ngôi đền của
làng bỗng xảy ra một việc rất lạ. Mỗi lần người thủ từ vào thắp hương đều nghe
trên tượng Đức ông có phát ra tiếng gọi: - "Sắp có nạn lớn, hãy bảo phú
trưởng giả đến cho ta bảo". Người thủ từ trước còn hồ nghi, nhưng nghe đến
lần thứ hai thì hốt hoảng, vội đi báo tin cho phú trưởng giả biết. Nghe thủ từ nói,
phú trưởng già cũng không kém hốt hoảng, vội mang khăn áo tới đền với một mâm cỗ
để nghe Đức Ông phán bảo. Khi hắn đang lễ xì xụp thì tiếng ở trên tượng truyền
xuống bảo hắn phải cạo đầu quy y một thời gian mới mong tai qua nạn khỏi. Hắn
toát mồ hôi, vâng vâng dạ dạ. Cuối cùng, hắn đành nhờ người cạo
phăng mớ tóc và mặc đồ nâu sồng xin hòa thượng cho vào ở
chùa để mong Phật che chở như lời Đức Ông truyền.
Nhưng được mấy ngày sau, Đức Ông lại
bảo người từ giữ đền gọi hắn đến. Khi lão phú trưởng giả và mọi người đang quỳ
lom khom đợi Đức Ông bảo ban, thì sáo ta từ bức tượng bay ra nói với chúng: - Hãy mở mắt
ra mà nhìn đây! Tao đây chả phải thần thánh gì cả. Chỉ vì mày làm tao đau đớn
suýt chết nên tao phải báo thù mày một phen.
Nói đoạn, sáo cười lên một thôi rồi
sà xuống mâm mổ lấy mổ để. Cái đầu trọc của phú trưởng giả ngửng lên,
và khi thấy được sự thực, hắn giận tràn hông, nhảy xô lại định bắt giết con sáo
cho hả giận, nhưng sáo ta đã bay ra khỏi đền và đi mất.
Hết.
KHẢO DỊ
Có người kể hơi khác về chi tiết. Đại
thể, lúc sáo vào nhà người ta thấy có mâm cỗ cúng thì trộm giò chả về cho chủ.
Người mất của đuổi theo đến nhà thì bắt được quả tang bèn lên trình quan. Quan
cho đòi cả người và sáo lên tra hỏi. Sáo nhận hết tội lỗi, bị quan xử tội vặt
lông. Sáo cũng giả chết thoát được. Đoạn sau, sáo cũng mượn miệng Đức Ông báo
thù không phải chỉ phú trưởng giả mà cả bọn quan, chánh tổng, lý trưởng,v.v...đều
phải cạo trọc đầu cả lũ.
Người Nghệ-an kể truyện này cũng có
một vài chi tiết hơi khác.Ví dụ, thay cho phú trưởng giả là quan huyện. Khi bị
quan vặt lông, sáo lần được về nhà nói với chủ xin nuôi cho mau sinh lông sinh
cánh để báo thù. Đủ lông cánh rồi, vừa gặp khi làng của quan huyện tế
thần, nó lén bay vào linh tọa mượn miệng thần vạch tội quan huyện ngày xưa hay
ăn tiền dân, bảo làng phải đòi quan ra vặt tóc, rồi vặt râu quan, v.v....
Truyện trên cũng phổ biến ở nhiều
dân tộc. Người nghèo có truyện Con Vẹt của Ích-va-ra dường như là một
dị bản của nó:
Xưa có một anh chàng tên là
Ích-va-ra yêu một cô gái. Bố cô gái đòi phải cầu thần, thần có ưng
thuận mới gả. Nhưng khi hai họ đến đền hỏi ý kiến thần, thì con vẹt của
Ích-ra-va đã bay vào đền nấp sau pho tượng nói: - "Được lắm, hợp lắm, xứng
đôi lắm". Nhờ thế, bố cô gái bằng lòng gả, hai họ cưới hỏi linh đình.
Sau cô gái biết không phải thần mà là
do vẹt, liền bỏ về nhà bố tìm cách bắt con vẹt vặt trụi lông định nướng ăn.
Song vẹt đã trốn được vào rừng, và trở nên vua các loài chim.
Khi nghe nhà vua yêu con thứ bỏ con
trưởng, vẹt đeo một cái chuông bay về đậu trên nóc hoàng cung, tự xưng là sứ giả
của thần In-đơ-va, bảo vua phải gọi hoàng tử con trưởng về truyền ngôi, nếu
không sẽ bị thần phạt. Nghe thế, nhà vua sợ, bèn gọi con trưởng về cho lên ngai
vàng làm vua. Nhờ công đó, vẹt được phong làm quan nhất phẩm. Vẹt bèn tố cáo bố
con cô gái. Ông vua mới ra lệnh gọi bố con cô gái tới, bắt cạo trọc đầu
để trả thù cho vẹt.
Người Chăm-hơ-roi cũng có truyện Em
bé và chim vàng anh cũng phần nào giống với truyện của ta:
Hai vợ chồng một người kiếm củi có đứa
con trai múa giỏi, đồng thời có nuôi một con chim vàng anh hót hay. Thấy con
chim quý, một lão nhà giàu đến cướp lấy đưa về định nuôi cho nó hót.
Nhưng chim không chịu hót, ủ rũ không ăn mấy ngày liền. Lão nhà giàu bèn vứt
chim ra bụi. Đứa con trai người kia lại nhặt chim về chăm sóc, chim béo khỏe lại
hót vui như trước. Nghe nói chim đã sống lại, lão nhà giàu liền đến
nhà giành con chim, nhưng chim đã mổ vào mắt hắn túi bụi.
Dân tộc Mèo có hai truyện:
1. Hoàng tử Mua Lình Khú nuôi được
môt con sáo khôn. Để báo thù cho cha bị người giết chết và tranh ngôi, anh đi
ra nước ngoài, lấy con gái nhà giàu, rồi lại lấy con gái vua Trời. Ở đâu, anh
cũng luyện tập quân lính chuẩn bị đánh kẻ thù, nhưng không ngờ anh lại bị kẻ
thù bắt giam. Nghe tiếng anh khóc, chim sáo tìm vào hầm đá hỏi thăm. Anh nhờ
sáo đi báo tin cho hai vợ mình đem quân đến cứu. Quân nhà Trời được tin kéo xuống
đánh. Tên cướp ngôi bỏ chạy, hỏi sáo cách thoát. Sáo bảo hắn cạo trọc đầu ẩn trong một cái miếu hoang. Quân nhà Trời
tìm không được, rút về. Sau đó quân của con gái nhà giàu kéo đến. Mua Lình Khú
hỏi con sáo về tung tích kẻ thù và khi được sáo mách, anh chém đầu y rồi lên
làm vua.
2. Seo Mèo Chư mồ côi
đi ở cho người. Anh giúp đỡ cho một con chim đang ấp trứng, được chim trả ơn
cõng anh lên lưng chở đến cung vua bảo vua gả công chúa cho anh. Nhưng vua nổi
giận đuổi Seo Mèo Chư và vặt trụi lông chim. Cũng như truyện của ta, chim chui
vào bàn thờ ở cung vua, ăn các thức cúng, rồi khi mọc đủ lông cánh, chim lại lấy
lời thần linh bảo vua nếu không gả công chúa cho Seo Mèo Chư sẽ có tai nạn. Vua
bất đắc dĩ cho công chúa một con chó quý, một con mèo, một con ngựa thồ bạc và
đồ đạc đi lấy chồng.
Lấy nhau được ít lâu, công chúa giao
cho chồng ngựa thồ bạc đi đong gạo, có chó quý đi theo. Đến một làng nọ, anh
vào nghỉ ở nhà một mụ phù thủy. Mụ cho anh nghỉ và giao hẹn nếu chuột cắn mà
khóc thì anh mất tất cả cho mụ. Trái lại thì mụ mất tất
cả cho anh. Ở đây, truyện tương tự với truyện Con mụ Lường, chỉ có khác về
vai trò con mèo. Nửa đêm đang ngủ, đàn muỗi bay tới cắn, anh nhìn được, nhưng
khi đàn chuột xô ra cắn, anh kêu khóc, thế là bị mất của cải và bị làm nô. Chó
chạy về báo cho công chúa sự tình. Công chúa mang theo con mèo đến
xin trọ ở nhà mụ phù thủy và cũng nhận giao ước như trên. Mụ cho đàn muỗi, rồi
cho đàn chuột ra cắn, nhưng chuột bị mèo chén thịt. Cuối cùng nàng cứu được chồng về.
Trung-quốc cũng có truyện Con
khướu:
Một ông già tốt bụng tên là Già
Vương đi ở chăn bò cho Ương Ngược. Vì già yếu bị đuổi phải làm nghề kiếm củi. Một
hôm ông bắt được một con khướu hót hay. Ông đưa ra chợ cho nó hót, được người
ta thưởng cho nhiều tiền. Ương Ngược thấy thế bắt lấy khướu và cũng đưa ra chợ
bắt người đi chợ nộp tiền để nghe khướu hót. Nhưng khướu không hót, lại mắng lại
Ương Ngược. Hắn bảo đầy tớ giết đi để nhắm rượu. Chim bảo đầu bếp tha cho mình,
rồi bắt một con quạ chết thay vào.
Ở đây, chim cũng bay vào miếu Ngọc
Hoàng rồi nấp vào chỗ kín, lấy lời Ngọc Hoàng bảo ông từ gọi Ương Ngược đến,
truyền cho y làm Ngọc Hoàng, cả vợ và con đều vinh hiển, nhưng với điều kiện là
sáng mai cả nhà phải mặc đồ giấy đến miếu. Trời rét, sau khi gia đình Ương Ngược
đến, chim sai khóa chặt cửa miếu lại, rồi bay đến cây cao giữa làng truyền bảo
dân làng chia đôi tài sản của Ương Ngược: một nửa cho Gia Vương và người đầu bếp,
còn lại đem phân phát cho những người nghèo.
Sau đó, khi ông từ mở cửa miếu vào
thì Ương Ngược và vợ con đã chết cóng.
Xem thêm các truyện khác tại đây:
-----