Ngày xưa ở tổng
Hoàng-vân có một viên cai tổng, người ta thường gọi là Cai Vàng. Thuở
trẻ ông ta bắt được một viên ngọc kỵ đạn, đeo vào người có phép làm cho những
mũi tên hòn đạn sắp đụng vào da thịt phải rẽ đi lối khác. Ông rất mừng rỡ, từ
đó đeo vào người không bao giờ rời.
Trong thời kỳ làm
cai tổng, có lần Cai Vàng tiêu mất tiền thuế, bị quan tỉnh bắt giam ở
ngục, tra tấn rất khổ sở. Lúc quân canh giải qua một khu rừng, Cai Vàng nhân
lúc mọi người sơ hở, bẻ gông bỏ chạy. Bọn lính áp giải vừa đuổi vừa bắn, nhưng
nhờ có phép mầu của viên ngọc, ông trốn thoát vô sự. Từ đấy Cai Vàng chiêu tập
đồ đảng, sắm sửa khí giới chống lại triều đình, tự xưng là Thượng công.
Cai Vàng có ba người
vợ, đáng chú ý là người vợ thứ ba, mới hai mươi tuổi mà võ nghệ tuyệt trần. Trước
ngày mưu đồ việc lớn, ông cho gọi cả ba vợ đến họp với mình để dò tình ý. Ông hỏi: "Tôi
nay không khác gì cưỡi trên lưng hổ, sớm muộn bọn chúng cũng chẳng để yên cho
nào. Vậy tôi muốn một phen chọc trời khuấy nước, diệt cho hết lũ tham tàn để vẫy
vùng riêng một cõi. Ba nàng nghĩ sao?"
Người vợ cả thưa rằng:"Châu
chấu chống xe làm sao được? Chàng đừng nghĩ dại dột! Cái vạ diệt tộc hãy còn
rình sau lưng đấy. Mong chàng nghĩ lại thôi. Nếu chàng dấy quân, thiếp
đành xin trở về nuôi mẹ. Một mai nhỡ có việc gì, thiếp xin phụng dưỡng mẹ già
thay chàng."
Người vợ thứ hai
cũng tiếp luôn:
Chàng ơi! Nghe thiếp
đừng đi,
Cửa nhà cơ
nghiệp thiếu gì ăn chơi!
Nhưng nghe hai người
đàn bà ấy một mực "bàn ra", người vợ thứ ba không nhịn được, tức giận
hầm hầm quát to lên rằng:
"Hai chị không
biết lúc này là lúc nào ư? Chim không bay được, cây không mọc lên chỉ vì bọn
chúng. Hiện nay bốn phương nhao nhác còn chờ Thượng công. Những lời yếu đuối của
hai chị nên mang về xó bếp. Thiếp tôi nhất thua nhì được, quyết xin theo chàng
đến cùng, diệt phường Kiệt Trụ, gây dựng cơ đồ. Người nào thương mẹ nhớ cha cứ
cho về!"
Nói rồi cưỡi ngựa
thét loa ra bãi tập với các quân sĩ. Thấy ý vợ ba cương quyết nên Cai Vàng
không trù trừ nữa, nhất định tế cờ khởi nghĩa. Chẳng bao lâu mọi nơi hưởng
ứng, người ngựa chật đất. Bộ hạ của ông sức khỏe như hùm sói, võ nghệ rất cao
cường. Có những người như Lý Hạnh tự xưng là nguyên soái, Lý Chuột tự xưng là
quận công, Tuần Cận làm tiền quân,v.v... Vợ ba Cai Vàng trỗi lên giữa đám tướng
sĩ đó. Trong trận đánh chiếm phủ thành Lạng-giang, nàng hai tay cầm hai thanh
gươm ngồi trên mình ngựa xông ra giữa hàng trận, quan quân chỉ còn biết rẽ
ra mà chạy. Lấy được phủ Lạng, nàng giao thành lại cho chồng, rồi tự
cầm quận tiên phong tiến đánh huyện Văn-giang.
Nghe tin Cai Vàng nổi
loạn, bọn quan tỉnh dồn tất cả quân sĩ đến vây phủ Lạng, hòng cướp lại. Bấy giờ
vợ ba Cai Vàng đang vây huyện lỵ Văn-giang, nghe quân cấp báo, liền nói: -
"Thằng nào dám cả gan như vậy! Ta chỉ vén váy diệt cho một trận thì e
chúng mày chạy bằng bay cũng không thoát!". Lập tức, nàng kéo quân trở về
kịch chiến với quan quân. Bọn quan tỉnh địch không nổi, bị đánh tơi bời. Thấy
khó đương với giặc, bọn chúng liền làm biểu tâu vua. Vua sai mấy viên đại tướng
điều quân sĩ mấy tỉnh khác về, bắt họ diệt cho được Cai Vàng.
Hai bên cầm cự luôn
mấy tháng. Mỗi lần giáp chiến, Cai Vàng xông lên trước, tên đạn bên quân triều
đình trút vào người ông như mưa, nhưng chả ăn thua gì. Thấy thế, bọn chúng khiếp
đảm, cho là ông có trời giúp, ai nấy ngã lòng, quân đảo ngũ ngày một nhiều.
Về sau, có một người
thủ hạ thân tín của Cai Vàng phạm tội, hắn sợ chủ giết, nhân đêm tối lẻn sang đầu
hàng quân triều đình. Hắn mách: "Thầy tôi có ngọc đeo vào người, những
thứ đạn gang bắn vào thì chẳng khác gì chạm vào vách sắt. Chỉ còn cách lấy vàng
đúc đạn mà bắn, họa có trúng chăng."
Bọn chúng nghe nói,
lập tức đúc một số đạn bằng vàng giao cho những tên bắn giỏi, dặn chỉ gặp Cai
Vàng mới nhất loạt nổ súng. Ngày hôm sau chúng đem quân khiêu chiến. Nguyên
soái Lý Hạnh đem quân chống cự, nhưng chúng nhất thiết chỉ réo tên
Cai Vàng từ sáng đến trưa không nghỉ. Thấy thế, Cai Vàng nổi giận ruổi ngựa tiến
ra. Quả nhiên đạn vàng đã làm cho viên ngọc kỵ đạn mất hết mầu nhiệm. Đạn xuyên
vào đầu ông và làm đứt mất một tai bên phải. Ông chỉ còn ôm đầu phi ngựa trở về
phủ thành. Người vợ ba và bọn thủ hạ xúm lại chữa chạy, nhưng vết thương nặng
quá, không thể cứu nổi.
Trước khi trút hơi
thở cuối cùng, Cai Vàng chỉ còn trối lại với vợ được mấy câu: - "Nàng ôi!
Trời hại ta nửa đường đứt gánh... Ta giao phó tất cả quân sĩ cho nàng... Nàng gắng
sức trả thù cho ta!".
Thấy chồng chết, vợ
ba Cai Vàng căm uất vô hạn. Một mặt, nàng bắt mọi người giữ kín tin chồng chết
và cho quân bí mật đem xác chồng vượt vòng vây đưa về chôn ở quê hương. Còn mình thì tự điều khiển thủ hạ chống cự quân triều.
Nàng chọn ba trăm người quyết tử theo mình ra trận. Hôm ấy viên thống lĩnh, người
đã chỉ huy quân đội bắn đạn vàng, ra ứng chiến. Nàng chống đỡ mấy hiệp rồi giả
cách thua chạy. Thống lĩnh ta đang quáng quàng về thắng lợi, mừng quýnh vội
thúc ngựa đuổi theo rất gấp. Không ngờ thấp cơ thua trí đàn bà, hắn bị nàng
dùng chước đà đao, thình lình quay lại bắt sống được. Lập tức nàng cắp nách đưa
về thành, sai bỏ cũi giải về quê hương, đốt làm nến tế ma cho chồng.
Từ đó, tướng sĩ lại
càng hồ hởi. Trong một trận giao phong khác, vợ ba Cai Vàng lại bắt sống được một
viên Hồng lô. Thấy tướng địch là một người trẻ tuổi đẹp trai, nàng không nỡ giết,
sai giam hắn lại, cho ăn uống tử tế. Quân lính của nàng còn thắng mấy trận
nữa, nhưng lúc bấy giờ quân triều đình biết tin Cai Vàng đã chết, nên lại cố sức
vây đánh. Cuối cùng quân của nàng phải bỏ phủ thành tản về các nẻo. Biết cơ khó
duy trì được lâu dài, một hôm vợ Cai Vàng hội các tướng sĩ lại, bảo họ: "Nay
Thượng công đã mất, chúng ta chưa gặp thời. Vậy cho mọi người ai nấy về nhà làm
ăn, đợi dịp tốt khác sẽ hay."
Các tướng sĩ đành gạt
nước mắt chia tay. Nàng cho người giải viên Hồng lô trả cho triều đình với điều
kiện để cho quân mình được tự giải tán, không truy nã. Đoạn nàng sai đem tất
cả của cải phân phát cho mọi người rồi bỏ đi, không biết là đi đâu.
Hết.
KHẢO DỊ
Người miền Nam kể
chuyện Doãn Uẩn làm vua nước Xiêm tuy nội dung không giống truyện
trên nhưng cũng có hình ảnh viên ngọc kỵ đạn.
Doãn Uẩn quê
làng Mùi, huyện Thượng Phúc (Hà Đông). Ngày ấy có quân Xiêm kéo vào bờ cõi,
vua sai ông làm tướng đem quân chống cự. Trong mình ông vốn có viên
ngọc kỵ đạn. Bèn lên ngồi trên cửa thành, đầu che tán lọng, dõng dạc bảo quân địch:
- "Cho chúng bay bắn trong nửa ngày, nếu ta chết quân ta sẽ mở cửa thành
cho vào, bằng không chết thì phải rước ta về làm vua nước chúng bay. Một lời đã
hứa ta quyết không sai. Có bằng lòng không?". Quân Xiêm nhận lời. Chúng
bèn rót đạn vào ông như mưa, tán lọng đều đổ và bọn lính hầu đều chết sạch. Duy
có ông vẫn ngôi yên, địch bắn tới nửa ngày không một viên nào trúng. Chúng kinh
hoàng toan lui quân thi bỗng ông đứng dậy hô quân nhất tề tiến lên. Địch bấy giờ
hết cả đạn thua chạy và quy hàng. Cuối cùng chúng tôn ông làm vua nước
Xiêm cho đến 42 năm mới chết. Xác ông được mang về trả cho vua ta.
Về sau có lần vua Xiêm,
dòng dõi của Doãn Uẩn, sang ta thăm có đem các quan tùy tùng về làng Mùi để
thăm mộ tổ.
Hết.
Xem thêm các truyện
khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment