Ngày xưa có một đứa
bé không cha không mẹ, được người ta nhặt về nuôi để sai vặt. Vì nó bẩn như lợn
nên người ta gọi là thằng Heo. Mặc cho ai muốn chế nhạo khinh bỉ mình thế
nào, Heo vẫn coi thường mọi người. Trải qua những năm đói kém, Heo vẫn sống và
ngày một lớn. Năm mười lăm tuổi, Heo đến ở với một ông quan lớn.
Một hôm, ông quan bắt
Heo múc một thau nước để rửa chân cho mình. Khi Heo mó đến chân quan, quan trỏ
vào mấy cái nốt ruồi và dặn: - Tao có ba cái nốt ruồi đỏ ở chân
đây. Mày hãy coi chừng! Nếu cào xước lên thì cả họ nhà mày cũng khó mà đền cho
ta cái tướng quý đó, con ạ!
Heo ta nghe nói nghĩ
bụng: - "Cái thứ người mới chỉ mới có ba nốt ruồi vặt đã làm gì mà nhặng
lên như thế!". Nghĩ đoạn, Heo vạch áo cho quan xem những nốt ruồi của mình
và nói: - Quan lớn chỉ có ba cái nốt ruồi thôi mà đã
quý đến thế, còn tôi có đến chín nốt đây này.
Ông quan thấy thằng
bé có những chín nốt ruồi đỏ ở sau lưng thì lấy làm lạ lắm, bụng nghĩ thầm: -
"Trời ơi! Làm sao mà nó có tướng quý thế kia! Về sau nó không làm vua thì
cũng làm chúa mà thôi. Nếu để cho nó làm vua làm chúa thì còn thể thống gì nữa.
Phải tìm cách giết đi mới được".
Thế rồi mấy hôm sau,
ông quan trao cho đứa hầu gái một gói thuốc độc và bảo nhỏ rằng: -"Mày nhớ
rắc thuốc này vào cơm cho thằng Heo ăn. Nhưng phải giữ thật kín miệng, nếu để
ai biết tao sẽ giết mày trước".
Người hầu gái cầm lấy
gói thuốc độc, bụng thương Heo vô hạn. Nhưng nàng không thể trái lời chủ được
đành phải rắc vào bát cơm để dành phần cho Heo. Hôm ấy, Heo phải đi chợ mua giấy
bút cho chủ. Trở về thì vừa lúc người hầu gái đang cho lợn ăn. Thấy Heo bưng
bát cơm sắp và vào miệng, nàng vội vàng lấy thanh củi, vừa gõ vào cái máng lợn
ăn vừa vờ mắng lợn: - Heo òn! Heo òn! Heo ăn Heo chết, mà Heo
không ăn heo cũng chết!
Nàng vừa gõ vừa nói
như thế đến ba lần. Heo nghe lấy làm chột dạ, nhưng vẫn chưa hiểu ý tứ thế nào
liền chạy lại hỏi nhỏ:- Thế nào? Có việc gì nói cho tôi biết đi!
Cô gái đáp: - Heo
đừng có quên tôi, tôi sẽ cho Heo biết.
Heo gật đầu. Nàng vội
dắt Heo ra một chỗ vắng, kể hết sự tình cho nghe, và bảo: - Nếu Heo
không trốn mau, tai vạ sẽ đến nữa. Không sao tránh khỏi.
Heo cảm ơn cô gái vô
cùng, ôm lấy đầu nàng hôn hít và nói: - Sau này nếu tôi làm nên
thì nàng cứ tìm đến, nhưng phải đến với mớ tóc lòa xòa như thế này thì tôi mới
nhận ra được.
Heo bỏ đến ở với một
lão trọc phú. Trọc phú thấy Heo đến xin việc, chưa biết nên dùng vào việc gì.
Nhân có mấy đứa con đang chơi bời lêu lổng, hắn bắt Heo trông nom chúng cho
mình. Công việc kể ra cũng nhàn và Heo làm tròn phận sự. Nhưng phải mấy đứa bé
nghịch ngợm hết sức; chúng nó làm cho Heo phải theo dõi rất vất vả, lại thường
bị mắng oan. Heo cắn răng không nói gì cả.
Một hôm, trọc phú thấy mấy đứa
con có vẻ buồn bèn bảo Heo: - Mày hãy bò xuống làm ngựa cho các
anh ấy cưỡi. Có thế các anh ấy mới vui mà tao thuê mày mới đáng đồng tiền.
Heo cực chẳng đã phải
phủ phục xuống cho hết đứa lớn đến đứa bé leo lên lưng. Chúng nó thích lắm. Cho
nên, ngày hôm sau trò ấy lại diễn ra. Thằng con lớn của trọc phú cưỡi lên lưng
Heo, nó beo tai Heo, Heo không nói gì. Một chốc, nó vớ cái roi đánh vào đít
Heo, miệng kêu "nhoong nhoong" như kiểu bố nó cưỡi ngựa. Heo không nhịn
được nữa, ngoái tay ra sau lưng gạt đứa bé một cái. Đứa bé văng mạnh ra đằng
trước, đầu va phải tường vỡ óc mà chết.
Thấy đứa bé chết,
Heo sợ, vội vàng bỏ trốn. Heo đi rất xa, tìm đến một ngôi chùa ở trên núi, xin
với hòa thượng cho mình được ở lại hầu hạ rồi sẽ cắt tóc quy y. Hòa thượng đang
cần một em bé hàng ngày trèo lên bệ lau chùi các pho tượng, nên nhận cho Heo ở
chùa. Công việc không có gì đáng phàn nàn. Một hôm, hòa thượng nhìn thấy những
chỗ kẽ chân tay của các pho tượng còn đầy bụi bặm bèn mắng Heo làm ăn dối trá.
Qua hôm sau, Heo cố sức lau kỹ vào kẽ tay kẽ chân các tượng nhưng khó mà lau
cho sạch. Tức mình, Heo trợn mắt nhìn một pho tượng và nạt lớn: -
"Nhấc tay lên cho ta lau!". Tự nhiên pho tượng gỗ giơ tay lên trời.
Lau xong, Heo lại phán: - "Duỗi chân ra nhanh, không ta cho ăn một gậy!".
Pho tượng Phật đang ngồi xếp bằng vội nhổm dậy duỗi chân cho Heo lau. Nhờ làm
theo cách ấy, Heo lau được sạch tất cả các pho tượng. Lau xong đâu đấy. Heo lại
hô lên cho các tượng trở về nguyên vị.
Từ đấy trở đi, Heo vẫn
làm theo lối đó. Nhưng một hôm, sau khi lau xong Heo quên truyền cho các tượng
bỏ tay xuống, và co chân lại, cứ để thế mà về trai phòng. Buổi tối, các hòa thượng
lên chùa tụng kinh thấy tất cả tượng Phật đều đứng duỗi chân thì vô cùng kinh
ngạc, mới cho gọi hết thảy sư vãi trong chùa tới để chứng kiến một cảnh tượng
chưa từng có bao giờ. Khi hỏi đến Heo, chàng thú nhận là do hôm nay mình đãng
trí quên bảo các pho tượng ngồi xuống như cũ. Hòa thượng nghĩ bụng: - "Chỉ
có thiên tử mới sai khiến được Phật. Đứa bé này đã sai khiến được Phật hẳn có
ngày làm vua. Nếu ta không báo quan trên, một mai họ truy nã, tất ta
sẽ mang lỗi".
Nghĩ đoạn, hòa thượng
liền cho người mật báo lên quan. Nhưng có một chú tiểu khác đã mách cho Heo biết,
nên Heo bỏ trốn trước khi quan tới.
Lần này Heo đến ở với
một phú thương. Trước nhà phú thương có một hàng cau mọc đều ngăn ngắt. Hắn giao
cho Heo hàng ngày phải múc nước tưới cau. Một hôm, Heo mệt quá ngồi nghỉ dưới
bóng cây, Heo chỉ vào ba cây cau, buột miệng nói đùa: - Cây này
là cha, cây này là mẹ, cây này là con!
Tự nhiên, ba cây cau
ấy trở nên lớn bé cao thấp khác nhau: cây cau cha vụt lớn cao hơn tất cả, trái
lại cây cau con lùn tịt xuống, buồng của nó cọ gần sát đất.
Qua hôm sau, phú
thương bước ra vườn thấy mấy cây cau thay hình đổi dạng thì lấy làm kỳ dị, bèn
gọi Heo đến hỏi cho ra duyên cớ. Heo đáp: - Chính do tôi bảo mà nó
thay đổi như thế!
Phú thương rất đỗi lạ
lùng nhưng cũng bảo Heo: - Nếu phải thế thì mày hãy làm cho nó trở lại
như cũ, bằng không tao sẽ cho mày một trận nhừ đòn.
Heo trợn mắt, bảo hắn: - Người
ta "ăn một đọi, nói một lời" chứ có đâu lại thế. Tôi nhất định không
làm khác với lời của tôi đâu!
Phú thương nổi giận
tìm gậy toan đánh Heo, Heo bỏ chạy thục mạng. Mặc dầu bụng đói, chàng không dám
dừng lại. Mãi đến nửa đêm, vừa mệt vừa buồn ngủ ríu mắt, Heo chui đại vào một
nhà kia để kiếm chỗ ngả lưng..Trong lúc ấy các giường chõng đều chật ních những
người mà lại ngủ say như chết. Heo trông thấy ở gian bên có ban thờ Long thần vừa
đủ một chỗ nằm, lại có cả chiếu dùng để đắp rất tốt, bèn vứt tượng Long thần
vào một xó nhà rồi trèo lên bàn làm một giấc rất ngon lành. Tờ mờ sáng
hôm sau Heo đã dậy, lại tiếp tục đi nữa.
Khi chủ nhà dậy,
thây Long thần nằm dưới đất mà trên bàn thờ có vết tích người nằm
chưa dọn thì lấy làm lạ, vội trải chiếu và đưa tượng lên. Nhưng khi họ mó tay
vào tượng Long thần thì lạ thay, cả bao nhiêu người xúm lại cũng không cất nổi.
Đang khi ngơ ngác nhìn nhau thì bỗng có một người thượng đồng lên, thay lời
Long thần bảo mọi người rằng: -Ta vốn ở đất của nhà vua, vua đặt ta ở
chỗ nào thì ta ở yên chỗ đó.
Thấy thế mọi người
tin là thiên tử đã đến nhà mình tối hôm qua. Tin ấy truyền ra ngày một rộng, giữa
khi dân chúng đang ngong ngóng đón chờ một vị minh chúa ra đời, cứu vớt thiên hạ
khỏi cảnh lầm than điêu đứng. Hôm ấy, Heo chạy lên núi gia nhập vào một đám giặc.
Chàng theo họ đi đánh, dần dần lập được nhiều công trạng. Thế rồi, nhờ sức khỏe
và mưu cơ, cuối cùng chàng được cả sơn trại bầu làm trại chủ. Từ đó người ta
theo về mỗi ngày một nhiều, nhất là lúc họ biết Heo là người sai khiến được Thần,
Phật. Heo cầm quân chống với quân triều, đánh cho chúng nhiều trận thất điên
bát đảo. Đất của Heo mở rộng ra mãi. Chàng tự xưng vua, đặt triều
đình và quan chức. Kẻ thù của chàng thường gọi chàng là vua Heo.
Cho đến khi xa giá
vua Heo có dịp đi qua tỉnh cũ của mình ngày trước, thì bỗng có máy người
trong đội tiền vệ dẫn một cô gái tóc xõa ngang vai đến trước ngự doanh. Thoạt đầu,
chàng không nhớ ra là người nào cả. Nhưng khi nhìn đến mớ tóc, chàng nhận ra
ngay người hầu gái, bạn chàng và ân nhân của chàng ngày trước. Lập tức, chàng
đưa nàng về kinh, lập làm hoàng hậu.
Hết.
KHẢO DỊ
Dân tộc Dáy ở Lào
Cai có truyện Chu Hùng Ú nói về nguồn gốc dân tộc mình, nhưng nội dung lại rất
gần với truyện Vua Heo. Đại thể là:
Chu Hùng Ú là con đẻ
của một cô gái bị lợn thần bắt làm vợ, anh có sức khỏe hơn người. Lớn lên, anh
đi chăn trâu cho một lão nhà giàu. Vùng ấy có một cái hồ, dưới đáy có một con
trâu thần thường lên mặt đất ăn cỏ. Nước bọt của trâu thần dây vào
bãi cỏ nào, những con trâu làng tranh nhau gặm kỳ hết. Có lần trâu thần
ăn lúa, Ú đuổi và nhặt được một cái lông, anh cầm lấy lội xuống hồ, tự nhiên nước
rẽ ra cho đi. Ú xuống đến chỗ trâu thần nhặt được nhiều bọt, đưa về rải lên cỏ
cho trâu làng gặm, nhờ vậy trâu không pha hoại hoa màu của dân. Bọn
trẻ chăn trâu đặt lệ hễ ai trèo lên đỉnh núi cao chót vót thì được tôn làm vua.
Chẳng đứa nào trèo được trừ có Ú chỉ nhoai mấy cái là tới đỉnh. Từ đây Ú được
chúng hầu hạ suy tôn như vua thật.
Một hôm Ú múc nước rửa
chân cho chủ làng, gãi phải ba nốt ruồi ở gan bàn chân. Chủ làng bảo: -
"Ba viên ngọc ấy chỉ huy một vạn binh đấy". Ú trả lời: - "Quý gì
thứ ấy. Tôi có sáu nốt bên chân trái và chín nốt bên chân phải đây". Thấy
vậy, chủ làng liền bắt Ú nhốt vào ngục rồi bắt Ú phải đi gánh nước với đôi thùng
không đáy, nhưng anh vẫn tìm cách gánh được đầy nước đưa về. Con gái chủ làng
yêu anh, đưa thức ăn và vật nài mãi anh mới ăn. Sau đó, cô giúp Ú trốn khỏi nhà
giam. Chủ làng cho quân đuổi theo, Ú gãi các nốt ruồi ở gan bàn chân, lập tức
cây cỏ biến thành lính, đánh cho quân chủ làng thua liểng xiểng.
Sau đó chủ làng lại
đưa tiếp quân tới vây. Ú dốc ống đậu đen ra, đậu đen biến thành lính, giữ quân
chủ làng cho Ú chạy thoát. Đến một con sông chắn ngang, anh nhờ lông trâu thần
nên sang được bờ bên kia. Ú xin vào làm tiểu cho một ngôi chùa. Một hôm
quét dọn, Ú ra lệnh cho các tượng Phật chạy khắp nhà. Sư ở chùa tin là Ú sẽ làm
vua.
Vài năm sau, vùng ấy
mở hội chọn người tài lên làm vua. Điều kiện là phải trèo lên được một ngọn cột
rất cao cắm trên nóc cung và lấy được một vật làm dấu hiệu xuống trình với mọi
người. Không ai trèo nổi, chỉ có Ú trèo lên như một con sóc, lấy được ngay.
Làm vua rồi, Ú đem
dân đi đánh các nơi. Đi đến đâu họ phạt chuối đến đấy để biết dấu mà về. Có một
lần, Ú đưa dân đến một vùng cứ như bây giờ là Lào Cai, khi tìm đường
về thì không thể nào tìm được nữa, vì các cây chuối đã phạt lại mọc lên tốt như
cũ, quân của Chu Hùng Ú đành phải ở lại đây sinh cơ lập nghiệp, tức là tổ tiên
của dân tộc Dáy ngày nay.
Xem thêm các truyện
khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment