Ngày xưa, trong một
hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ,
hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng. Nó đi đến đâu là cuốn thành bão
đến đấy, cây cối đổ rào rào, bụi bốc mù mịt. Nó đã ăn thịt không biết bao nhiêu
là súc vật và người. Người ta dùng nhiều cách để diệt trừ, nhưng mãng xà đã
không chết mà còn phá hoại dữ dội hơn. Cuối cùng nhà vua phải sai dựng cho nó một
cái đền và hứa mỗi năm khấn một mạng người để nó đỡ phá phách. Nhà vua ra lệnh
bắt các làng mỗi năm phải nộp một người con gái để dâng cúng mãng xà, nhưng
cũng cho rao trong nước, ai tiêu diệt được con quái vật ấy thì sẽ phong quận
công và cho lấy công chúa làm vợ.
Bấy giờ có một chàng
trẻ tuổi từ lâu được một nhà sư đưa lên nuôi trên một ngôi chùa ở núi cao. Hàng
ngày nhà sư truyền cho anh nghề múa gươm và các môn võ nghệ. Thành
tài, anh được thầy tặng một thanh gươm quý và cho phép "hạ sơn". Hôm ấy
anh trở về làng. Sau khi kéo bộ suốt cả một ngày mệt nhọc, anh thấy một tòa đền
có ánh sáng le lói, không biết là đền mãng xà, bèn ghé vào nghỉ chân. Vừa bước
vào cổng đền bỗng nghe có tiếng khóc thút thít ở phía trong, anh lấy làm ngạc
nhiên vội lần vào thượng điện. Dưới ánh đèn dầu, anh thấy một cô gái trạc mười
tám, hai mươi tuổi, bị trói vào cột ở một góc điện. Anh lập tức bước đến cởi
trói cho nàng và nói:
- Làm sao cô lại
bị trói ngồi ở đây? Cô gái gạt nước mắt nói:
- Chàng là ai, ở
xứ nào mà không biết đây là đền thờ mãng xà ư?
Đoạn cô kể lại những
hành động của mãng xà, mỗi năm phải nộp một mạng người ra sao, cuối cùng cô nức
nở:
- Nhà thiếp có
một mẹ một con, nghĩ mình chết đi cũng không tiếc, chỉ thương mẹ già không có
ai nuôi. Nhưng thôi chàng hãy đi mau khỏi chốn này, nếu không mãng xà
nó đến thì chẳng còn tính mạng.
- Thế bao giờ
thì nó đến đây?
- Chỉ nội trong
đêm nay! Chàng trẻ tuổi ân cần:
- Tôi muốn thay
nàng nộp mạng cho mãng xà để nàng được về với mẹ. Cô gái đáp:
- Thiếp không
muốn vì mình mà người khác phải chết. Cứ để mặc thiếp chịu số kiếp
thê thảm, tiền oan nghiệp chướng này. Chỉ mong chàng nếu có đi qua làng, hãy
làm ơn ghé vào an ủi mẹ già giúp thiếp.
- Không. Nàng
hãy kíp tránh khỏi nơi đây để mặc tôi với con quái vật. Rồi rút gươm ra khỏi
bao, chàng nói tiếp:
- Nó không thể
làm hại được tôi đâu. Tôi sẽ bắt cái này ra đối mặt một phen với nó. Nàng hãy
chạy về làng mau đi!
Nói đoạn, anh dẫn cô
gái ra khỏi cánh rừng, rồi trở lại đền nai nịt gọn ghẽ, quyết thức đợi mãng xà.
Vào khoảng nửa đêm,
bỗng phía ngoài có tiếng rào rào, cành cây gẫy răng rắc. Một mùi tanh tưởi
xông vào mũi đến lộn mửa. Chàng trẻ tuổi đứng dậy rút
gươm nấp vào bên thượng điện. Mãng xà quen như mọi khi, từ từ vắt mình qua tường
tiến vào. Nhưng nó vừa thò cái đầu vào đền thì chàng trẻ tuổi đã khởi thế công
ngay. Lưỡi gươm của anh lóe lên trong đêm tối như chớp giật. Con quái vật bị
thương, lao tới toan nuốt sống kẻ thù. Nhưng đường gươm lợi hại của anh đã lại
bồi cho nó một nhát thứ hai. Mãng xà đau quá, rống lên, hà hơi phun gió rồi quật
đuôi tới tấp làm anh lăn đi mấy vòng. Sắp bị lọt vào miệng quái vật
thì may sao, anh đã kịp đứng bật dậy, thủ thế đâm cho nó một mũi thứ ba, nhưng
vì đâm mạnh quá nên mũi gươm bị gãy. Anh bèn bồi tiếp mấy nhát, mãng
xà bị thương nặng. Cả khúc thân của nó quằn quại mạnh đến nỗi tường và mái đền
đổ sụp, gạch ngói lăn xuống rào rào. Anh giơ lưỡi gươm chặt lấy cái đầu con ác thú.
Giết được mãng xà,
chàng trẻ tuổi khát nước quá chạy khắp rừng đi tìm suối giải khát, rồi vì mệt
quá, anh lần ra bên bờ suối ngủ thiếp một ngày một đêm.
Trưa hôm sau, một
viên quản có phận sự gác ở khu vực này tiến vào đền để dò động tĩnh. Hắn vô
cùng kinh ngạc khi thấy mãng xà nằm trên vũng máu, mà cô gái thì
không biết đã biến đi đường nào. Nhưng nghĩ đến lời hứa của vua, hắn lập tức
xách lấy đầu mãng xà phóng ngựa về kinh lĩnh thưởng. Trông thấy đầu con quái vật,
nhà vua rất vui mừng. Vua hỏi:
- "Ai đã
giết được mãng xà?" Viên quan đáp: - "Tâu bệ hạ chính là kẻ hạ thần
này". Vua khen ngợi hồi lâu, rồi ban sắc chỉ phong cho làm quận công, lại
truyền gả công chúa như lời đã hứa.
Đám cưới tổ chức rất
linh đình. Nhưng giữa hôm cưới, trong khi vua quan tề tựu đông đủ, thì bỗng có
một người khách lạ xin vào yết kiến. Vua truyền cho vào. Người khách lạ chính
là chàng trẻ tuổi đã giết mãng xà. Vua hỏi:
- Nhà ngươi đến
đây có việc gì? Chàng trẻ tuổi đáp:
- Tâu bệ hạ, chỉ
xin phép bệ hạ cho tôi được lấy lại một mảnh gươm gãy còn giắt trong đầu mãng
xà mà thôi!
Vua hết sức ngạc
nhiên:
- A, vậy
ra không phải là phò mã của ta đã hạ thủ mãng xà ư? Vua nhìn sang phò mã. Phò
mã mặt đã tái đi, nhưng vẫn cố cãi:
- Nó là thằng
bá vơ nào dám vào đây nhận xằng!
Vua liền sai hoãn
ngay lễ cưới lại rồi bảo vệ sĩ bổ đầu mãng xà để tìm mảnh gươm. Một lát sau vệ
sĩ đã đưa mảnh thép về dâng nộp, khi ráp vào với gươm của chàng trẻ tuổi thì vừa
như in. Vua thét:
- Thì ra phò mã
đã lừa dối trẫm và mọi người.
Lập tức vua sai lột
thẻ vàng quận công của hắn rồi đeo vào cho chàng trẻ tuổi. Sau đó vua dắt anh
ngồi vào chỗ ngồi của phò mã, và ra lệnh cho lễ cưới lại tiếp tục như cũ.Trong
khi đó thì viên quản bị giải ra pháp trường.
Hết.
KHẢO DỊ
Lăng-đờ (Landes)
cũng kể một truyện, nhưng vai trò anh hùng ở đây lại là bức tranh Quan Đế:
Ở phủ Kiến-xương có
một cô gái mồ côi sống bằng nghề may thuê vá mướn. Một hôm cô đi chợ thấy có
bán tranh Quan Đế. Bắt chước những người khác, cô nhịn ăn bỏ tiền mua một bức
đem về mỗi ngày dâng cúng trước khi ăn, đi đâu cũng mang theo.
Một hôm đi qua làng
Nhân-lý, làng này thờ thần Lợn, mỗi năm cũng phải dâng một người con gái. Cô
gái thấy có hội làng, chen vào xem. Bọn hương lý làng này giả thuê cô làm một số
công việc ở đền trong mấy ngày hội, hứa sẽ trả cho một số tiền lớn. Đêm lại
chúng bỏ cô một mình ở đền. Cô lấy bức tranh ra treo ở tường rồi dâng
hương. Nửa đêm thần Lợn xuất hiện, nhưng vừa tới gần thì đã bị Quan Đế từ trong
tranh bước xuống chém làm ba khúc.
Vũ Ngọc Phan cũng kể
truyện một thần Lợn - con lợn thành tinh - mỗi năm làng cũng phải hiến một người
con gái chưa chồng. Một anh học trò nghèo đi qua đền đúng vào lúc một cô gái bị
đưa đến đền. Anh cầm dao ngồi ăn với thần Lợn, có bọn "tiểu yêu" của
nó hầu hạ. Thừa lúc thần Lợn không để ý, anh chém cho nó một nhát gãy chân. Thần
hiện nguyên hình là một con lợn, chạy trốn mất. Cả làng đổ ra, theo vết
máu đi tìm, cuối cùng bắt được con lợn chén thịt. Còn chàng trai và cô gái về
sau lấy nhau.
Một loạt truyện khác
tuy khác nội dung nhưng vẫn cùng cấu trúc, nhất là hình ảnh nộp mạng người
cho ma quỷ: Truyện Ma rai:
Có một con ma rai ở
trong hang đá, dân chúng phải cúng mỗi tháng một mạng người. Đến phiên nhà nọ,
nhà chỉ có một mẹ góa con côi. Hai mẹ con không muốn rời nhau, nên cả
hai cùng đi, mỗi người cầm một bó đuốc vào đến cửa hang. Ma vốn sợ lửa nên bảo
họ đừng đưa vào. Hai mẹ con không nghe, cầm đuốc tiến thẳng vào, ma sợ
chạy ra ngoài đồng, chết thành con ruồi.
Truyện Muỗi thần gần
giống với truyện trên:
Cạnh động Toàn-sơn
có một hang rất sâu có con muỗi thần to bằng con bê. Hàng tháng làng phải nộp một
mạng người để cho con quái vật "chích huyết làm rượu, lấy thịt làm đồ nhắm".
Một hôm đến phiên
nhà nọ cũng chỉ có hai mẹ con. Mẹ thương con cùng đi với con. Đến nơi
hai người đem mía ăn, chờ muỗi thần. Ăn xong đốt bã mía để sưởi,
không ngờ khói luồn vào hang, hun chết quái vật. Sau đó, Diêm vương bắt y hóa
thành muỗi, từ đó muỗi chuyên chích trộm máu người.
Một truyện
khác, Quyền làm chồng, có bàn tay tô điểm của nho sĩ với đôi nét hài hước:
Một làng kia thờ thần
thiêng ở chân núi. Lúc tế thì bưng cỗ vào miếu, hôm sau đã sạch như chùi. Một
hôm thần báo mộng phải nộp một người học trò nọ cho thần làm chồng. Làng họp
bàn. Người học trò nhận lời đi nộp mạng, nhưng bảo làng chuẩn bị cho mình một
dùi sắt, một vò rượu ngon.
Đến ngày, anh giấu
dùi sắt vào người, tay cầm roi song. Đến nơi nhảy lên ngai thờ ngồi. Được một
lát có một người con gái hiện ra mang tráp trầu vào mời. Anh thét: - "Tao
là chồng, chủ mày là vợ, sao chồng đến đây đã lâu mà không thấy vợ ra
mắt, hãy kêu chủ mày ra đây ta bảo". Lát sau nữ thần hiện ra ăn mặc diêm
dúa, anh nọc ra đánh ba chục roi lấy cớ khinh người. Thần mời: - "Xin mời
chàng vào". Anh đi theo vào một hang đá rồi trèo lên ngồi trên bàn đá. Cơm
dọn ra thấy thức ăn nguội anh lại nọc đánh ba chục roi. Đem hâm nóng, lại bị
đánh. thần không biết làm sao mà chiều, mới ngồi khóc. Bấy giờ anh rút dùi sắt
ra đập phá khắp nơi, một hồi chúng tan hết cả. Anh bèn đánh trống ngũ liên mời
làng ra triệt hạ ngôi miếu. Một truyện nữa Người đàn bà lấy rồng kểt
cục khác hẳn với các truyện trên:
Một ông vua không có
con nối dõi, một đêm đi dạo vườn thấy một rắn mẹ và một ổ rắn con. Thấy
vua than thở nỗi không con, một rắn con theo vua về. Từ đó hoàng hậu có mang đẻ
ra một con rắn xanh, mắt sáng như ngọc. Nó lớn như thổi, chỉ ba ngày hóa thành
rồng, rú lên những tiếng dữ dội. Vua và hoàng hậu sợ, bỏ đi ở chỗ khác. Đưa thứ
gì rắn cũng không ăn, càng rú dữ dội. Một viên đại thần tra tìm sách vở bảo vua
rằng loài đấy phải có thịt con gái mới yên. Vua không dám làm việc ác đức nhưng
cũng thử bắt đại thần đưa con gái đến. Đại thần hiến kế: - "Hạ thần sẵn
lòng nhưng như thế không đủ, mà bắt con gái dân thì họ sẽ nổi loạn.
chi bằng cho lính ra biên giới bắt con gái dân láng giềng".
Một bà tiên hiện ra
bảo vua cứ làm, sẽ có điều hay.
Nghe tin lính đến bắt
người, một mụ dì ghẻ muốn hại con chồng, bèn sai cô con gái chồng - Bạch nương
- đi chăn trâu xa, chiều tối hãy về, vì vậy mà cô bị bắt. Nhưng trước khi phải
làm mồi cho rồng, Bạch nương được bà tiên tiên hóa phép làm cho nhan sắc đẹp đẽ, lại cho một cái áo mặc vào để có thể thoát khỏi nguy
hiểm. Nhờ có áo, cô đã hàng phục được rồng. Rồng biến thành một chàng trai, sau
đó lấy cô làm vợ. Người dì ghẻ nghe tin này sợ quá hóa điên, bị khỉ ăn thịt1.
Truyện của người
Ja-rai (Djarai) Y Rít giết đại bàng:
Có hai con đại bàng
bay tới toan ăn thịt cô gái Hơ-bia Bơ-dung ngồi dưới gốc cây. Cô đáp: - "Dạo
này tôi gầy lắm, để vài tuần trăng nữa ăn mới ngon". Nghe xuôi tai, chúng
bỏ đi. Đến ngày hẹn, người bố đem trâu rượu mời dân làng đến canh giữ, hứa ai cứu
được sẽ gả. Nhưng khi đại bàng đến thì nó thu hồn họ lại làm cho mọi người ngủ
say như chết. "Tôi vẫn còn gầy lắm, đợi ba trăng nữa ăn mới ngon".
Chim hút thử máu đầu ngón tay cô gái thấy đúng, liền bỏ đi. Trai làng tỉnh dậy
thì đại bàng đã đi xa.
Lại sắp đến ngày hẹn
với đại bàng. Trong làng còn sót một anh chàng nghèo khổ là Rít ở một túp lều
rách cuối làng là chưa được mời. Hơ-bia bèn mời anh đến canh giữ với các trai
làng. Thấy Rít đến, trai làng chế giễu, bắt ngủ dưới sàn cạnh chuồng gà. Đại
bàng tới thu hồn mọi người nhét vào ống tre đút nút lại. Vì Rít ngủ ở dưới sàn
nên không ở trong số đó. Rít lén lên chuồng Hơ-bia, chờ khi đại bàng thò cổ vào
định bắt Hơ-bia liền rút gươm chém chết, rồi cầm ống tre lẻn ra về. trong đêm tối,
Hơ-bia không biết là Rít, chạy theo nắm lấy vỏ gươm và khố của ân nhân, nhưng
Rít kịp thời dùng gươm cắt đứt dây buộc vỏ gươm và đuôi khố đi mất. Về đến nhà,
họ tranh công nhưng đem so vỏ gươm và khố thì không ai vừa cả. Sau khi Hơ-bia đến
nhà Rít so thì vừa, bèn nhận làm chồng. Hai vợ chồng bị bố đuổi đi, nhưng họ làm ăn siêng năng tài giỏi, khắp nơi tôn làm
pơ-tao.
Xem thêm các truyện khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment