Ngày xưa, có nàng
Nguyễn Thị Bích Châu là vợ vua Duệ Tông nhà Trần. Nàng có nhan sắc xinh đẹp,
hơn nữa lại văn hay chữ tốt, trong cung đình nhà vua khó có phi tần nào sánh kịp.
Vì vậy khi được tuyển vào cung hầu hạ, Bích Châu sớm được vua yêu, chỉ ít lâu
sau được nhắc lên bậc quý phi, thường giúp vua trong việc giấy tờ
nghiên bút.
Bấy giờ vua Duệ Tông
ham mê chơi bời, chẳng có tài trị nước. Đã vậy, vua thường tự kiêu, lại cả tin
bọn nịnh thần. Thấy cơ nghiệp nhà Trần ngày một suy vi, Bích Châu thường tỏ ra
lo lắng. Nàng bèn dâng lên vua một bài "Kê minh thập
sách", trong đó trình bày mười việc chính sự cần sửa đổi. Nhưng Duệ
Tông còn mải rượu chè nào có để ý đến. Thế mà vua còn nghe lời bàn của một viên
quan, chuẩn bị đội ngũ để tự mình "thân chinh". Thấy vậy,
nàng thở dài: - "Chết thật! Thế này thì đến nguy mất. Nhà vua là người
hiếu thắng chẳng chịu tự lượng sức mình". Bích Châu lại viết một bài
biểu lời lẽ tha thiết, khuyên chồng nên nghĩ lại. Nhưng bài biểu của nàng cuối
cùng cũng bị xếp vào một xó. Thấy chồng quyết tâm kéo quân đi, Bích Châu rất buồn
nhưng rồi nàng cũng xin phép chồng cho mình đi theo. Duệ Tông ưng cho. Nàng là
một trong mấy chục phi tần cung nữ đi theo ngự giá; họ ngồi trong một chiếc
mành riêng, luôn luôn đi cạnh long thuyền nhà vua.
Bấy giờ trời yên biển
lặng. Đoàn quân gồm năm trăm chiếc mành lớn xuất phát từ Thăng-long, dong buồm
theo đường biển. Chỉ trong năm ngày, đoàn mành rợp cờ xí đã tiến vào một cửa biển
lớn, ghé vào đậu tại bãi Bạch-tân. Vua ra lệnh cho quân sĩ lên bộ nghỉ ngơi ít
ngày. Nhưng buổi chiều, sau khi ghé bến được một chốc thì trời bỗng nổi một trận
gió lốc dữ dội. Vua lo lắng, cho đòi một số bô lão địa phương tới hỏi. Một cụ
già đáp:
- Tâu bệ hạ,
mùa này vốn là mùa lặng gió. Dân chài chúng tôi vốn thường ra khơi làm ăn. Trận
gió lốc này cũng là triệu chứng lạ. Trước mặt đây có một miếu thờ thần Biển rất
thiêng. Khách đi ghe mành qua lại thường ghé cầu cúng sẽ được yên ổn, nếu không
thì thần phạt làm cho buồm gãy lái xiêu. Hoặc giả đó là do thần Biển gây ra
cũng chưa biết chừng.
Nghe nói, vua vội sai quan
biện xôi lợn vàng hương đến đền cầu cúng. Canh ba đêm ấy, vua nằm mộng thấy một
vị thần thân thể to lớn, râu tóc lòa xòa, mặt mũi dữ tợn, đến ngồi
trước mặt, cất giọng oang oang như lệnh vỡ:
- Ta đây là
Giao thần. Một dải biển này một tay ta trấn trị. Hà hà! Nhà
vua cũng là người biết điều đấy! Nhưng muốn cầu yên cho mấy vạn nhân mạng mà chỉ
có con lợn hồ rượu thì sao đủ. Ta nghe chuyến đi này nhà vua đưa theo lắm
nàng tuyệt sắc mà ta thì lại chẳng có ai khuây khỏa. Vậy ta muốn nhà vua thả xuống
cho ta một giai nhân. Đối lại, ta sẽ giúp cho cuộc hành quân thuận buồm xuôi
gió. Nào, nhà vua có bằng lòng không?
Thấy Duệ Tông cúi đầu
không rỉ răng, vị thần cười một cách ghê rợn, rồi nói tiếp:
- Hừ, không cho
ta cũng không được đâu. Ta sẽ mượn vài lượn sóng đưa đoàn mành nhà vua xuống
thăm thủy phủ. Bấy giờ dù có hối cũng không kịp!
Nói đoạn xô ghế đứng
dậy rồi biến mất.
Duệ Tông giật mình tỉnh
dậy vô cùng khiếp sợ, vội cho đòi các quan tướng và các phi tần đến chỗ ngự tẩm
báo cho họ cái tin không hay này. Ai nấy nín lặng nhìn nhau, mặt cắt không được
giọt máu. Trong khi các quan tướng chưa biết ứng đối thế nào, thì Bích Châu từ
sau trướng bước ra, nói:
- Việc linh ứng
của thần nhân như vậy là đã rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình
nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và
quan quân.
Thấy nàng quyết liều
mình, Duệ Tông rất thương, bèn nói:
- Lành dữ có số,
họa phúc do trời. Ta há vì mộng mị vô thường để chịu thiệt một mình nàng sao.
Không được. Kẻ kia muốn làm gì thì làm, ta quyết không sợ!
Bích Châu lại tiếp:
- Sự thể đến
nơi rồi, khó mà cưỡng lại. Xin bệ hạ lấy tính mạng ba quân làm trọng, coi ái ân
làm nhẹ. Chỉ tiêu một người cứu được muôn người, con đường ấy dễ đi hơn cả.
Nhưng Duệ Tông vẫn
chưa chịu nghe. Bấy giờ cơn gió vẫn còn thổi mạnh, các thuyền mành thả neo bị
sóng chao đảo dữ dội. Một vị tướng hầu gần rỉ vào tai vua, xin vua nghe theo lời
quý phi để cho yên việc lớn. Sau đó Bích Châu lạy vua rồi bước lên một chiếc
thuyền câu. Trong ánh sáng mờ mờ của buổi bình minh, chiếc thuyền
lướt ra biển cả như một chiếc lá trôi. Bỗng chốc một đợt sóng dâng lên ngập trời.
Khi sóng hạ xuống thì thuyền đã biến mất, mọi người chỉ còn nghe mấy tiếng
văng vẳng:
- Đa tạ "quan
gia"... từ nay vĩnh quyết...
Một lát sau, trời vừa
sáng rõ thì sóng lại yên, gió lại lặng. Giao thần đã y ước rút lui để cho đoàn
quân tiếp tục cuộc hành trình.
Gần một trăm năm
sau.
Ngày ấy, ở bãi Bạch-tân
lại tưng bừng đón hàng ngàn chiếc mành lớn chở đoàn quân thân chinh do vua Lê
Thánh Tông làm tổng chỉ huy. Cũng như lần trước, đoàn mành cờ xí rợp trời lại
ghé vào bến cắm neo. Quân sĩ được lệnh lên bộ lấy nước kiếm củi và nghỉ ngơi
hai ngày.
Đêm hôm ấy nhà vua nằm
ngủ, chiêm bao thấy mình đang ngồi trên long thuyền ngắm cảnh, bỗng từ ngoài
khơi có một người đàn bà đi trên mặt nước khoan thai tiến vào, rồi dừng
lại trước long thuyền vái chào.
Vua phán hỏi:
- Nàng là ai? Đến
đây có việc gì? Người đàn bà đáp:
- Thiếp là Nguyễn
Thị Bích Châu, vợ vua Duệ Tông nhà Trần, đến nhờ bệ hạ ra tay cứu vớt.
- Đầu đuôi thế
nào hãy nói rõ cho ta biết?
- Trước đây chồng
thiếp kéo một đoàn quân thân chinh cũng dừng lại ở cửa biển này. Giao thần trấn
trị ở cõi biển này buộc chồng thiếp phải cho y một người vợ mới chịu để yên. Để
cứu toàn quân, thiếp tình nguyện cho Giao thần bắt. Nhưng từ ngày xuống thủy phủ,
mới biết y là một hung thần chuyên làm việc đồi bại trong vùng. Thiếp không thể
sống mãi với tên dâm ác. Ngày nay may mắn được biết bệ hạ đi qua vùng này, vì vậy
đến đây xin bệ hạ hãy giúp thiếp trừ khử tên hung thần, đem lại sự yên
ổn cho một cõi.
Vua vội hỏi:
- Trẫm phải làm
thế nào thì trừ khử được nó?
- Xin bệ hạ hãy
viết một bức thư cho Quảng Lợi Vương là vua của các vua trên biển Đông này, vạch
tội ác của Giao thần đối với thiếp rồi dùng súng thần công bắn ra tận ngoài
khơi. Hễ việc đến tai Quảng Lợi Vương thì đến lượt thiếp, thiếp sẽ tự mình tố
cáo tội ác tày trời của nó. Nghe xong câu chuyện, nhà vua gật đầu. Lập tức bóng
người đàn bà biến mất.
Ngày hôm sau, vua
sai tập hợp thủy quân cơ nào đội nấy chỉnh tề hàng ngũ. Đoạn trên long thuyền,
vua ra lệnh cho đội thần cơ bỏ bức thư có đóng dấu ngự bào vào nòng, bắn ra
khơi cho Quảng Lợi Vương. Chỉ một lát sau, người ta thấy trên một vùng biển cả
sóng gió mịt mù, một con giao long đang vùng vẫy chạy trốn, có hàng ngàn con
khác đuổi theo. Cho đến nửa chiều, sóng yên gió lặng.
Tự nhiên có xác của
một người đàn bà nổi lên mặt nước, trôi vào trước long thuyền. Mọi người nhìn lại,
thấy dung mạo nàng còn tươi như sống.
- Đúng là người
phi của đức vua triều trước đã liều tấm thân để cứu ba quân mà sử sách có
ghi chép.
Vua nói vậy rồi truyền
an táng nàng theo lễ vương phi tại bến Bạch-tân. Vua lại ra lệnh cho mấy chục
thần cơ chĩa vào miếu thờ Giao thần nhả đạn. Chỉ trong phút chốc, một tòa đền
trở thành đá tan ngói vụn. Sau ngày khải hoàn trở về, vua truyền cho dân địa
phương dựng đền thờ Bích Châu tại cửa biển này và phong cho nàng làm Chế Thắng
phu nhân.
Hết.
KHẢO DỊ
Một dị bản khác của
truyện Nguyễn Thị Bích Châu là truyện Công chúa Mai Châu, nội dung
như sau:
Công chúa Mai Châu
là con gái vua Lê Thánh Tông xinh đẹp tuyệt trần, lớn lên thích học võ nghệ và
binh thư đồ trận. Năm ấy có giặc Ngô Bát Ngạo cấu kết với quân Chiêm gây chiến ở
biên giới, quân nhà vua phải đi đánh, thường bị thua thiệt. Thấy vậy, công chúa
tuy còn nhỏ tuổi cũng xin vua cha cho mình cầm quân cứu nước. Vua giao cho năm
vạn quân với mươi chiếc tàu. Đến núi An- ngang (Quảng-bình) thì trời bỗng nổi
cơn sóng gió. Một vị thần nổi lên mặt nước tự xưng là Giang thần đòi bắt nàng
làm vợ nếu không sẽ nhận chìm mười chiếc tàu xuống thủy phủ. Công chúa thấy cần
phải hy sinh thân mình để cứu lấy năm vạn quân, bèn gọi các tướng kể rõ mọi việc,
và nói: - "Ta đành phải liều mình để chu toàn cho ba quân. Nhưng các tướng
hãy về triều báo với cha ta để cha ta vào báo thù". - Nói xong, nai nịt gọn
ghẽ rồi cầm gươm nhảy xuống biển.
Được tin báo, nhà
vua nổi giận kéo quân vào, trước hết sai lấy chiếc minh kính chiếu tìm nơi ở của
Giang thần rồi bắn xuống dữ dội. Không thể cự nổi, Giang thần đành phải trả
công chúa. Xác công chúa bèn nổi lên ở vũng Ao-bạch. Vua sai dựng đền thờ ở bờ
ao rồi cho đem xác về kinh mai táng. Về sau công chúa hiển ứng, được phong tôn thần.
Thần tích làng kẻ Sặt (Hưng-yên)
cũng có hình ảnh tương tự với các truyện trên:
Một quan tướng trước
khi đánh giặc có hứa với một vị thần rằng mình sẽ hiến một cô gái đẹp nếu thần
giúp cho mình đạt được thắng lợi. Trận ấy quả chiến thắng. Sau khi khải
hoàn, quan tướng đi qua đền thần quên mất lời hứa; thuyền quân tự nhiên không
tiến lên được. Quan tướng nhớ lại, đành phải ném một cô gái xuống nước. Dân
vùng kẻ Sặt thờ nàng làm thần, và làng được thần hiển hiện nhiều việc linh ứng.
Nhưng đến khi dân kẻ Sặt chuyển sang Thiên chúa giáo thì họ phá đền và
thôi cúng.
Thần tích đền Quả thuộc
Anh-sơn (Nghệ-an):
Khi quân Lê Lợi tiến
vào Nghệ-an, đến vùng Bạch-ngọc, qua đền thần Quả thì thuyền không tiến được nữa.
Thần phụ đồng cho biết nếu vua hiến một người vợ thì thuyền sẽ lại đi được và
thần sẽ giúp cho chiến thắng. Vua hỏi các bà vợ. Một người trong đó là Phạm Thị
Ngọc Trần đã sinh với vua được một con trai tình nguyện làm vật hy sinh.
Xem thêm các truyện
khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment