Ngày xưa, ở chợ Đồng-xuân
có cô gái họ Trương, con một gia đình giàu có lớn. Cô gái mặt hoa da
phấn và đã đến tuổi yêu đương. Thường ngày sống trong nhung lụa, có kẻ hầu người
hạ nên cô ít khi bước chân ra ngoài.
Một hôm cô ngồi hóng
mát trên lầu tây. Đang dựa bao lơn nhìn xuống đường phố, cô trông thấy có chàng
trẻ tuổi cưỡi ngựa đi qua. Bên phía chàng trai nhác thấy bóng hồng thì say vì
nhan sắc, đứng lại ngắm mãi không rời. Cô gái họ Trương thấy có người nhìn
chòng chọc vào mình liền thẹn thò lui gót. Chàng trẻ tuổi tên là Lý Quốc Hoa
còn đang dùi mài kinh sử, là con một vị tướng ở vệ Kim Ngô đóng tại
kinh thành. Hôm ấy, sau khi nhìn thấy người đẹp chàng đâm ra thẫn thờ, không
còn muốn giục ngựa đi tiếp. Nhưng khi nhìn lại nhà cô gái, thấy tường cao cổng
kín, chàng mới biết đó là người không phải dễ dàng gặp gỡ. Mặc dầu vậy, chàng vẫn
không quên ngôi nhà lầu, chỗ giai nhân vừa ngồi ngắm cảnh, có bao lơn con tiện
và rèm the, bụng bảo dạ:
- Thật là một
trang phong lưu tuyệt sắc! Thế nào cũng phải tìm cách gần gũi nàng mới thỏa dạ.
Từ đó chàng ra công
dò la tông tích, hy vọng có ngày được mắt xanh.
Một hôm chàng đi qua
cửa, gặp mặt người ra dáng con hầu từ nhà ấy đi ra. Chàng sán đến gần,
làm quen. Qua trao đổi một vài câu chàng mới biết đó là người nữ tỳ của nhà họ
Trương tên là Hồng Hạnh, đi mua phấn cho cô chủ. Chàng khẩn khoản nhờ nàng làm
ơn giúp mình trao cho cô chủ một bức hoa tiên. Thấy Hồng Hạnh nhận lời, chàng mừng
rỡ cảm ơn.
Lần đầu tiên đọc bức
thư cầu thân, cô gái họ Trương cảm thấy trong lòng nở hoa. Đoán biết đó là anh
chàng cưỡi ngựa chòng chọc nhìn mình hôm nọ, nàng mỉm cười, nhớ lại khuôn mặt
tuấn tú của chàng. Hàng ngày nàng đọc đi đọc lại bức thư không chán. Rồi cuối
cùng nàng cũng viết mấy dòng lên hoa tiên trả lời.
Hồng Hạnh từ đấy trở
thành con thoi thông tin tức cho hai bên, vì vậy không mấy chốc họ đã trở thành
cặp bạn tình. Lần đầu cô gái họ Trương hẹn chàng đến vườn hoa nhà mình một đêm
trăng. Chàng họ Lý lén lút tìm đến, cảm thấy vừa hồi hộp vừa thích thú. Và
chàng sung sướng vô hạn khi được đối diện và người ngọc. Cuộc tình duyên cứ thế
nảy nở thuận lợi. Sau bao lần gặp gỡ khác, họ lại hẹn vào mồng ba tháng Ba sẽ gặp
nhau trên một chiếc cầu vắng ở phía cửa Đông.
Nhưng không may cho
cặp bạn tình, đêm ấy quan Kim Ngô giữ anh chàng lại ở dinh để thảo hộ cho ông một
tờ trình rất dài mãi đến canh ba rồi canh tư mà vẫn chưa xong. Cô gái họ Trương lần đầu một mình ra khỏi nhà trong đêm tối.
Nàng đã giấu cha giấu mẹ, giấu
cả bọn con hầu đầy tớ, trừ có một mình Hồng Hạnh. Nhưng Hồng Hạnh phải ở nhà để
đề phòng bất trắc. Một mình nàng lủi thủi đến cầu, chờ mãi không thấy tăm hơi
người yêu đâu cả. Cầu vắng tanh. Nép sau bụi cây, nàng thấy mỗi lúc một sốt ruột:
- "Chẳng lẽ chàng lại lừa dối ta". Nhưng trống lầu đã đổ canh hai mà
vẫn biệt vô âm tín. - "Chàng tệ thật!" Đêm hôm khuya khoắt, lại thân
gái một mình, nàng đành phải trở về không thể rốn đợi. Nhưng nàng đã hữu ý để lại
một chiếc giày của mình ở chỗ hẹn, cũng là một cách báo cho chàng biết rằng
mình có tới.
Mãi đến gần canh
năm, Lý Quốc Hoa mới làm xong công việc khẩn cho bố. Vừa đặt bút xuống, chàng
đã ba chân bốn cẳng chạy đến nơi hẹn đầu cầu. Nhưng ôi thôi, người ngọc đâu còn
ở đó. Nhờ có chiếc giày của nàng để lại mùi thơm phảng phất, nên chàng không
nghi ngờ gì nữa. Chàng đoán là nàng đã đợi mình sốt ruột, đã trách mình hết lời
và chắc là từ nay nàng mất lòng tin cậy ở mình. - "Ôi! Bố ta đã
báo hại ta, bây giờ thì nàng còn coi ta ra gì nữa". Chàng cảm thấy như có
một sự đổ vỡ ghê gớm, không cứu vãn được. Cầm lấy chiếc giày, chàng âu yếm mãi
và trong một lúc rầu lòng đến cực điểm, tự nhiên hồn lìa khỏi xác. Và chàng ngã
vật xuống bên cầu bất tỉnh nhân sự.
Sáng dậy, người nhà
quan tướng Kim Ngô không thấy Lý Quốc Hoa, đâm bổ đi tìm nháo nhác. Họ ra
đến cầu thì thấy xác công tử với chiếc giày thơm còn ôm ở ngực. Cả nhà họ Lý
xúm quanh khóc nức nở. Câu chuyện đưa lên quan. Bấy giờ coi việc kinh thành có
quan thiếu sư họ Trần. Nhìn thấy chiếc giày trong tay xác người trẻ tuổi, ông
đoán đây hẳn là một vụ án về tình duyên. Bèn sai người đem chiếc giày để đi tìm
chủ nhân của nó. Không bao lâu đến nhà họ Trương, họ đã tìm ra cô gái. Nghe tin
người yêu nằm chết bên cầu, cô gái họ Trương kinh ngạc và bội phần đau xót.
Nàng không đợi viên sai nhân bắt mình ướm giày nữa mà cầm luôn chiếc còn lại,
ra thú thực với thiếu sư, và xin quan cho mình được phép đến than khóc trước
người bạc mệnh. Đến nơi, giữa đám người đông nghịt, nàng chen đại vào, gục đầu
vào thây chàng than khóc rất thảm thiết.
Không ngờ "âm
dương cảm cách", Lý Quốc Hoa như được truyền hơi thở, tự nhiên bừng tỉnh rồi
vùng ngồi dậy y như sau một cơn mê. Nhà họ Lý khôn xiết mừng rỡ, lạy tạ quan
thiếu sự họ Trần. Thiếu sư xoa tay vui vẻ nói:
- Đôi lứa xứng đôi đấy,
còn đợi gì mà không cho họ kết hôn với nhau. Ta vì vụ này vô tình trở thành mụ
mối cho hai nhà.
Cả hai gia đình vui
vẻ nhận lời. Thế là sau một tiệc cưới mà tiếng đồn vang dậy kinh thành, chàng
và nàng trở thành vợ chồng.
Hết.
KHẢO DỊ
Trung-quốc có quyển Chiếc
giày để lại làm chứng mà các nhà sân khấu đã biên soạn thành vở tuồng vào đầu
thế kỷ XIX, gần với truyện của ta:
Một cô gái mười tám
tuổi coi một cửa hàng hương. Nàng yêu một học sinh tên Quốc Loa và được yêu lại.
Một hôm nàng hẹn tình nhân đến một ngôi chùa. Anh đến quá sớm và nhân ngồi chờ,
có làm mấy chén rượu hâm nóng của một quán hàng gần đấy. Uống xong nằm say như
chết. Khi cô nàng đến, anh còn say lử, cô bèn đặt lên thân người yêu một chiếu
giày thêu của mình bọc trong một khăn là, rồi bỏ về. Quốc Loa tỉnh dậy thấy chiếc
giày thì hối hận vì đã lỡ hẹn với bạn tình. Chàng bèn nuốt luôn chiếc khăn, rồi
bỗng nhiên nằm vật xuống.
Tiểu đồng của người
học trò đi tìm chủ, đến chùa thì đã thấy chủ bất tỉnh nhân sự. Cho là sư chùa
đã giết chủ mình, hắn vội cáo lên quan. Quan bắt sư tra khảo. Nhưng vì có chiếc
giày thêu, người ta bổ đi tìm. Bắt được cô gái hàng hương đem về tra hỏi. Cô đến,
thấy có tý góc khăn thò ra ở miệng anh chàng, bèn kéo mạnh. Khăn vừa lôi khỏi
miệng thì anh chàng cũng tỉnh dậy như không việc gì.
Kết quả quan mắng
cho chị ta một trận vì tội dùng chùa làm nơi hẹn hò dâm đãng, và buộc hai
người lấy nhau. Họ không mong gì hơn thế.
Sách U minh lục (Trung-quốc)
có quyển Cô mái bán phấn, cũng là dị bản của các truyện trên:
Một anh chàng con
nhà giàu một hôm đi chợ, gặp một cô gái đẹp bán phấn làm trang sức. Ngày nào
anh cũng đem tiền đến mua phấn để được ngắm cô nàng. Cô gái dần dần sinh nghi.
- "Chàng mua phấn hàng tôi làm gì mà mua luôn vậy?", một lần cô hỏi
thế. Anh đáp: - "Vì yêu cô". Từ đấy họ gắn bó với nhau. Một hôm,
trong cuộc hẹn đầu, anh chàng quá sung sướng ngất đi. Thấy anh ngã xuống, cô
gái sợ, bỏ về. Bố mẹ đi tìm con trai thấy con đã chết, vào buồng học thấy có
nhiều gói phấn. - "Có lẽ vì phấn này mà con ta chết đây". Bèn đi tìm ở
chợ thì thấy cô gái bán phấn có những gói giống như ở buồng con mình, bèn bắt
giải quan. Cô gái thú là mình có yêu chàng và xin phép được khóc trước xác người
yêu. Quan cho phép.
Thấy áo quan
còn mở nắp, cô ôm lấy xác người yêu hôn hít Chàng trai tự nhiên sống
lại. Hai người được phép lấy nhau. Họ đẻ nhiều con.
Xem thêm các truyện
khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment