Vào thời nhà Lê, có
hai vợ chồng một nhà nghèo ở làng Đồng-lùi, sinh được một người con trai đặt
tên là Nguyễn Hữu Cầu. Thuở trẻ, Cầu mồ côi bố, người mẹ túng bấn phải cho
chàng đi ở, nhưng sau cũng cố gắng cho đi học. Trong lớp, chàng là người ngỗ
nghịch không chịu kém ai. Bấy giờ có một bạn học kình địch với Cầu là Phạm Đình
Trọng. Hắn là người thường được thầy khen nết na chăm chỉ, nhưng Cầu thì nhất định
không phục.
Một hôm thầy đi đám,
có cho Cầu và Trọng cùng theo. Lúc về, nhà đám biếu thầy một cái thủ lợn. Hai
người ganh tị nhau không chịu xách. Thầy liền ra một câu đối: Huề trư thủ nghĩa
là "xách đầu lợn", bảo ai đối hay thì được miễn. Trọng đối lại
là Phan long lân nghĩa là "vin vẩy rồng". Còn Cầu thì đối
là Phá Tần diệt Sở. Thầy gõ một giáo quạt vào đầu Cầu, chê Cầu đối gì mà lại
thừa chữ. Nhưng Cầu cố cãi: - Tôi dẫu đối sai, nhưng tôi không
muốn vin vẩy rồng mà lóc vẩy rồng kia!
Thầy mắng: - Thế
thì tội to đấy, không phải chơi đâu, con ạ! Cuối cùng, chàng bị thầy bắt xách
thủ lợn về nhà.
Hôm khác, thầy lại
ra một câu đối: Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo. Trọng đối: Tháng
Giêng rét dài, tháng Hai rét lộc. Câu của Cầu là: Tháng mười sấm rạp,
tháng Chạp sấm động. Thầy bảo cả hai người: - Thằng Trọng có khẩu khí
làm quan to, còn thằng Cầu thì chỉ làm giặc! Lúc ra chơi,
Trọng bảo Cầu: - Tao
sẽ cầm quân tiêu diệt mày.
Cầu đáp: - Nếu tao
làm giặc thì tao sẽ đánh tan xác những đứa vào luồn ra cúi.
Được ít năm, Cầu lại
đi học với một thầy đồ khác. Một hôm nhà thầy có việc phải mổ trâu thết khách,
nhân ra cho học trò câu đối: Tể hoàng ngưu, Cầu đối: Trảm bạch xà. Thầy
cho biết như thế là sai luật.
Cầu
đáp: - Tôi chỉ nhìn vào ý mà không nhìn vào chữ. "Giết trâu
vàng" chính là đối với "chém rắn trắng" đó ạ!
Thầy tấm tắc
khen: - Thằng bé này ngày sau có chí lớn. Hãy cố lên con ạ!
Nhưng rồi sau đó ít
lâu Cầu bỏ văn học võ. Năm mười tám tuổi, người chàng khỏe như voi, tiếng to
như sấm, có thể hai tay cầm hai cối đá ném xa vài trăm thước. Chàng lại giỏi
nghề bơi lặn, lặn suốt một hơi, từ tả ngạn sông Bạch-đằng đến bãi huyện
Yên-phong mới lên.
Bấy giờ chúa Trịnh
chuyên quyền làm nhiều điều bạo ngược, trăm tình nghìn tội đều đổ vào đầu dân.
Dân tỉnh Đông rủ nhau làm giặc. Cầu cũng gia nhập vào đám giang hồ. Dần dần,
chàng là bộ hạ đắc lực của Nguyễn Cừ. Bấy giờ Cừ xưng hùng một dải Hải-đông. Cừ
rất yêu tài chàng, gả con gái cho và phong làm quận công.
Có lần Cầu bị quan
quân bắt được. Chúng đưa chàng ra xử trảm. Sắp bị chém, chàng nói với quản ngục: -
Chém thì chém nhưng hãy lập đàn chay, dựng cột phướn cho ta lễ Phật, rồi sẽ chịu
hành hình. Như thế ta sẽ thỏa cái linh hồn mà không quấy nhiễu ai nữa.
Bọn quan quân nghe
nói cũng sợ, bèn cho lập đàn bên sông. Cầu được cởi trói, thong thả vào lễ Phật
rồi trèo lên đài, quan quân vây bọc kín ở dưới. Chúng thấy Cầu chắp tay niệm
"nam mô" hai tiếng rồi vụt một cái, đã thấy đâm đầu xuống sông. Chúng
hốt hoảng rải quân vây đón hai đầu, nhưng tìm mãi không được. Trong khi đó thì
Cầu đã lặn suốt theo dọc sông hơn ba mươi dặm mới bỏ lên bộ. Khi quan quân biết,
thì chàng đã cướp được một con ngựa chạy như bay, không còn ai đuổi kịp.
Cừ thất bại, Cầu tự
lập thành một đảng riêng, tiếp tục công việc của bố vợ. Chàng đem đồ đảng chiếm
Đồ-sơn làm căn cứ. Khi tế cờ, chàng bắt kỳ dịch trong làm ấy phải dọn đền thờ
Thành hoàng, vứt hết bài vị của thần đi, rồi dựng bài vị mới đề danh hiệu của
mình vào mà thờ. Chàng bảo họ: - "Trên có trời, dưới có đất, giữa chỉ có
mình ta là hơn cả, thứ thần linh này không đáng thờ bằng ta!".
Hôm khởi nghĩa có
con cá he lớn vào sông nên người ta gọi Cầu là "quận He".
Thấy chàng lặn giỏi và có tài đánh thủy, người ta cũng tôn làm "thần
cá biển". Tuy vậy, chàng đánh bộ cũng rất cừ. Hồi ấy có một con ngựa thần
thỉnh thoảng cứ vào buổi trưa lại từ dưới sông hiện lên rồi lững thững tiến vào
một cái miếu ở ngoài đồng. Biết là ngựa quý, Cầu đến miếu nấp định bắt nhưng ngựa
lạ hơi vừa động vào đã bị nó đá. Cầu bèn lấy thóc mang đặt ở miếu rồi ngồi
rình. Ngựa lúc đầu không chịu ăn. Về sau mon men tới ăn. Mấy lần như thế. Cầu bắt
đầu làm quen và dần dần ngựa chịu để cho Cầu cưỡi. Ngựa thần ngày đi ngàn dặm,
hang sâu khe lớn vượt qua như bay. Ngựa lại rất mến chủ. Có khi người và ngựa bị
bại trận lìa nhau mấy ngày trời, nhưng chỉ một thời gian sau, ngựa lại tìm về với
chủ.
Triều đình cho Cầu
là giặc nguy hiểm, cố lo diệt trừ. Chúng sai một quan thủy đạo đốc lĩnh rất thiện
thủy chiến đem binh thuyền đến đánh. Cầu cho mười chiếc thuyền giả cách thua chạy.
Bao nhiêu quan thuyền được lệnh ra sức đuổi theo. Thuyền của Cầu lui vào bến
Cát-bạc. Ở chỗ đó gió to sóng dữ, quan thuyền cao to lại nặng không
tài nào lái được, bị dạt sang bờ bên Đông. Cầu chỉ chờ có lúc ấy liền đem thuyền
nhẹ đến vây đánh. Quan quân tan vỡ, thủy đạo đốc lĩnh giơ tay chịu trói.
Nhà vua rất lo, phái
mười đạo quân, cầm đầu là một viên đại tướng nổi tiếng tới đánh. Cầu tìm chỗ hiểm
đặt quân phòng giữ, nhưng bề ngoài thì cho dành những quân già yếu để lừa địch.
Đại tướng khinh thường, dẫn mười đạo quân tiến vào. Tiến đến đâu, quân Cầu giả
thua quăng khí giới bỏ chạy đến đấy. Cầu chờ cho chúng tiến đến chỗ phải nối
đuôi nhau mà đi, nổ một phát súng hiệu, quân mai phục bốn bề xông ra
diện một lúc hết cả mười đạo quân. Đại tướng chỉ còn chạy thoát lấy thân.
Mãi về sau, Phạm
Đình Trọng bấy giờ đã là tướng tâm phúc của chúa Trịnh, tình nguyện xin đi đánh
Cầu. Trọng trước lúc xuất quân, gửi cho Cầu một vế câu đối: Thổ triệt bán
hoành: thuận giả thưởng, nghịch giả hạ (nghĩa là chữ "thổ" [土] cắt đi một nửa ngang, nếu để xuôi là chữ
"thượng" [上], để ngược là chữ "hạ"
[下]). Ý bảo Cầu nếu thuận sẽ để yên, nếu nghịch thì
tiêu diệt. Cầu nghĩ ngay vế đối gửi lại cho Trọng: Ngọc tàng nhất điểm: xuất
vi chúa, nhập vi vương (nghĩa là chữ "ngọc" [玉] giấu
trong mình một chấm, đưa ra là chữ "chúa" [主],
cất đi là chữ "vương" [王]).
Ý bảo ta một là làm chúa, hai là làm vua, chứ không thèm đầu hàng.
Hai bên dàn quân
giao chiến luôn mấy trận, quân của Trọng bị đánh tơi bời. Nhưng Trọng
cố xin chúa cho mình tập hợp quân xứ Bắc như rươi, quân xứ Đoài như trấu để vây
bọc Cầu. Quân của Cầu ít, lại đóng rải rác ở cuối ghềnh đầu bãi, sau dó bị quân
địch dần dần dồn lại trong vòng vây. Những kẻ xông xáo định tìm cách vượt ra đều
bị chết dần chết mòn. Tình thế rất nguy ngập. Một hôm, Cầu lặn đến thuyền Trọng.
Mặc dầu lính canh gác vòng trong vòng ngoài, chàng cũng bám được vào bánh lái
trèo được lên quan thuyền trong đêm tối. Bấy giờ Trọng đang ngủ say. Cầu quẳng
vào một bức thư đại ý nói: "Ta có thể lấy đầu nhà ngươi như thò tay vào
túi lấy một vật gì. Nhưng nghĩ tình bạn đồng học nên ta tha cho. Đổi lại, nhà
ngươi hãy mở cho quân ta một lối thoát". Sáng dậy, Trọng đọc thư
thấy sợ quá. Hắn một mặt trưng thu tất cả các chiếu trong vùng kết liền
với nhau làm một, rồi trải ra trên mặt sông để đề phòng Cầu lén đến.
Mặt khác, "tương kế tựu kế" hắn mở một lối cho quân Cầu rút
lui, nhưng lại phục binh đợi khi quân Cầu rút được nửa chừng thì hai mặt xông
vào ập đánh. Trận ấy quân của Cầu thứ bị giết, thứ bị đắm đuối, thứ chạy trốn, tan tác khắp nơi.
Một bộ phận thoát được theo chủ tướng chạy vào Nghệ-an. Đến đây không may cho Cầu,
thuyền bị bão lớn đắm gần hết phải bỏ lên bộ. Đi qua vùng Hoàng-mai, chàng bị
thuộc tướng của Trọng bắt được. Chàng than lên: - "Nếu trời không hại ta
thì lũ chó chết đừng có hòng mó đến người ta!".
Lúc Cầu bị tử hình,
vợ yêu của chàng là Nguyễn Thị Quỳnh đến gặp mặt và rút dao đâm cổ, quyết theo
chồng về cõi âm cho có bạn. Con ngựa của chàng cũng bỏ ăn ba ngày, rồi đi đâu mất biệt.
Ngày nay dân Đồ-sơn
còn thờ Nguyễn Hữu Cầu. Người ta bày ra tục chọi trâu để nhớ lại sức
mạnh vô địch của Quận He đã từng một thời làm cho quân triều run sợ. Người ta
thường nói "gan Quận He" để chỉ những người nào gan góc dũng cảm.
Hết.
Xem thêm các truyện khác tại đây:
-----
Comments
Post a Comment