Một hôm voi
đang đủng đỉnh đi chơi bỗng gặp hổ. Hai bên chào hỏi chuyện trò chán chê, đoạn
hổ bảo với voi: - Bác với tôi đều là bậc anh hùng ở chốn sơn lâm, mỗi
lần đi đến đâu, mọi thú vật đều khiếp sợ. Nay tôi muốn thi tài với bác một chuyến
chơi, nếu bác vui lòng thì hai chúng ta cùng nhảy qua một cái ngòi trước mặt đây,
hễ bên nào không nhảy được thì sáng mai đến đây đưa thân cho kẻ được cuộc tha hồ mà chén
thịt hay chà đạp thế nào tùy ý. Nào bác xem chừng có đủ sức đọ tài với
tôi chăng?
Nghe hổ nói khích,
voi khẳng khái đáp ngay: "Được, tôi sợ gì mà không thi". Nói rồi
cả hai cùng nhảy qua ngòi. Hổ làm một vọt sang bờ bên kia như bỡn.
Nhưng voi vốn nặng nề cất mình không nổi, bị sa xuống dòng nước. Chân voi tụt
xuống bùn lầy làm cho hổ phải xuống kéo mãi đến tối ngày mới đưa lên
được. Rồi đó cả hai ai về nhà nấy.
Giữ đúng lời hẹn,
sáng hôm sau voi phải đi nộp xác cho hổ ăn thịt. Biết hổ chẳng tha cho nào, voi
thấy chân rã rời, bước không nổi. Bỗng thỏ từ sau một gốc cây lớn tiến đến trước mặt voi.
Thỏ chào hỏi, voi không buồn đáp lại. Thấy voi buồn thỉu buồn thiu, thỏ hỏi: - Bác
voi! Sao bác buồn thế? Có việc gì đáng lo xảy ra hay sao? Bác cứ kể cho tôi biết
đi. Chưa biết chừng tôi sẽ giúp ích cho bác nhiều...
Voi dừng lại, kể cho
người bạn nhỏ nghe câu chuyện nhảy thi với hổ ngày hôm qua
và nói: - Đêm về tôi nghĩ lại biết mình thi nhảy với hắn là khờ.
Nhưng bây giờ đã lỡ thì biết làm thế nào?
Thỏ bảo: - Thế
sao bác không trốn đi, đừng ra đấy có hơn không?
- Không được -
voi trả lời - Tôi thà chết chứ không muốn sai lời đã hẹn.
Thỏ nghĩ một lát,
nói: "Tôi có một kế cứu bác nếu bác bằng lòng làm theo đúng lời
tôi dặn" - "Kế ấy thế nào?" - "Kế này cốt yếu nhất là tôi bảo sao bác
phải làm đúng như thế mới được". Nói rồi, thỏ đi kiếm lá cây trùm lên đầu mình, cải
trang thành một con vật khác hẳn. Đoạn cả hai con cùng đến chỗ hẹn với hổ. Thỏ
bắt voi nằm ngửa giơ bốn chân lên trời không cụ cựa.
*
* *
Lại nói chuyện hổ từ
hôm qua được cuộc, trong bụng vô cùng mừng rỡ. Sáng mai ngủ dậy, hổ hí hửng chờ
đến lúc được chén thịt voi. Nhưng khi sắp sửa đến chỗ hẹn, hổ nhìn thấy một cảnh
lạ mắt mà hắn không bao giờ ngờ tới. Trước mặt hổ, voi đã nằm chết chỏng cẳng
và trên mình voi có một con vật nào là lạ đang hùng hục chén thịt. Mà con vật ấy
chỉ bé bằng đầu vòi voi mà thôi.
- Lạ thật!
Không biết con vật nào kia chỉ có một tý tẹo thế mà dám cả gan vật
voi ăn thịt. Voi còn thế, huống chi là mình, không khéo nó nhìn thấy thì bỏ xác.
Nghĩ vậy hổ rụt rè
không dám tiến nữa, rồi rón rén quay trở lại, lủi một mạch về nhà. Dọc đường bỗng
có khỉ ở trên cây hỏi vọng xuống: - Bác hổ, sao bác vội thế? Có
việc gì đấy?
Nghe khỉ hỏi, hổ
hoàn hồn dừng lại, kể chuyện vừa rồi cho nghe. Kể xong, hổ chưa hết sợ hãi toan
bỏ đi. Nhưng khỉ vội giữ hổ lại mà nói: - Bác đừng sợ! Đây chắc là có
mưu mẹo gì đấy thôi! Bác cứ trở lại chỉ cho tôi thấy đi.
Thấy hổ còn ngần ngại,
khỉ lại nói: - Nếu bác sợ tôi đánh lừa thì bác cứ buộc người
tôi vào chân của bác, hễ bác ở đâu có tôi đó, bác đừng ngại!
Nói xong, khỉ đi lấy
dây nâu buộc thân mình nối liền với chân sau hổ rồi cả hai cùng trở lại. Khi thỏ
thấy hổ và khỉ dẫn nhau tới, biết ngay có khỉ làm quân sư liền không để cho
chúng kịp giở mưu mô, vội cất tiếng the thé mắng phủ đầu rằng: - Này khỉ
kia, sao mày chậm thế? Cha mày xưa nợ của tao tính ra đến mười con hổ, vậy mà
mãi đến bây giờ mày mới đưa đến được một con. Tại sao mày chây lười đến
thế. Muốn tốt phải trả cho đủ số, nếu không tao sẽ xé nhỏ xác mày ra.
Nghe nói, hổ tưởng
khỉ đánh lừa đem mình đi gán nợ cho con vật dữ tợn kia, bèn hốt hoảng cong đuôi
chạy một mạch không dám ngoảnh cổ lại. Hổ chạy mãi, chạy mãi, cho đến lúc thấy
mồ hôi toát ra đầy người, mệt hết sức, mới dừng lại, nhìn lại
khỉ thì khỉ đã chết nhăn răng từ bao giờ rồi. Thế mà hổ tưởng là khỉ còn sống
liền mắng cho một trận, và nói: - Đã thế mà mày còn
nhăn răng ra mà cười à?
Có câu tục ngữ
"To đầu mà dại, to dái mà khôn". Lại có câu "Nợ mười hùm
chưa đủ, mưu một khỉ thấm chi" đều do truyện trên này mà ra.
Hết.
KHẢO DỊ
Truyện trên còn thấy
ở một vài dân tộc khác như đồng bào Tây-nguyên... Trong truyện của Tây-nguyên,
chẳng hạn của người Ba-na (Bahnar), cũng như của Khơ-me (Khmer), thay cho voi
là người:
Một con hổ thấy con
chim bói cá kiếm ăn một cách dễ dàng khỏe khoắn (từ trên cao chỉ liệng xuống nước
một cái rồi bay lên là có cá ăn) cũng muốn bắt chước. Bèn trèo lên cây rình khi
có cá ở suối thì buông người xuống. Chẳng ngờ đã không bắt được cá mà suýt nữa
chết đuối. Một người kiếm mật ong đi qua thấy vậy cười nhạo hổ hết lời.
Hổ thẹn, xin người ấy giấu cho, mình sẽ tặng một ngày một con thịt. Người ấy nhận
lời. Từ đó anh ta rất mực sung sướng. Nhưng vợ anh ta lại cứ nài nỉ anh cho biết
lý do vì sao luôn luôn may mắn. Lúc đầu anh giấu, nhưng sau buột miệng nói hết
ra. Sáng mai lên rừng gặp hổ, hổ bắt người ấy phải nộp mạng vì đã nuốt lời hứa.
Người ấy vâng lời nhưng xin hổ cho về nhà từ giã vợ mai sáng sẽ đến nộp mình.
Sáng hôm sau anh
chàng thất thểu ra đi, trên đường gặp thỏ, và chuyện cũng xảy ra như chuyện vừa
kể.
Trong một dị bản của
người Ba-na (Bahnar) ở vùng Kon-tum thì thay cho chim bói cá là diều:
Một hôm hổ vớ được một
con heo rừng, sau khi đã rình mò khá vất vả. Hổ bèn xé xác heo thành
mấy mảnh để ăn; những mảnh chưa ăn tới thì ngồi lên giữ, vì sợ mất. Từ trên cao
diều nhìn xuống rất thèm. Diều nghĩ được một kế, bất thình lình bay vụt xuống mổ một
cái vào hạ bộ hổ. Hổ đau nhói, vội chồm lên, gầm thét vang trời. Thế là diều liền
chớp ngay một miếng gan heo và bay lên cành cao đánh chén. Vừa lúc hổ đang bị
diều đớp, một người thợ săn đi qua thấy thế cười sặc sụa. Hổ ngượng quá bèn ngỏ
ý xin anh ta giữ kín cho câu chuyện xấu hổ này. Đáp lại, hổ sẽ kiếm thịt hươu,
nai đem đến nhà cung đốn. Anh thợ săn chấp nhận lời thỉnh cầu, từ đó anh luôn
luôn có thịt rừng để ăn, khỏi phải mất công lặn lội, tìm kiếm. Nhưng một hôm
vui bạn, anh chàng nói toạc với bạn câu chuyện hổ bị diều chơi lỡm.
Đang lúc ấy hổ vác thịt đến nhà. Biết chuyện, hổ nổi giận, đòi anh thợ săn thực
hiện lời đã cam kết: nếu nói hở chuyện ra thì phải nộp mạng cho hổ. Anh thợ săn
khất hổ bảy ngày sau sẽ đến chỗ hẹn. Đang trong những ngày buồn tẻ nhất, anh bỗng
gặp thỏ. Thỏ hỏi thăm, biết chuyện, bàn mưu với anh làm một chiếc nỏ lớn và hai
mũi tên tẩm thuốc độc, để mình tìm cách cứu. Đến ngày hẹn, theo lời thỏ dặn,
anh thợ săn bảo hổ phải cùng nhau tới gặp thần Dang Công (thần núi) ở một gốc
đa trong rừng sâu để nghe phán bảo tội trạng, rồi mới được thực hiện lời hứa. Hổ
đã biết tiếng thần Dang Công nên rất sợ, đành nhận lời.
Khi cả hai kéo nhau
đến dưới gốc đa thì đã thấy một vị thần to lù lù đứng đấy, hoa lá phủ đầy người.
Thỏ nấp bên trong, cất giọng ồm ồm, bắt cả hai khai thực đầu đuôi để mình phán
xử. Muông thú nghe tin thần Dang Công hiển hiện xử vụ kiện giữa người thợ săn
và hổ nên cũng nườm nượp kéo nhau đi xem. Thần Dang Công truyền bảo mỗi bên nhận
một mũi tên thần, và dùng nỏ thần bắn vào bên kia, ai có tội kẻ đó sẽ chết.
Nhưng thỏ đã ranh mãnh trao nỏ cho chàng thợ săn bắn trước mặc dầu hổ ra sức phản
kháng. Chàng thợ săn được nỏ bèn gắng sức giương hai cánh nỏ cứng nhằm vào hổ bắn
một phát. Mũi tên độc trúng đầu hổ, hổ lăn ra chết liền. Muông thú thấy vậy xô
nhau chạy tán loạn, giãy đạp lên nhau mà chết. Từ trong đám lá ngụy trang thỏ
nhảy phóc ra, hiện nguyên hình, bảo anh thợ săn đem thịt thú rừng về
đánh chén.
Cũng cốt truyện này ở
một số làng bản Ba-na (Bahnar) khác lại kể rằng: khi anh thợ săn đưa hổ đến gặp
thỏ, thỏ thách hổ nuốt thi với mình một cái xương trâu dựng ngang trong miệng,
nếu hổ nuốt được thì mới chứng tỏ anh thợ săn có lỗi. Hổ đồng ý há mồm cho thỏ
bỏ xương vào, nhưng bị xương nhọn chống hàm lên, đau không sao nuốt được. Đến
lượt thỏ, thỏ nhanh nhẹn bỏ xương ra sau đít. Hổ tưởng thỏ đã nuốt xương dễ
dàng, hốt hoảng bỏ chạy. Người thợ săn thừa dịp giương cung bắn chết hổ.
Ở Việt-nam có nơi kể
khác đoạn đầu. Đó là truyện Con hổ, con cóc tía và con khỉ.
Cóc tía thấy hổ thường
năng đi qua về lại trước nhà, sợ nó giẫm phải, mới tính kế làm cho hổ phải
tránh xa. Một hôm chờ hổ đi ngang trước nhà, cóc bèn xông ra nạt: "Đứa nào
đấy, đừng có lớ xớ qua đây mà tao giết chết uổng mạng". Hổ giật
mình hỏi ai thì cóc đáp: - "Tao đây! Tao là cóc tía đây!" - "Ái
chà - hổ nói - mày bằng nắm tay có tài nghệ gì mà dám láo thế?". Thấy cóc
nói nghề gì cũng biết, hổ mời vào nhảy thi. Cóc nhận lời và nói: -
"Tao không thèm đứng ngang mày, tao đứng sau mày mà nhảy xa hơn mày mới
tài". Cũng như truyện Cóc kiện trời trong Lược khảo về thần thoại Việt-nam, cóc chờ khi hổ đập đuôi sắp nhảy thì
vội cắn lấy đuôi hổ. Hổ sang đến nơi thì cóc đã văng xa trước hổ một quãng. Hổ
thua cuộc, cóc nói: - "Tao mới sáng đây mà đã ăn thịt
một con hổ rồi!". Rồi há miệng cho hổ thấy một dúm lông mà cóc
đã cắn ở đuôi hổ lúc nãy. Thấy thế, hổ sợ quá cong đuôi chạy. Giữa đường hổ gặp
khỉ và kết cục cũng y như truyện vừa kể.
Người Nghệ-an kể
truyện này cũng giống như trên, nhưng còn có thêm một tình tiết: trước
khi hổ mời cóc nhảy thi, hổ đòi ăn thịt cóc. Cóc bảo: - "Chà chà!
Quân mày đông hay quân tao đông mà mày dám đòi ăn thịt tao. Này bây
giờ mày với tao mỗi bên gọi lên một tiếng xem bên nào có người "dạ"
nhiều". Hổ kêu lên một tiếng nhưng chẳng thấy ai phản ứng cả. Còn cóc kêu
một tiếng thì cả cánh đồng đều "dạ" ran. Hổ ngạc nhiên, bắt đầu sợ cóc.
Người Quảng-bình kể
truyện To đầu mà dại, nhỏ dái mà khôn như nhau:
Voi thi với hổ không
phải bằng cách nhảy qua suối, mà bằng cách gầm thét sao cho hươu nai sợ chạy trốn
(có người kể là làm sao cho chim rừng sợ bay đi). Dĩ nhiên tiếng gầm của voi
không làm cho hươu nai sợ bằng tiếng của hổ. Voi cũng hẹn qua
ngày sau đi nộp xác như trên, nhưng ở đây kẻ cứu voi và giả bộ ăn thịt
voi, đòi nợ khỉ, không phải là thỏ, mà là con chim chuyền chuyện (có
người kể là thỏ), nhưng khi khỉ buộc dây dẫn hổ đến thì chim mắng: - "Đồ
chó chết, mày vay của tao ba hổ béo nay trả một hổ gầy nhom". Hổ sợ chạy
làm khỉ chết nhăn răng. Hổ dừng lại mắng khỉ rồi chén thịt luôn. Vì thế sau này
dòng dõi khỉ hễ gặp hổ là trốn chạy và kêu la ầm ĩ.
Người Quảng-bình
cũng kể cả truyện Con hổ, con cóc tía và con rùa (không phải con khỉ)
như sau:
Cóc thách hổ chạy
thi (không phải nhảy) rồi khi sắp bắt đầu, cóc cũng ngậm chót đuôi hổ. Hổ chạy
qua hết năm núi, mười khe về dừng lại, đập đuôi thì cóc đã văng ra phía trước.
Thấy hổ ngoảnh đằng sau tìm cóc, cóc mắng: - "Tao đứng trước mày đây rồi
còn ngoái lại sau làm cái gì!". Hổ sợ cóc, bỏ đi, bỗng gặp rùa. Rùa bày
cho hổ buộc vào chóp đuôi một hòn đá thì cóc hết chỗ ngậm. Hổ làm theo, quả
nhiên lần này cóc không ngậm được đuôi hổ. Nhưng khi nhảy qua suối, hòn đá kéo
hổ xuống vực, hổ chết.
Còn có một truyện
khác của ta trong đó cũng có hổ và khỉ. Diễn biến của truyện như trên, nhưng
thay cho thỏ và voi (hay cóc tía) là một người ăn trộm.
Một người ăn trộm đến
rình ở chuồng ngựa nhà nọ định ăn trộm ngựa. Không ngờ đêm ấy có một con hổ
cũng đến rình. Trong nhà bỗng có tiếng mẹ dọa con: "Có nín không, kẻo
ông Ba bi bị bùm đến cắn chết".
Nghe nói, hổ
đâm ra lo sợ ông Ba bi bị bùm cắn nên ngập ngừng toan rút. Trộm ta ngủ quên chợt
tỉnh dậy thấy hổ tưởng là ngựa, vội nhảy phóc lên lưng hổ. Hổ bị một cú nhảy bất
thình lình tưởng là ông Ba bi bị bùm vồ, bèn cong đuôi chạy một mạch. Còn tên
trộm khi biết là hổ, sợ quá, vừa gặp cành bứa dọc đường liền bíu lấy đu lên.
Từ đây truyện lại giống
với các truyện trên. Thấy hổ chạy không ngoái cổ lại, khỉ chặn lại hỏi. Nghe hổ
kể, khỉ tình nguyện đi dò xem ông Ba bi bị bùm là thế nào. Khi biết chỉ là một
người như người thường, khỉ vội về mách hổ. Thấy hổ không tin, khỉ bảo hổ buộc
mình vào đuôi để đưa hổ trở lại xem. Trộm thấy hổ trở lại sợ quá, ngã từ cây bứa
xuống đầu hổ. Hổ tướng ông Ba bi bị bùm vồ, bèn lại co giò chạy một mạch làm
cho khỉ chết nhăn răng.
Đoạn sau còn nói
thêm nhiều diễn biến buồn cười, do những cái nhầm của vợ người có ngựa và vợ
người ăn trộm.
Người Miến-điện
(Myanmar) có truyện Vì sao hổ và khỉ trở nên thù địch:
Hổ và voi thách nhau
không phải nhảy mà là gầm thét, ai hơn sẽ được chén thịt của kẻ thua. Tiếng
thét của hổ làm cho các con vật chết khiếp, còn tiếng rống của voi thì không. Bảy
ngày sau voi đi nộp mình. Thỏ gặp thấy voi buồn, hứa cứu voi. Thỏ bảo các giống
vật khác làm bộ hốt hoảng nói thỏ đánh bạn với voi và sắp ăn thịt hổ. Hổ không
tin, bảo ai đi chén thịt voi với mình thì đi, nhưng không ai đi cả, trừ khỉ.
Hai con thắt đuôi lại với nhau. Hổ đến thấy thỏ ngồi trên đầu voi, ăn chuối bảo
là ăn óc voi. Hổ sợ thì khỉ trấn an bảo đó là chuối. Thỏ nói: - "Mày nói
đưa đến cho tao một con hổ béo sao lại nộp hổ gầy". Hổ sợ quá bỏ chạy, hai
con co kéo nhau đến khi vấp gốc cây đứt đuôi mới rời nhau được. Từ đấy khỉ và hổ
thù nhau.
Người Tày có truyện Hổ,
voi sợ cóc. Ở đây các vai trò có thay đổi: cóc thay vào thỏ, còn voi không
phải là nạn nhân của hổ:
Cóc ăn gỗ mục, ăn
đom đóm rồi đến mộc nhĩ. Đang ăn, bỗng có hổ đi qua hỏi cóc ăn gì? Đáp: -
"Sang chụ su chạng" (toi vai tai voi). Vì mộc nhĩ giống tai
voi, nên hổ sợ quá, toan chạy. Chưa hết sợ thì lại thấy cóc nhả ra từng con đom
đóm, mới hỏi: - "Ăn gì đấy?" - "Thưa tha tha thưa" (mổ hắt mắt hổ).
Lần này thì hổ sợ thật, liền cắm đầu chạy. Gặp voi, voi hỏi hổ vì
sao mà chạy. Hổ cũng kể chuyện vừa rồi. Voi bảo: - "Đừng sợ, để
ta trở lại xem". Rồi cũng buộc hổ vào chân. Hai con sắp tới. Cóc đã nói
to: - "Mày nợ tao ba hổ, hẹn sáng nay trả đủ sao chỉ có một". Hổ chạy
kéo cả voi cùng chạy. Cuối cùng hổ chết hộc máu. Thấy thế voi mắng: - "Chạy mệt bỏ
cha lại còn ăn trầu". Lại chạy nữa, một lát ngoảnh lại, thấy hổ nhe răng,
voi lại mắng: - "Suýt chết mất mạng mà còn cười ư?"
Ở truyện Hổ và
cáo của người Mèo thì cáo thay vào hổ, nhưng vai trò và tính cách của các
con vật đã biến đổi dần so với với truyện của ta:
Một đàn dê kéo nhau
đi ăn, tối ngủ ở hang. Một hôm gặp cáo, cáo thấy dê râu dài lấy làm lạ, hỏi: -
"Cái này dùng để làm gì?" Đáp: - "Đó là thứ dùng làm nước chấm để
ăn thịt cáo". Cáo sợ, bảo: - "Vậy anh làm ơn giữ chặt lấy nó để tôi
chạy khỏi nơi này!" Trong khi cáo chạy thì dê thét đằng sau: "Đuổi kịp
rồi!" làm cho cáo sợ. Một con hổ vằn gặp, ngăn lại, hỏi: "Sao chạy
nhanh thế?" - "Một túm dài dài dưới hàm, nó bảo làm nước chấm ăn thịt
cáo khỏe" - "Ồ, sợ gì, đưa tao trở lại xem!" Cáo lắc đầu. -
"Nếu thế thì buộc đuôi nhau". Cáo chỉ dám đứng từ xa mà trỏ cho hổ thấy.
Khi biết là dê thì hổ xông lại, nhưng dê chụm sừng húc rất hăng làm cho hổ lăn
xuống chân hang, đồng thời cáo cũng ngã theo. Nghe một tiếng "huỵch"
cáo ngã lên lưng, hổ giật mình tưởng con gì vội chạy như bay. Cáo chết. Hổ ngoảnh
lại thấy, mắng: - "Mày còn cười tao à?". Rồi đào hố chôn cáo nhưng lại
quên cởi đuôi nên khi hổ bước đi thì lại kéo cáo lên khỏi lỗ, bèn mắng: -
"Mày còn theo
tao làm cái gì?". Nói rồi ăn thịt cáo. Chỉ khi nhai đuôi cáo mới sực nhớ
là đuôi nó còn buộc vào đuôi mình.
Người Trung-quốc có
truyện ngụ ngôn Hổ già và khỉ:
Một con hổ già muốn
ăn thịt khỉ. Khỉ biết ý bèn bảo hổ: - "Thân tôi bé nhỏ không đủ bữa của
ngài. Trên núi đối diện có con vật lớn lắm, ngài sẽ bắt chén thỏa thích. Tôi
xin đi trước dẫn đường". Hai con cùng đi. Đến chỗ có con nai, nai vừa thấy
đã nói trước: - "Này anh bạn khỉ, mày hứa trả cho tao 10 da hổ, nay chỉ có
một, còn chín". Hổ nói với khỉ: - "Tao không ngờ mày ác thế, mày đem
tao đi trả nợ ư?"
Người Mông-cổ có
truyện A-lát và sư tử khác nội dung nhưng cũng giống kết thúc:
A-lát một hôm ra
ngoài lều, thoáng thấy bóng sư tử vội chạy về bảo vợ: - "Làm thế nào bây
giờ?". Đáp: - "Dù to xác đến đâu cũng không bằng trí khôn. Cứ vác cái
gậy thòng lọng ra đi, nó hỏi cứ đáp: - "Bắt con sư tử về ăn trưa". A-
lát làm theo. Sư tử cười: - "Bắt ta thế nào được, ta tớp một cái là chết
toi". - "Thế thì chúng ta thử sức, ai mạnh hơn thì được bắt kẻ thua hầu
mình". Sư tử bằng lòng. A-lát nhặt một hòn đá và bảo nó bóp nát. Trong
khi sư tử không làm được thì anh bóp quả trứng vỡ tan. Sư tử chịu để
anh xỏ dây vào mũi, đặt yên lên lưng cưỡi.
Nhưng lâu dần, sư tử
tỏ ý khinh thường. A-lát lo, lại hỏi vợ, vợ bảo: - "Mai nó đến, mình cứ hỏi
tôi làm gì buổi sáng". Thấy sư tử sắp đến, A-lát cất to tiếng hỏi vợ. Vợ
đáp to: - "Hãy nấu thịt sư tử mẹ và ninh xương sư tử con cũng tạm đủ
ăn". Nghe nói,
sư tử ở ngoài sợ quá bỏ chạy. Gặp cáo, sư tử kể cho cáo biết chuyện. Cáo ngăn lại
nói. - "Chúng nó lừa đấy, ta hãy trở lại xem sao". Khi hai con sắp sửa
đến nơi, vợ A-lát nói vọng ra: - "Đồ cáo khốn kiếp, bảo mày đưa
một sư tử béo, mày dẫn thứ ấy đến làm gì?" Nghe thế, sư tử va
vào đầu cáo một cái chết, rồi cắm cổ chạy mất.1
Truyện ở Xây-lan
(Sri Lanka):
Mẹ con nhà hoẵng một
hôm dọn đến một hang báo khi báo vắng nhà. Trở về, báo bỗng nghe tiếng mẹ hoẵng
quát với đàn con: - "Sao chúng mày không biết gì cả. Đã ăn thịt báo no nên
chê chán mà còn chưa vừa lòng ư?" Báo kinh hoang, quay đàng sau
chạy, đến hỏi chồn. Chồn hứa sẽ đến cắn cổ cả hai mẹ con hoẵng, lại buộc dây nối
người báo với cổ mình để cùng đi. Nhưng cuối cùng báo sợ, chạy nhanh đến nỗi chồn
chết tươi.
Truyện
trong Năm sách dạy trẻ (Panchatantra):
Một dê đực già một
hôm gặp sư tử, quát: - "Tao đây là chúa dê tôn thờ thần Xi-va; ta đã cầu
thần cho giết 101 hổ để cúng dâng người, cùng với 15 voi và 10 sư tử". Sư
tử hoảng sợ chạy dài, sau đó trở lại cùng với chồn. Nhưng khi nghe tiếng dê đực
quát lên như trước, thì cả hai chỉ còn co chân chạy thục mạng.
Ở châu Âu phổ biến
là truyện Dê đực, chồn và gấu do anh em Grim (Grimm) sưu tập, giống
hai truyện vừa kể:
Dê đực nhân khi chồn
đi vắng, choán lấy hang làm chỗ ở. Chồn về, thấy trong hang của mình long lanh
hai con mắt to thì hoảng lên, bỏ chạy. Dọc đường, gấu ngăn lại, hỏi
lý do. Chồn đáp: - "Có một con vật ghê gớm ở trong hang của tôi có hai con
mắt thật là kinh khủng". Gấu nói: - "Ồ, tôi sẽ tống khứ hắn ra khỏi
hang cho mà xem!". Nhưng khi gấu đến thì thấy hai con mắt sáng, đến lượt
mình cũng vắt chân lên cổ mà chạy.
Xem thêm các truyện
khác tại đây:
-----